Đau đớn bởi bệnh tật, kinh tế gia đình khó khăn không còn khả năng chữa trị, cảm thấy mình là gánh nợ của gia đình, tâm lý buồn chán vì bị bỏ rơi… nên một số bệnh nhân đã nhảy từ tầng cao của bệnh viện để tự kết liễu cuộc đời.
Đau đớn bởi bệnh tật, kinh tế gia đình khó khăn không còn khả năng chữa trị, cảm thấy mình là gánh nợ của gia đình, tâm lý buồn chán vì bị bỏ rơi… nên một số bệnh nhân đã nhảy từ tầng cao của bệnh viện để tự kết liễu cuộc đời.
Bảo vệ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đưa thi thể ông L.H.L. từ hiện trường vào nhà xác. Ảnh: Danh Trường |
Nhảy lầu bệnh viện tự tử không chỉ để lại tiếc thương cho người thân, mà còn gây hoang mang cho những bệnh nhân khác.
Chán sống vì bệnh tật
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2016 cả nước đã có 26 vụ bệnh nhân nhảy lầu bệnh viện tự tử. Trong đó, phần lớn là người bệnh nặng không còn khả năng chữa khỏi, hoặc người bệnh bị bỏ rơi, cô độc. Đáng kể là vụ người cha ôm con nhỏ 2 tuổi nhảy từ tầng 6 của Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi ngày 23-6 làm cháu bé tử vong tại chỗ, còn người cha rơi vào hôn mê sâu với nhiều chấn thương nặng đã gây xôn xao dư luận. Riêng tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, thời gian qua đã xảy ra 3 vụ nhảy lầu tự tử. |
Khoảng 7 giờ ngày 22-12-2016, bảo vệ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai phát hiện tại sảnh tầng 3, bệnh nhân L.H.L. (74 tuổi, ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) đã tử vong với nhiều thương tích trên người. Kết luận ban đầu cho thấy bệnh nhân L. nhảy từ tầng 10 xuống. Được biết, bệnh nhân này từng dùng dao tự đâm vào bụng mình để tự tử nhưng được gia đình phát hiện đưa đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp cứu. Trước đó, cũng tại bệnh viện này, ngày 31-5-2016 ông N.N.T. (31 tuổi, ngụ phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) đã cầm dao tự đâm vào cổ mình tại khoa sản bệnh viện, rồi bất ngờ lao từ cửa sổ tầng 3 xuống đất chết tại chỗ. Hay vào ngày 18-9-2015, ông H.V.H. (70 tuổi, ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) khi đang điều trị bệnh dạ dày và tim mạch ở đây đã leo lên lan can tầng 9 của bệnh viện nhảy xuống đất tử vong.
Tình trạng bệnh nhân nhảy lầu tự tử đã gây ra tâm trạng hoang mang cho nhiều người đang làm việc, bệnh nhân điều trị và gia đình chăm sóc người bệnh tại bệnh viện. Chị Nguyễn Tường Vân (ở xã Phú Túc, huyện Định Quán) đang chăm sóc mẹ tại Khoa Tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, thổ lộ: “Buổi tối, tôi thường lên sân sảnh của tầng 3, thấy rất đông người lên hóng gió, ăn uống. Từ hôm có người nhảy lầu tự tử chết, chẳng ai dám lên đó nữa. Buổi tối, tôi cũng không ra khỏi phòng vì nhớ lại hình ảnh người nhảy lầu nằm chết nên rất ớn”.
Tại một số bệnh viện, sau khi có người bệnh nhảy lầu tự tử đã phải làm lưới hành lang an toàn, bít cầu thang và không cho người không có phận sự lên sân thượng; đồng thời tăng cường công tác bảo vệ, cũng như lưu ý các khoa phòng nhắc nhở người nhà bệnh nhân khi phát hiện tâm lý bất thường của người bệnh phải báo ngay cho y, bác sĩ biết để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.
Cần “liều thuốc” tâm lý
Theo một bác sĩ làm việc ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, thời gian qua số bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú rất đông, trong khi nhân viên y tế cũng như bác sĩ đều tất bật với công việc của mình nên không thể lúc nào cũng theo dõi hết tâm trạng người bệnh. Nếu gia đình đi nuôi người bệnh, cần quan tâm, chú ý những lời nói, cử chỉ, hành động khác thường của bệnh nhân để báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế biết. Chẳng hạn, trường hợp bệnh nhân thanh niên nhảy lầu đã từng tự đâm vào bụng để kết liễu cuộc đời. Ngay cả khi được cứu và đang điều trị vết thương, người này vẫn có biểu hiện chán nản, hay lên sân thượng bệnh viện một mình… nhưng người nhà đã không theo sát nên để xảy ra sự việc đáng tiếc.
Trao đổi về tình hình bệnh nhân nhảy lầu tự tử, bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho rằng để có thể ngăn ngừa bệnh nhân nhảy lầu tự tử, bệnh viện đang triển khai một số giải pháp, như: yêu cầu nhân viên y tế các khoa, phòng phải thường xuyên kiểm tra số lượng bệnh nhân; lực lượng bảo vệ tăng cường tuần tra liên tục trong bệnh viện; chốt một phần cửa sổ để không ai chui ra ngoài… Theo bác sĩ Tuấn, tâm lý người bình thường nếu có ý định tự tử thường rất căng thẳng, đối với người bệnh lại càng phức tạp hơn vì họ hay bi quan, chán nản, nhất là những trường hợp không được gia đình chăm sóc.
Ngoài ra, điều quan trọng hơn là “liều thuốc” tâm lý. Hiện nay, nhiều bệnh viện đã thành lập phòng, đội, tổ công tác xã hội theo quy định của Bộ Y tế với 3 nhiệm vụ: tư vấn tâm lý bệnh nhân; hòa giải và làm công tác từ thiện xã hội. Song, thực tế nhiều nơi mới chỉ hoạt động công tác từ thiện xã hội, còn bỏ ngỏ công tác tư vấn tâm lý bệnh nhân. “Về lâu dài, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đang hướng đến công tác tư vấn tâm lý bệnh nhân, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được người phụ trách có chuyên môn” - bác sĩ Tuấn cho biết.
Phương Liễu