Là tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, có những tuyến giao thông huyết mạch đi qua, thị trường Đồng Nai từ lâu đã trở thành nơi tập kết, trung chuyển và kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng rồi chuyển đi các tỉnh lân cận…
Ông Huỳnh Kim Hóa. |
Là tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, có những tuyến giao thông huyết mạch đi qua, thị trường Đồng Nai từ lâu đã trở thành nơi tập kết, trung chuyển và kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng rồi chuyển đi các tỉnh lân cận…
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu sắp tới, ông Huỳnh Kim Hóa, Trưởng phòng Nghiệp vụ - tổng hợp (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh), cho biết:
- Người dân cần cẩn trọng hơn trong việc chọn lựa, mua sắm vào dịp cuối năm - thời điểm kẻ xấu tung hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá đát ra thị trường.
Thưa ông, những mặt hàng nào thường bị làm giả nhiều trên thị trường hiện nay?
- Thời gian gần đây, với công nghệ hiện đại và kỹ thuật khá điêu luyện, kẻ xấu có thể làm giả tất cả các mặt hàng thuộc mọi lĩnh vực, kể cả thiết bị điện máy, điện tử. Qua công tác kiểm tra thị trường lâu nay, cho thấy vấn đề làm hàng giả thường tập trung vào ngành hàng may mặc, giày da; các loại gia vị, như: nước mắm, bột ngọt và thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát... Dịp tết do nhu cầu mua sắm tăng cao chính là cơ hội cho hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào thị trường.
Điều khó khăn cho người tiêu dùng là các loại hàng hóa được làm giả khá tinh vi, nhìn vào không có điểm gì khác biệt lắm so với hàng có nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm chắc chắn gây ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sức khỏe của người tiêu dùng. Nguy hiểm nhất là những loại thực phẩm không bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm được sản xuất và bày bán trên thị trường, như: giò chả có sử dụng hàn the, thịt gà, heo, bò đã bốc mùi hôi thối, nước mắm, nước chấm… là những loại thực phẩm thường được sử dụng nhiều trong dịp tết nên có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm đối với người sử dụng.
Thị trường tết chộn rộn là dịp để kẻ xấu tung hàng giả, hàng kém chất lượng để lừa người tiêu dùng. Trong ảnh: Mũ bảo hiểm giả được phát hiện và thu giữ tại Chi cục Quản lý thị trường. Ảnh: M.Điền |
Làm sao người tiêu dùng có thể nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng?
- Vấn đề phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng rất quan trọng, vì qua đó sẽ bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ doanh nghiệp sản xuất cũng như bình ổn thị trường. Do đó, người dân khi mua các sản phẩm nên chọn những mặt hàng có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, các thành phần của sản phẩm và hạn sử dụng; nếu là hàng nhập khẩu thì phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Để chọn mua hàng đúng nhãn mác, an toàn thì tốt nhất người tiêu dùng nên đến các cửa hàng có thương hiệu hoặc đại lý ký gửi của các công ty, siêu thị…, tránh mua ở các điểm bán hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai nhiều chuyến hàng lưu động, bình ổn giá, hàng Việt về nông thôn trong dịp tết nhằm giúp người dân mua được những món hàng vừa đúng giá vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Công tác kiểm tra thị trường thời gian qua của ngành chức năng có phát hiện, ngăn chặn tình trạng làm hàng giả, hàng kém chất lượng trôi nổi không, thưa ông?
- Việc kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời hàng giả, kém chất lương trôi nổi trên thị trường là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của lực lượng quản lý thị trường, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết. Thời điểm Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, từ tháng 12-2016 đến tháng 3-2017 sẽ là cao điểm tập trung kiểm tra thị trường nhằm hạn chế tình trạng trà trộn, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Qua kiểm tra gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm, như: hàng may mặc nhái các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng; một số loại thực phẩm, gia vị… Ngoài ra, đơn vị quản lý thị trường các địa phương còn phát hiện nhiều mặt hàng kém chất lượng, thực phẩm không an toàn.
Để góp phần ngăn chặn hàng kém chất lượng trà trộn trên thị trường, ngoài đường dây nóng của tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường đã dán thông báo tại ban quản lý các chợ, các điểm kinh doanh buôn bán các số điện thoại của đội trưởng, lãnh đạo chi cục để người dân kịp thời thông tin cho đơn vị chuyên trách khi nghi ngờ có hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải tổ chức khảo sát thị trường xem sản phẩm của mình bán ra có đúng hay không, nếu phát hiện hàng nhái phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng. Cách làm này cũng góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ thương hiệu cho nhà sản xuất cũng như đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Xin cảm ơn ông!
Mộc Điền (thực hiện)