Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn thận khi đi tàu trong dịp tết

10:01, 06/01/2017

Hành khách không nên mua vé ở các website, đại lý ngoài ngành đường sắt để tránh tình trạng vé giả; muốn đổi trả vé phải thực hiện đúng giờ quy định; sau khi mua vé cần đối chiếu những thông tin cá nhân trên vé với giấy tờ tùy thân, nếu phát hiện sai sót báo ngay cho nhân viên của ngành để kịp thời điều chỉnh...

Hành khách không nên mua vé ở các website, đại lý ngoài ngành đường sắt để tránh tình trạng vé giả; muốn đổi trả vé phải thực hiện đúng giờ quy định; sau khi mua vé cần đối chiếu những thông tin cá nhân trên vé với giấy tờ tùy thân, nếu phát hiện sai sót báo ngay cho nhân viên của ngành để kịp thời điều chỉnh...

Hành khách lên tàu tại Ga Biên Hòa để về quê sum họp gia đình, đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Hành khách lên tàu tại Ga Biên Hòa để về quê sum họp gia đình, đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Đây là những thông tin mà ngành đường sắt lưu ý hành khách thực hiện để chuyến đi được suôn sẻ, tránh những trục trặc đáng tiếc có thể xảy ra, nhất là trong dịp tết sắp tới.

Tăng phí đổi, trả vé

Tính đến thời điểm này, Ga Biên Hòa đã bán được hơn 19  ngàn vé tàu  trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, giảm hơn 4 ngàn vé so với cùng thời điểm năm trước. Theo kế hoạch phục vụ hành khách dịp tết sắp tới, ngành đường sắt sẽ bố trí tăng thêm nhiều chuyến tàu từ ngày 13-1 đến những ngày tết. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 17- 20 chuyến tàu đưa khách về các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

Theo ngành đường sắt, ngoài các dịch vụ chăm sóc khách hàng, như: cải tiến trong lĩnh vực bán vé điện tử, hỗ trợ hành khách lên tàu… thì điểm khác biệt tại Ga Biên Hòa năm nay là tình trạng “cò” vé, hoặc vé giả không thấy xuất hiện.

Bà Phạm Thị Thanh Hòa, Giám đốc Trung tâm kinh doanh vận tải đường sắt và dịch vụ tổng hợp Biên Hòa, cho biết nhằm hạn chế tình trạng “cò” vé đầu cơ để bán cho hành khách, năm nay ngành đường sắt đã tăng mức phí đổi trả vé. Cụ thể, vé mua trong thời gian cao điểm tết, hành khách khi đổi hay trả vé sẽ mất phí 30% giá vé. Việc đổi, trả vé phải thực hiện trước khi tàu chạy 10 giờ đối với vé cá nhân và trước 24 giờ đối với vé tập thể.

Để tạo thuận lợi cho người đi tàu, Ga Biên Hòa còn trang bị hệ thống thông tin và bố trí nhân viên hướng dẫn hành khách in vé điện tử ngay tại ga trước khi lên tàu. Đồng thời, nhà ga còn phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh trật tự tại địa phương; sắp xếp nhân viên và đoàn viên thanh niên tình nguyện trực để hỗ trợ miễn phí cho khách đi tàu những chuyện cần thiết, nhất là đối với người già, trẻ em...

Kiểm tra thông tin trên vé

Để chuyến tàu về quê đón tết của hành khách được thuận lợi hơn, bà Vương Thị Hằng, Tổ phó Tổ khách vận Ga Biên Hòa, lưu ý hành khách cần đến ga trước giờ tàu chạy từ 30 phút đến 1 giờ và nhớ mang theo giấy tờ tùy thân khi lên tàu. Theo bà Hằng, những trục trặc thường gặp gây cản trở chuyến đi là tình trạng người đi tàu không mang theo giấy chứng minh nhân dân; hoặc trường hợp thông tin cá nhân của khách không trùng khớp với thông tin in trên vé. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến những chuyện này là do khách mua vé qua “cò” và không kiểm tra lại thông tin trên vé.

Theo quy định của ngành đường sắt, những trường hợp trên sẽ không được lên tàu. Mặt khác, ngày giờ tàu khởi hành đều ghi rõ trên vé theo ngày, tháng dương lịch nhưng do thời điểm cận tết nên nhiều hành khách bị nhầm lẫn khi tính theo ngày âm lịch, dẫn đến bị trễ chuyến tàu. Ngoài ra, có trường hợp khách mua vé giá cao gấp 4-5 lần so với giá của ngành đường sắt. Thực tế, khi đặt mua vé tại các website hành khách không kiểm chứng thực hư nên bị một số địa chỉ mạo danh ngành đường sắt để tăng giá vé. Các website này sử dụng tên miền gần giống với website của ngành đường sắt khiến người mua hiểu lầm, đặc biệt là khách nước ngoài. Sự việc này đã gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành đường sắt, làm thiệt hại không nhỏ về tài chính cho hành khách. “Để đặt mua vé tàu, hành khách phải tìm hiểu kỹ thông tin về giờ tàu, giá vé và các quy định khác. Muốn biết thêm chi tiết về những chuyến tàu đường sắt Bắc - Nam và ngược lại, hành khách nên truy cập vào trang web chính thức của Tổng công ty đường sắt Việt Nam: http//dsvn.vn” - bà Hằng lưu ý.

Kim Liễu

Tin xem nhiều