Dù cầu treo Thanh Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) đã thông xe được hơn 2 tháng, nhưng nông sản và các mặt hàng vật liệu xây dựng vẫn phải "lụy" phà…
Dù cầu treo Thanh Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) đã thông xe được hơn 2 tháng, nhưng nông sản và các mặt hàng vật liệu xây dựng vẫn phải “lụy” phà…
Xe ô tô vận chuyển hàng hóa vẫn phải qua phà với giá từ 100-300 ngàn đồng/xe tùy theo từng loại xe khác nhau cho cả lượt đi và về. Ảnh: N.Liên |
Theo người dân trong xã, các mặt hàng trọng lượng lớn, hàng hóa cồng kềnh... muốn qua sông để vào xã Thanh Sơn đều phải vận chuyển bằng phà nên giá thành nông sản hoặc chi phí hàng hóa cao hơn các nơi khác.
Có cầu, hàng hóa vẫn chưa thông
Từ khi cầu treo Thanh Sơn khánh thành tuy đã đáp ứng được nhu cầu đi lại cho bà con, nhưng vấn đề vận chuyển các hàng hóa lớn vẫn chưa được thông thoáng, bởi tất cả phải vận chuyển bằng phà để qua sông.
Theo các tiểu thương, mỗi chuyến xe chở hàng qua phà Thanh Sơn chỉ vận chuyển được từ 15-20 tấn hàng. Chi phí vận chuyển đội cao dẫn đến giá nông sản bán ra khá thấp, lợi nhuận từ sản xuất không cao nên đời sống kinh tế của người dân chưa có cơ hội phát triển. |
Bà Nguyễn Thị Th., chủ cửa hàng buôn bán phân bón và thu mua nông sản tại ấp 3 (xã Thanh Sơn), cho biết việc vận chuyển các mặt hàng, như: phân bón, nông sản đều phải vận chuyển bằng phà nên giá bán cho người dân đều cao vì phí vận chuyển không thấp. Theo bà Th., ngán ngại nhất là thời gian chờ đợi phà khá lâu. Có những mặt hàng muốn qua sông phải thuê nhân công bốc hàng trên xe xuống phà, sau khi qua sông lại xếp hàng trở lại xe khiến công đoạn này tốn nhiều giờ đồng hồ. Trái cây là một trong những mặt hàng phải “lụy” phà vất vả nhất. Nguyên nhân là do thời gian bảo quản có hạn, nên sau khi thu hoạch thương lái phải vận chuyển đi ngay bất kể ngày hay đêm rất nguy hiểm. Việc vận chuyển hàng có trọng lượng lớn vào ban đêm dễ xảy ra những rủi ro, vì nơi đây đã từng xảy ra trường hợp qua phà vào đêm khuya bị lật cả phà và xe xuống sông khiến toàn bộ tài sản trôi theo dòng nước.
Nói về những bất tiện khi phải chở hàng hóa bằng phà, ông Trần Văn H., ngụ ấp 7, cho rằng do phải chi phí thêm cho việc vận chuyển nên nhiều mặt hàng khi đến tay người dân đều có giá cao hơn những nơi khác. Chính vì vậy, lợi nhuận từ sản xuất nông sản của người dân không cao. Chẳng hạn, thuốc bảo vệ thực vật nông dân đều phải mua giá cao hơn so với việc đi mua ở những cửa hàng bên ngoài xã từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng/đợt phun thuốc. “Đây mới chỉ là thuốc bảo vệ thực vật với số lượng không lớn, còn những mặt hàng khác, như: phân bón, vật liệu xây dựng… chắc chắn người dân sẽ phải trả giá cao hơn do phải đội thêm chi phí vận chuyển. Chúng tôi tiếc là cây cầu treo Thanh Sơn đã đáp ứng mong mỏi bao nhiêu năm của người dân, song hiện tại chưa góp phần giải quyết về bài toán kinh tế cho người dân trong cuộc sống” - ông H. bộc bạch.
Mơ ước một chiếc cầu vĩnh cửu
Đối với người dân xã Thanh Sơn, chiếc cầu treo hình thành đã rút ngắn thời gian đi lại của người dân đến các địa phương khác. Nhưng đến nay, vì những bất tiện khi hàng hóa có trọng lượng lớn đều phải “lụy” phà khiến bà con trong xã lại ước mơ có được một chiếc cầu vĩnh cửu để việc vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn. Xã Thanh Sơn hiện có hơn 6 ngàn hécta đất nông nghiệp, trong đó có 5 ngàn hécta diện tích cây lâu năm và hơn 1 ngàn hécta cây ngắn ngày. Trung bình mỗi năm nông dân phải vận chuyển trên dưới 100 ngàn tấn nông sản đưa ra bên ngoài tiêu thụ. Đây chính là những trở ngại lớn khiến thời gian qua người dân xã Thanh Sơn vẫn chưa thể bứt phá làm giàu bằng chính sức lực của mình.
Cầu treo Thanh Sơn hiện tại chỉ đáp ứng được nhu cầu dân sinh thông thường. Ảnh: N.Liên |
Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Ngô Văn Sơn cho biết Thanh Sơn là địa bàn còn nhiều khó khăn do vấn đề “ngăn sông cách chợ” từ bao năm nay. Vừa qua, tỉnh đầu tư chiếc cầu treo cho Thanh Sơn phần nào giải quyết những nhu cầu dân sinh cho bà con, như: đi lại, giao thương những mặt hàng tiêu dùng nhỏ, còn hàng hóa có trọng lượng lớn vẫn phải vận chuyển bằng phà, không chỉ gây nhiều trắc trở về thời gian mà còn làm tăng giá thành sản xuất. “Xã Thanh Sơn hiện có hơn 7 ngàn hộ dân với khoảng trên 30 ngàn nhân khẩu. Người dân Thanh Sơn vốn chăm chỉ làm ăn, sẵn sàng chịu cơ cực để làm ra sản phẩm phục vụ đời sống xã hội. Nhưng nếu kéo dài mãi tình trạng phải “lụy” phà thì chưa biết đến bao giờ đời sống người dân trong xã mới được nâng lên như những địa phương khác. Giá như có được chiếc cầu vĩnh cửu để các phương tiện qua lại dễ dàng, chắc chắn sẽ giúp cho Thanh Sơn giao thương thuận lợi, kinh tế phát triển nhanh hơn” - ông Sơn nói.
Mộc Điền