Những ngày qua, dù đi trên phố hay vào các ngõ hẻm, người đi đường đều bắt gặp những bịch rác chất đống do ngành chức năng chưa chuyển đi.
Những ngày qua, dù đi trên phố hay vào các ngõ hẻm, người đi đường đều bắt gặp những bịch rác chất đống do ngành chức năng chưa chuyển đi. Rác tồn đã phát sinh hôi thối ở khu dân cư, tạo “môi trường” thuận lợi cho chuột phá phách, ruồi phát triển. Những hình ảnh từ các đống rác chưa đem đi xử lý, cho thấy tình trạng thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng. Trong khi đó, hàng tháng người dân đều có nghĩa vụ đóng tiền rác đầy đủ.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Tôi ngụ ở KP.2, phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) nên thường xuyên phải gọi điện thoại đến đơn vị xử lý rác để hỏi vì sao không đem rác đi xử lý. Có hôm họ nói vì thiếu xe, bữa khác lại nói không có người. Nói cách khác, đơn vị xử lý rác của TP.Biên Hòa có nhiều lý do để không đem rác thải của người dân đi đổ. Thực tế cho thấy, Biên Hòa đã là đô thị loại I thì không thể chấp nhận tình trạng rác chất đống bên lề đường, bởi sẽ làm xấu xí thành phố; đồng thời thể hiện nếp sống chưa văn minh, chất lượng cuộc sống của người dân chưa cao.
Tôi đã đến nước Nhật và thấy từ đô thị đến nông thôn, cứ cách 1-2km lại có một dãy thùng rác gồm 6-8 ngăn, trên mỗi ngăn vẽ ký hiệu cho từng loại rác thải: rác hữu cơ, thủy tinh, chai nhựa, giấy, cao su, sắt thép… được phân loại rất chi tiết. Chỉ riêng ngăn đựng vỏ chai nước uống cũng được chia thành 2 ngăn nhỏ, một cho vỏ chai và một cho nắp chai. Người Nhật không có thói quen vứt rác bừa bãi kiểu “tiện đâu vứt đấy” và họ cũng rất kiên nhẫn đứng vặn nắp ra khỏi vỏ chai rồi cho vào ngăn theo quy ước. Sau đó định kỳ, đơn vị chức năng đem rác đi nơi khác xử lý. Với người Nhật, không có thứ gì là bỏ đi. Rác được tái chế đến tận cùng nên họ không phải dành quỹ đất để chôn lấp rác, bởi nước Nhật cũng không có dư đất để chôn rác. Người Nhật làm điều đó vì hầu hết người dân đều ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ sự sống của chính họ.
Trông người lại ngẫm đến ta. Tất nhiên không thể so sánh đất nước mình với Nhật vì mỗi quốc gia có những điều kiện môi trường khác nhau. Song theo tôi, vấn đề ý thức trong gìn giữ môi trường thì mỗi người trong chúng ta nên xem lại hành động đổ rác của mình đã đúng chỗ chưa; đơn vị xử lý rác cũng phải nghiêm túc thực hiện kế hoạch đem rác đến điểm tập trung, đừng “biến” vỉa hè đường phố trở thành điểm nhếch nhác nữa.
Nguyễn Thị Phương (TP.Biên Hòa)