Dù mới du nhập vào Việt Nam vào đầu tháng 8-2016, trò chơi Pokémon Go đã thực sự trở thành một trong những trò chơi thu hút nhiều bạn trẻ nhất từ trước đến nay…
Dù mới du nhập vào Việt Nam vào đầu tháng 8-2016, trò chơi Pokémon Go đã thực sự trở thành một trong những trò chơi thu hút nhiều bạn trẻ nhất từ trước đến nay…
TP.Biên Hòa có những điểm được nhiều người chọn “săn” Pokémon đến độ “phát cuồng” khi lúc nào cũng chú tâm vào chiếc điện thoại di động và đi dò tìm thú ảo.
Háo hức bắt… thú ảo
Những ngày qua, 3 địa điểm ở Biên Hòa có nhiều người tụ tập để săn Pokémon là: Công viên Nguyễn Văn Trị, Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh và Di tích chiến thắng sân bay Biên Hòa. Theo người chơi, nơi đây có nhiều trạm dừng chân của các game thủ để tìm thú ảo. Với thiết bị di động trên tay, người chơi vừa đi vừa dán mắt vào màn hình để lùng bắt Pokémon.
Bà Giang Thị Thu Nga, Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông, khuyến cáo: “Để giảm thiểu những tai nạn, rủi ro, có thể xảy ra với người chơi Pokémon Go, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, người chơi nên tự bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân; không nên lưu trữ thông tin quan trọng trên điện thoại chơi Pokémon Go; kiểm tra cẩn thận trước khi cài đặt Pokémon Go để tránh những ứng dụng giả mạo; không chơi khi đang tham gia giao thông hoặc ở các khu vực nguy hiểm; không chơi gần các khu vực an ninh, quân sự. |
Ông Nguyễn Trọng Nam (45 tuổi, nhân viên văn phòng của một công ty tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2), thợ “săn” Pokémon thuộc hạng “đẳng cấp”, cho biết: “Căn cứ theo bản đồ thì 3 địa điểm trên của TP.Biên Hòa phân bố nhiều Pokémon. Ngoài ra, do một số người chơi đầu tư tiền để thả “thính” (mồi nhử) dẫn dụ thú đến địa điểm này nhiều nên tôi cũng đến…“bắt ké”. Tương tự, anh Nguyễn Văn Tín (29 tuổi, giáo viên của một trường THCS tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) bộc bạch: “Pokémon ở các huyện cũng có nhưng không nhiều bằng ở TP.Biên Hòa và TP.Hồ Chí Minh. Do vậy, tôi và một vài người bạn đã về Biên Hòa để thử sức với những ứng dụng của trò chơi này”.
Không chỉ đầu tư mồi “nhử” để bắt được nhiều Pokémon hòng nhanh lên cấp, nhiều người chơi ở Biên Hòa còn đến Thảo cầm viên Sài Gòn, Dinh Thống Nhất, Công viên Gia Định (TP.Hồ Chí Minh)... để săn những con Pokémon hiếm, lạ. 2 “game thủ” Nguyễn Văn Trung và Phan Thị Huỳnh Như, sinh viên Trường đại học Lạc Hồng, là ví dụ. “Ở TP. Hồ Chí Minh, có nhiều thú hiếm, lạ nên tranh thủ ngày cuối tuần chúng tôi phi xe máy đến Công viên Tao Đàn để lùng bắt Pokémon và nhận vật phẩm” - 2 người thích thú tâm sự.
Giới trẻ hiện đang “phát cuồng” với Pokémon Go cả ngày lẫn đêm. Trong ảnh: Người chơi đang “săn” Pokémon tại Công viên Nguyễn Văn Trị, TP.Biên Hòa. Ảnh: P.Liễu |
Nói về cơn sốt Pokémon Go, anh Nguyễn Tiến Thắng, một game thủ đồng thời là chủ tiệm net ở phường Trung Dũng, nói: “Pokémon Go hút người chơi do sự mới lạ của trò này. Đó là người tham gia luôn vận động bằng cách di chuyển qua những địa điểm khác nhau. Điều này mang đến cảm giác lạ, thích thú nên cuốn hút người chơi ngay khi vừa du nhập vào Việt Nam”.
