Buôn bán lộn xộn, ăn xin rải khắp, tổ chức đánh bạc... là những hình ảnh không đẹp trải dài trên đường bộ dẫn lên núi Chứa Chan (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) trong thời gian gần đây...
Buôn bán lộn xộn, ăn xin rải khắp, tổ chức đánh bạc... là những hình ảnh không đẹp trải dài trên đường bộ dẫn lên núi Chứa Chan (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) trong thời gian gần đây...
Đường lên núi Chứa Chan bị hàng quán chiếm dụng để buôn bán. Ảnh: Minh Quân |
Dù đã tăng cường công tác quản lý, nhưng những hình ảnh trên vẫn còn nhan nhản trên núi.
* Hàng quán “chen” chân du khách
Ông Hồ Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, cho biết chủ trương của huyện là xây dựng Khu du lịch di tích núi Chứa Chan thành một khu du lịch sạch sẽ, bảo đảm an ninh trật tự. Tuy nhiên, hiện nay công tác di dời những hộ dân ra khỏi khu di tích vẫn còn nhiều khó khăn, lực lượng quản lý khu di tích chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến tình trạng các hộ dân lợi dụng lấn chiếm buôn bán, tình trạng ăn xin, đánh bạc vẫn tái diễn sau mỗi đợt lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý, nhất là tình trạng xả rác của các hàng quán 2 bên đường. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường các giải pháp an ninh trật tự, nhất là tình trạng lấn chiếm buôn bán cần xử lý mạnh hơn; đồng thời tạo điều kiện để người dân đến tham quan khu du lịch theo đường cáp treo tăng lên, vừa bảo đảm an toàn cho du khách, vừa giúp ban quản lý có thể kiểm soát tốt tình hình hoạt động tại khu du lịch” - ông Hà cho biết thêm. |
Vừa chạm chân đến khu vực núi Chứa Chan, điều đầu tiên ập vào mắt du khách chính là những hàng quán 2 bên đường cùng những cánh tay vẫy gọi mời gửi xe, mua bánh kẹo, gạo, muối để mang lên cúng chùa Gia Lào trên đỉnh núi.
Không chỉ buôn bán, chèo kéo mà tình trạng ăn xin còn khá nhiều. Bà Trần Thị Thơm (ngụ quận 12, TP.Hồ Chí Minh) cho biết năm nào gia đình bà cũng tham quan núi Chứa Chan cùng nhiều nơi khác, như: núi Bà Đen, núi Châu Thới, Châu Đốc… nhưng không nơi nào có tình trạng mua bán, ăn xin bát nháo như núi Chứa Chan. “Núi Bà Đen cao, nhiều người đến đông hơn núi Chứa Chan, nhưng không có tình trạng hàng quán lấn chiếm 2 bên đường; không thấy cảnh ăn xin nằm vật vạ, cũng chẳng có cảnh chèo kéo du khách mua lễ vật. Tôi được biết núi Chứa Chan được công nhận là khu di tích quốc gia, có cơ quan quản lý, nhưng không hiểu sao tình trạng bát nháo này đã nhiều năm nay vẫn chưa được xử lý” - bà Thơm than phiền.
Hình ảnh những người khuyết tật nằm dài bên đường hay cách một đoạn lại có người cầm chổi quét đường nhưng đứng hoài một chỗ, khi có người đi qua thì xin tiền, xen lẫn là những người bán đồ cúng chèo kéo du khách được nối dài từ dưới lên đỉnh núi, thậm chí vào tận chính điện của chùa Gia Lào để buôn bán đã tạo cảnh nhếch nhác, mất vẻ trang nghiêm nơi cửa chùa. Điều đáng nói, tình trạng xả rác không phải từ những du khách mà hầu hết những bãi rác chứa vỏ chuối, rác thải từ chế biến đồ ăn cho các quán ăn... đều do những điểm buôn bán 2 bên đường gây ra, tạo nên cảnh không đẹp cho khu du lịch.
* Bao giờ hết cảnh bát nháo?
Theo nhiều du khách, việc xây dựng khu du lịch văn minh, sạch đẹp cho núi Chứa Chan đã đến lúc cần phải được chú trọng. Từ tháng 1-2016, hệ thống cáp treo phục vụ du khách đã đi vào hoạt động với những công trình khang trang. Tuy nhiên, vẫn không ít người chọn đường bộ lên núi để thưởng ngoạn không khí và cảnh đẹp thiên nhiên. Do đó, người tham quan luôn kỳ vọng núi Chứa Chan sẽ đổi khác, đường lên núi sẽ đẹp hơn, an toàn hơn. Ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đề xuất: “Ban quản lý khu di tích núi Chứa Chan cần có phương án xử lý sớm, chấm dứt tình trạng buôn bán chèo kéo, ăn xin, đánh bạc lấn chiếm đường đi của du khách. Năm nào gia đình tôi cũng lên núi lễ Phật. Tuy gần đây tình trạng này có giảm nhưng so với nơi khác vẫn còn lộn xộn đến tận cửa chùa”.
Nói về tình trạng bát nháo lâu nay tại khu du lịch, ông Bùi Tấn Trước, Giám đốc Ban quản lý và bảo vệ rừng di tích quốc gia núi Chứa Chan, thừa nhận tình trạng buôn bán lấn chiếm, ăn xin, đánh bạc vẫn còn diễn ra, gây mất an ninh trật tự cho khu du lịch. Để chấm dứt tình trạng trên, huyện đang có kế hoạch chỉ đạo các ngành phối hợp lập phương án cụ thể để xử lý những trường hợp vi phạm các quy định ở khu di tích. “Chủ trương của huyện là cần phải kiên quyết xử lý những trường hợp buôn bán lấn chiếm đường lên núi nhằm sớm tách các hộ này ra khỏi khu vực sân chùa cũng bị chiếm dụng hiện nay. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có kế hoạch thực hiện tổng lực một lần. Chúng tôi hy vọng kế hoạch được thực hiện sớm để khu di tích ngày càng thu hút nhiều du khách hơn, nhất là vào mỗi dịp đầu năm mới.” - ông Trước nói.
Minh Quân