Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ 1-8-2016: Điều khiển xe ô tô trong tình trạng say xỉn có thể bị phạt 16-18 triệu đồng

11:07, 24/07/2016

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8.

Trung tá, TS. Lê Huy Trí.
Trung tá, TS. Lê Huy Trí.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 46, Trung tá, TS.Lê Huy Trí, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu an toàn giao thông, thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân, cho biết:

Nghị định 46 bổ sung quy định xử phạt để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và đường sắt; điều chỉnh tăng chế tài xử phạt đối với những hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây mất trật tự, an toàn giao thông theo hướng  quy định mức phạt tiền để vừa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm. Cụ thể, điều chỉnh mức xử phạt đối với 115 hành vi và nhóm hành vi trong lĩnh vực đường bộ, gồm các nhóm hành vi: vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ trên đường cao tốc, chở hàng quá trọng tải cho phép, chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường; các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ, quy tắc giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Ngoài ra, nghị định cũng quy định thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động theo khung thời gian, thấp nhất là 1 tháng, cao nhất là 24 tháng.

 Điều khiển xe ô tô trong tình trạng say xỉn là hành vi gây nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông, Nghị định 46 quy định ra sao về hành vi này, thưa trung tá?

- Người điều khiển xe ô tô trong tình trạng có nồng độ cồn trong cơ thể vượt quá quy định cho phép là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mất trật tự an toàn giao thông, đe dọa nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông cũng như cho chính bản thân người điều khiển phương tiện. Do đó, để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, Nghị định 46 đã tăng mức xử phạt tiền và thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe theo hướng tăng so với Nghị định 171.

Nghị định 46 (thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17-11-2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013) có sự điều chỉnh, bổ sung các quy định về mức phạt tiền, chế tài xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; thẩm quyền xử phạt của một số chức danh, đặc biệt là tăng chế tài xử phạt đối với những hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây mất trật tự an toàn giao thông.

Cụ thể, qua kiểm tra người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn dưới 50mg/100ml máu hoặc dưới 0,25mg/1lít khí thở thì bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng hoặc từ 2-4 tháng nếu gây tai nạn (Nghị định 171  quy định: phạt tiền từ 2-3 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng, nếu gây tai nạn giao thông tước 2 tháng). Trường hợp người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn vượt quá 50-80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/1lít khí thở thì bị phạt tiền từ 7-8 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4-6 tháng (Nghị định 171 quy định phạt tiền từ 7-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng); người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1lít khí thở  thị bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4-6 tháng (Nghị định 171 quy định phạt tiền từ 10-15 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng).

Cảnh sát giao thông tỉnh kiểm tra độ cồn trong hơi thở của người tham gia giao thông trên quốc lộ 51 (ảnh minh họa).  ảnh: Thanh Hải
Cảnh sát giao thông tỉnh kiểm tra độ cồn trong hơi thở của người tham gia giao thông trên quốc lộ 51 (ảnh minh họa). ảnh: Thanh Hải

 Một số ý kiến cho rằng Nghị định 46 có một số điểm chưa hợp lý, như: xử phạt đối với hành vi vượt đèn vàng; xe gắn máy 2 bánh quên gạt chân chống. Trung tá có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Về xử phạt đối với hành vi vượt đèn vàng, do việc thông tin chưa thật đầy đủ nên trước đây nhiều người khi tham gia giao thông vẫn cho rằng khi đèn tín hiệu màu vàng thì vẫn được đi. Thật ra, khoản 3, Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định rõ tín hiệu đèn giao thông có 3 màu: tín hiệu xanh được đi; tín hiệu đỏ cấm đi; tín hiệu vàng phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường. Như vậy, khi gặp tín hiệu đèn vàng thì các phương tiện phải dừng xe trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch thì được đi tiếp. Việc người đi đường khi thấy đèn tín hiệu vàng mà vẫn cố tình không dừng xe là vi phạm Luật Giao thông đường bộ và bị xử lý là về hành vi gây mất an toàn giao thông.

Nghị định 46 có nhiều nội dung mới so với Nghị định 171, như:  sửa đổi, mô tả để làm rõ hơn hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó, lĩnh vực giao thông đường bộ có 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm (ô tô: 65; mô tô: 8; xe máy chuyên dùng: 6; tổ chức cá nhân vi phạm quản lý hành lang an toàn đường bộ: 10; kinh doanh vận tải: 10; chủ phương tiện: 23; đào tạo lái xe: 5); lĩnh vực giao thông đường sắt  có 45 hành vi và nhóm hành vi vi phạm.

Đối với quy định tại điểm a, khoản 7, Điều 6 của Nghị định 46 về việc sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy là hành vi ngổ ngáo, cố tình dùng chân chống của xe 2 bánh quệt xuống đường khi xe đang chạy để “đánh lửa”, chứ không hướng đến xử lý những người điều khiển xe máy quên không gạt chân chống. Những trường hợp do quên không gạt chân chống, khi phát hiện cảnh sát giao thông chỉ nhắc nhở người điều khiển phương tiện với mục đích chính là để lái xe được an toàn, tránh trường hợp chân chống va quệt xuống đường và các chướng vật khác trên đường, nhất là khi quẹo rẽ dẫn đến mất thăng bằng và gây tai nạn.

 Xin cảm ơn Trung tá!

Kim Liễu (thực hiện)

 
 

 
 


 

 

Tin xem nhiều