Trước tình trạng trẻ đuối nước gia tăng ở một số địa phương, đặc biệt mới đây là vụ 3 học sinh chết đuối tại một ao tưới rau ở phường Hố Nai (TP.Biên Hòa), nhiều cha mẹ đã vội vã cho con đi học bơi.
Trước tình trạng trẻ đuối nước gia tăng ở một số địa phương, đặc biệt mới đây là vụ 3 học sinh chết đuối tại một ao tưới rau ở phường Hố Nai (TP.Biên Hòa), nhiều cha mẹ đã vội vã cho con đi học bơi.
Huấn luyện viên tại hồ bơi của Trung tâm Thể dục - thể thao tỉnh hướng dẫn trẻ kỹ năng bơi lội. Ảnh: P.LIỄU |
Theo nhiều phụ huynh, chương trình chống đuối nước của ngành GD-ĐT đề ra đã khá lâu, nhưng cho đến nay việc phổ cập bơi cho học sinh vẫn… nằm trên giấy. Vì thế, không ít phụ huynh đã chủ động cho con đi học bơi với mong muốn các em có thể ứng phó khi gặp tình huống bất ngờ dưới nước.
* Chủ động ứng phó…
Hè này, chị Nguyễn Lê Như Ý (ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) dành thời gian đưa đón con đi học bơi ở Nhà thiếu nhi Đồng Nai. Chị nói: “Thấy báo chí đưa tin liên tục về những trường hợp trẻ bị chết đuối ở sông, ao, hồ mà lo. Tôi có nghe các trường sẽ dạy bơi cho các em từ khi con tôi vào lớp 1. Nay cháu đã chuẩn bị chuyển cấp mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Để cháu có thể “tự cứu” mình, tôi chủ động đưa con đi học bơi tại các hồ có vận động viên hướng dẫn những kỹ năng khi ở dưới nước”. Cùng nhận định như chị Ý, mỗi tuần 2 buổi anh Dương Hoàng Khang (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) cũng tranh thủ đưa 2 con trai đi bơi tại Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh.
Thông tư số 02/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn. Theo đó, mỗi lớp dạy bơi chỉ từ 8-10 em để HLV đảm bảo chuyên môn và quan sát tốt nhất nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ. Mặt khác, nhân viên trực hồ, cứu hộ phải liên tục quan sát từ khi trẻ xuống hồ; HLV, nhân viên trực hồ, cứu hộ đều phải có giấy chứng nhận cứu hộ viên và được đào tạo sơ cứu ban đầu về đuối nước; khi vào ca trực, phải quan sát toàn bộ hồ, kiểm tra dụng cụ, phao bơi, phao cứu hộ và hồ bơi, tất cả phải đảm bảo an toàn mới cho khách xuống bơi… |
Với lượng trẻ học bơi dịp hè năm nay tăng đột biến so với hè những năm trước, các huấn luyện viên (HLV) của Trung tâm TDTT tỉnh khá bận rộn với các lớp dạy bơi. Anh Vũ Quỳnh Thịnh, một HLV môn bơi lội, cho biết: “Trong quá trình dạy bơi ở đây, từ HLV đến nhân viên trực hồ, nhân viên cứu hộ thường tập trung cao độ để giám sát và kịp thời xử lý những tình huống bất ngờ để có thể ứng phó kịp thời”.
Còn theo anh Nguyễn Ngọc Hiền, nhân viên cứu hộ ở hồ bơi Ngọc Phát Riverside (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), trong hoạt động bơi lội có thể xảy ra nhiều tình huống dẫn đến tai nạn, như: nhiều em cứ thấy hồ nước là nhảy xuống mà không biết độ nông - sâu; nhiều em thích lặn nhưng bị đứt hơi giữa chừng, chìm luôn ở dưới; hoặc có những em bị bệnh động kinh, tim mạch, hen suyễn bất ngờ phát cơn... Chính vì vậy, việc thường xuyên để mắt tới các cháu khi ở dưới nước là không thừa.
* Bao giờ “xóa mù bơi” cho học sinh?
Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội, năm 2015 toàn tỉnh có 15 trẻ bị tai nạn đuối nước, riêng trong 6 tháng đầu năm nay có gần chục em đã thiệt mạng do đuối nước. Kế hoạch “phổ cập bơi” mà những ngành có trách nhiệm đưa ra, nhiều năm nay vẫn chưa thực hiện được vì nhiều lý do khách quan, trong đó có nguyên nhân cơ sở vật chất các trường học chưa đáp ứng.
Ông Lưu Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ TDTT (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch), cho biết: “Sở có trách nhiệm quản lý đối với khoảng 13 hồ bơi tận dụng cảnh quan thiên nhiên của các doanh nghiệp du lịch. Còn các hồ bơi nhân tạo của tư nhân thì giao cho phòng văn hóa - thông tin các huyện, TP.Biên Hòa và TX.Long Khánh quản lý. Để ngăn chặn tai nạn có thể xảy ra đối với trẻ học bơi, Sở vẫn thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý ở địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra, cắm bảng cảnh báo, huấn luyện nghiệp vụ cứu hộ cứu nạn và trang bị các thiết bị cần thiết để bảo đảm an toàn cho người đến bơi”. |
Trả lời phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề triển khai chương trình chống đuối nước học đường, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết từ năm 2010 Sở đã có chương trình dạy bơi trong trường học đối với học sinh tiểu học, nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai trên toàn tỉnh. Năm 2013, Sở GD-ĐT có kế hoạch “xóa mù bơi” cho học sinh một số địa phương ở khu vực có nhiều ao hồ, như: Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú… bằng hồ bơi di động. Song, kế hoạch này cũng chưa thực hiện được do hồ bơi làm bằng chất liệu nhựa không bền, dễ thủng, hiệu quả không cao nên không áp dụng. Trong khi đó, tại các trường tiểu học trong toàn tỉnh hầu như chưa nơi nào có hồ bơi.
“Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, chậm nhất đến cuối năm 2016, phải có 12 hồ bơi ở 12 trường tiểu học trong toàn tỉnh bằng nguồn vốn xã hội hóa. Chỉ còn 5 tháng nữa là đến “mốc” phải thực hiện kế hoạch này, nhưng hiện tại vẫn chưa thấy trường nào rục rịch việc đầu tư xây hồ bơi. Chưa kể cùng với việc xây hồ bơi, những trường nằm trong chương trình chống đuối nước học đường còn phải chuẩn bị đội ngũ HLV, nhân viên cứu hộ, nhân viên gác hồ... Thế nhưng đến nay, chưa nơi nào có sự chuẩn bị thực hiện, mà học sinh bị đuối nước thì vẫn xảy ra đến sốt ruột” - ông Võ Ngọc Thạch trăn trở.
Phương Liễu