Lợi bất cập hại…
Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Cộng đồng Pokémon Go Việt Nam đã nhanh chóng được thành lập, ngay sau đó có hơn 200 ngàn lượt người like; hay như trang face “Hội những người yêu thích Pokémon” cũng có gần 22 ngàn thành viên tham gia, thường xuyên đăng tải, chia sẻ thông tin và hình ảnh liên quan đến Pokémon Go.
Tuy nhiên, cái “giá” của trò chơi mới lại này cũng đã xảy ra. Ngày 12-8, trên trang “Hội những người yêu thích Pokémon” một facebooker có nickname là “Hoàng tử Pé” (ngụ phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) than trời vì vừa bị giật mất chiếc iPhone5S lúc đang hào hứng bắt Pokémon khi đi trên đường Vũ Hồng Phô. Hoàng Lê Thủy Ngân (phường Xuân Thanh, TX.Long Khánh) cũng lên facebook chia sẻ: “Nói ra thì xấu hổ, nhưng mình bỏ quên mất túi xách ở công viên tượng đài Chiến thắng Long Khánh khi mải đuổi bắt Pokémon. Trong giỏ tuy chỉ có ít tiền, nhưng tiếc 2 chiếc USB chứa nhiều tư liệu quan trọng liên quan đến công việc đang làm”.
Không chỉ đi bộ, đi xe máy bắt Pokémon, mà giờ đây còn xuất hiện dịch vụ thuê taxi, xe ôm, xe du lịch để bắt Pokémon. Trên trang “Hội những người yêu thích Pokémon”, một thành viên có nick là “Minhminh Thuy Tran” quảng cáo: “Chúng tôi phục vụ khách hàng đi bắt Pokémon bằng xe 4 chỗ máy lạnh; chấp nhận đi vùng xa, sông suối để bắt Pokémon hiếm. Giá 200 ngàn đồng/người/giờ. Nếu đi trọn gói xe 4 người, giá cũng chỉ 200 ngàn đồng/người/5 giờ, có hỗ trợ cục phát wifi, pin sạc dự phòng phục vụ người chơi…”.
Có thể nói, trong thời đại công nghiệp khi mà công việc, học hành thường đem đến những căng thẳng thì vấn đề vui chơi, giải trí, xả stress bằng trò chơi là cần thiết. Thế nhưng, sa đà vào Pokémon Go để phải đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng, tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc, chểnh mảng công việc, học hành… thì người “ghiền” trò chơi này cần cân nhắc trước khi quá muộn.
Theo Bộ Thông tin - truyền thông, Pokémon Go là trò chơi tương tác trên điện thoại được Công ty Niantic Labs đưa ra thị trường đầu tháng 7-2016 ở các nước (chưa có Việt Nam). Ngay sau khi phát hành, Pokémon Go đã nhanh chóng gây cơn sốt trong giới trẻ khiến trò chơi này trở thành hiện tượng giữa thế giới ảo của những con vật tưởng tượng. Trên thế giới, Chính phủ nhiều nước hiện rất lo ngại tình trạng người tham gia săn lùng Pokémon, bởi có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia vì bị kẻ xấu lợi dụng thu thập dữ liệu, hình ảnh ở khắp nơi trong các tòa nhà, địa điểm, vị trí xung quanh người chơi để gửi về máy chủ của nhà phát hành. Đáng lưu ý là game này mới du nhập được vài ngày thì một số người đã chia sẻ với nhau, tìm cách sửa bản đồ Việt Nam thông qua công cụ Map Maker của Google… |
Phương Liễu - Văn Truyên