Hơn 1 năm qua, người dân ở tổ 12, ấp 6, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) phải sống trong cảnh ngột ngạt vì thường xuyên chịu đựng mùi khét của khói mù mịt cùng tiếng ồn phát ra từ xưởng nấu nhôm phế liệu…
Hơn 1 năm qua, người dân ở tổ 12, ấp 6, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) phải sống trong cảnh ngột ngạt vì thường xuyên chịu đựng mùi khét của khói mù mịt cùng tiếng ồn phát ra từ xưởng nấu nhôm phế liệu…
Dù bị đình chỉ sản xuất 9 tháng nhưng xưởng nấu nhôm của Công ty TNHH Tiến Thủy Phát vẫn hoạt động cả ngày lẫn đêm. Ảnh: V.Chính |
Xưởng nấu nhôm phế liệu là cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Tiến Thủy Phát. Điều đáng nói, cơ sở này đã bị UBND huyện Trảng Bom đình chỉ sản xuất, song thời gian vừa qua vẫn ngang nhiên hoạt động gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
* Khói “vây” tứ phía
Nhà nằm sát vách với xưởng nấu nhôm nêu trên, nên gia đình ông Phạm Thanh Hải phải hứng chịu mùi khói khét lẹt và tiếng ồn liên tục phát ra từ cơ sở này. Theo ông Hải, từ khi xưởng nấu nhôm hoạt động thì cuộc sống gia đình ông dường như bị đảo lộn. Hàng ngày khói bụi, mùi khét từ xưởng nấu nhôm cứ theo gió đưa thẳng vào nhà nên lúc nào gia đình ông Hải cũng phải đóng cửa. Không chỉ ban ngày bị “tra tấn” bởi khói bụi, ban đêm gia đình ông Hải còn thường xuyên mất ngủ vì tiếng máy nổ gầm rú cũng từ cơ sở nấu nhôm. “Có lẽ do thường xuyên hít phải khói bụi từ xưởng nhôm nên 3 con trai của tôi liên tục bị bệnh hô hấp. Từ đầu năm đến nay tôi phải đưa con đi bệnh viên khám và chữa bệnh viêm xoang cấp. Không biết người dân chúng tôi phải chịu đựng tình trạng nhiễm khói và tiếng ồn kéo dài đến bao giờ?” - bà Lê Thị Chính (vợ ông Hải) bức xúc.
Lò nấu nhôm đặt trong xưởng sản xuất của Công ty TNHH Tiến Thủy Phát. Ảnh: V.Chính |
Cùng cảnh ngộ, ông Cao Ru Y (tổ 12, ấp 6, xã Sông Trầu) cho hay khi xưởng nấu nhôm mới xây dựng chỉ có 1 lò nấu nên khói cũng không quá nhiều. Sau đó, cơ sở này tăng lên 4 lò nấu suốt ngày đêm nên khói lúc nào cũng mù mịt khắp xóm. “Lúc trời mưa, khói không bay lên cao được, cứ là đà “xuyên” vào nhà; còn lúc nắng thì vừa nóng, vừa khói. Đã nhiều lần chúng tôi qua bên xưởng đề nghị khắc phục ô nhiễm, nhưng người chủ tìm cách tránh mặt nên chẳng giải quyết được gì” - ông Y than.
* Quyết định của huyện
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về tình trạng ô nhiễm môi trường do xưởng nấu nhôm ở tổ 12, ấp 6, xã Sông Trầu gây ra làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, Phó chủ tịch UBND xã Sông Trầu Vương Đăng Giáp thừa nhận phản ảnh của người dân là đúng. Theo ông Giáp, thời gian qua chính quyền địa phương thường xuyên cử lực lượng chuyên trách xuống giám sát và phát hiện cơ sở này vẫn lén lút hoạt động. Trước đây vào ngày 21-6-2016, chính quyền địa phương đã lập đoàn đến kiểm tra cơ sở này và chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép nấu nhôm phế liệu. Trước vi phạm trên, UBND xã đã có văn bản báo cáo UBND huyện Trảng Bom để xin ý kiến xử lý.
Đầu tháng 7 vừa qua, UBND huyện Trảng Bom đã lập đoàn xuống kiểm tra hoạt động tại xưởng nấu nhôm của Công ty TNHH Tiến Thủy Phát. Sau đó ngày 11-7-2016, UBND huyện ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty vì có những sai phạm về xây dựng trái phép, sử dụng đất sai mục đích và hoạt động kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, đồng thời ra quyết định đình chỉ sản xuất 9 tháng đối với Công ty TNHH Tiến Thủy Phát.
Thế nhưng, chỉ ít ngày sau khi bị xử phạt, Công ty TNHH Tiến Thủy Phát tiếp tục cho ra lò những mẻ nhôm tái chế gây bất bình trong nhân dân địa phương. Nhiều người cho rằng, biện pháp chế tài của UBND huyện Trảng Bom đối với doanh nghiệp này không đủ mạnh nên vi phạm lại tiếp tục tái diễn, chẳng khác gì thách thức dư luận xã hội.
Công ty TNHH Tiến Thủy Phát sản xuất nhôm tái chế do ông Nguyễn Hữu Tiến làm giám đốc. Khu vực sản xuất của công ty rộng trên 1 ngàn m2, bao gồm: khu chứa nhôm phế liệu và khu nhà xưởng lắp đặt các lò nấu. Hàng ngày, khu vực này thường xuyên có xe container chở phế liệu đến và chở hàng thành phẩm đi nơi khác. Điều đáng nói là xưởng nấu nhôm không hề có bảng hiệu hay địa chỉ cụ thể, xung quanh chỉ được quây tạm bợ bằng tôn. |
Văn Chính - Đăng Tùng