Dù đã giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án khu dân cư cách đây nhiều năm, nhưng đến nay hàng chục hộ dân ở KP.7, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) vẫn chưa nhận đủ tiền bồi thường...
Dù đã giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án khu dân cư cách đây nhiều năm, nhưng đến nay hàng chục hộ dân ở KP.7, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) vẫn chưa nhận đủ tiền bồi thường...
Các hộ dân chỉ phần đất trước đây là kênh mương nội đồng và đường đi thuộc Hợp tác xã Gò Me nay đã hình thành khu dân cư. Ảnh: G.An |
Đại diện các hộ dân, ông Trần Thanh Thiện cho biết, năm 2008, người dân bàn giao đất cho Công ty cổ phần phát triển đô thị công nghiệp số 2 (Công ty D2D) để thực hiện dự án khu dân cư theo quy hoạch tại phường Thống Nhất.
Trên phần diện tích đất giải tỏa có hệ thống kênh mương và đường nội đồng được hơn 40 hộ dân sử dụng. Thế nhưng khi thực hiện bồi thường, chủ đầu tư đã không tính toán phần diện tích này.
* Chờ được bồi thường
Đại diện Công ty D2D cho biết đã liên hệ với Trung tâm kỹ thuật địa chính nhà đất tỉnh đề nghị xuất hồ sơ kỹ thuật và hiện đang chờ kết quả. Trong khi đó, đại diện Trung tâm kỹ thuật địa chính nhà đất Đồng Nai lại cho biết đang chờ Công ty D2D ký hợp đồng đo đạc, sau khi ký xong phía trung tâm sẽ triển khai đo vẽ, xuất hồ sơ kỹ thuật các thửa đất. Ngày 3-3 vừa qua, trung tâm đã tiến hành khảo sát thực tế khu vực đất kênh mương nội đồng tại phường Thống Nhất. Sau khi ký hợp đồng xong, việc đo vẽ dự kiến triển khai hoàn tất trong thời gian khoảng 10 ngày làm việc. |
Theo ông Thiện, thời điểm giao đất làm dự án, người dân phát hiện việc bồi thường thiếu phần diện tích kênh mương thủy lợi và đường đi nội đồng nên các hộ dân phản ảnh với chủ đầu tư và cơ quan chức năng.
Tại cuộc họp ngày 28-5-2008, lãnh đạo Công ty D2D thừa nhận việc này nên đồng ý sẽ tính toán bồi thường đủ cho dân khi có xác nhận của UBND phường về phần diện tích đất kênh mương thủy lợi và đường nội đồng đối với từng hộ.
Thế nhưng, đã gần 9 năm trôi qua, đến nay vẫn chưa có hộ nào được nhận đủ tiền bồi thường phần diện tích đất đó.
Ông Huỳnh Văn Lành, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Gò Me trước đây (nay là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Gò Me), cho hay hầu hết các hộ dân có đất làm kênh mương thủy lợi đều là xã viên hợp tác xã. Khi có thông báo giải tỏa, ông cùng Ban chủ nhiệm hợp tác xã đi đến từng nhà dân vận động, thuyết phục họ chấp hành di dời để giao đất cho chủ đầu tư. Mặc dù chưa nhận đủ tiền đền bù nhưng người dân vẫn đồng ý giao đất để dự án được triển khai đúng tiến độ.
“Không hiểu vì sao đến giờ người dân vẫn chưa được giải quyết bồi thường theo quy định. Lãnh đạo hợp tác xã và các hộ dân đã nhiều lần gửi đơn phản ảnh vấn đề này đến cơ quan chức năng, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm” - ông Lành bức xúc nói.
* Đợi đến khi nào?
Liên quan đến việc bồi thường đất thu hồi để thực hiện dự án khu dân cư, trong văn bản gửi Báo Đồng Nai trả lời kiến nghị của các hộ dân, Chủ tịch HĐQT Công ty D2D Hồ Đức Thành cho biết, đối với phần diện tích kênh mương nội đồng, trên bản đồ địa chính phường Thống Nhất không thể hiện số tờ, thửa và diện tích đất cụ thể mà chỉ ghi là đường đi và kênh mương.
Ngoài ra, các hộ dân và Hợp tác xã Gò Me khi ấy cũng không đăng ký quyền sử dụng đất. Trên cơ sở thỏa thuận với các hộ dân, năm 2014 công ty đã đồng ý hỗ trợ 158 ngàn đồng/m2 đất (bằng 50% giá trị bồi thường đất nông nghiệp tại thời điểm đó) nhưng các hộ không đồng ý. Việc này công ty đã có văn bản báo cáo UBND TP.Biên Hòa.
Do việc hỗ trợ không thực hiện được nên vấn đề giải quyết bồi thường bị gián đoạn. Đến năm 2016, các hộ dân tiếp tục làm đơn kiến nghị được xem xét, tính toán phần diện tích đất nêu trên. Tháng 4-2016, UBND TP.Biên Hòa có văn bản giao cho các cơ quan chức năng và Công ty D2D tiến hành đo vẽ, xuất hồ sơ kỹ thuật thửa đất phần kênh mương nội đồng và đường đi của từng hộ để Trung tâm phát triển quỹ đất chi nhánh Biên Hòa lập thủ tục bồi thường theo quy định.
Tiếp đó, ngày 23-1-2017 UBND TP.Biên Hòa có văn bản số 920 đề nghị Công ty D2D khẩn trương liên hệ Trung tâm kỹ thuật địa chính nhà đất Đồng Nai để thực hiện đo đạc và xuất hồ sơ kỹ thuật các thửa đất trên, nhưng đến thời điểm này vụ việc vẫn chưa được được giải quyết xong.
Gia An