Thời gian gần đây, tại một số địa phương liên tục xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em khiến dư luận bức xúc. Phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi về vấn đề này với Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kiều Oanh.
Thời gian gần đây, tại một số địa phương liên tục xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em khiến dư luận bức xúc. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kiều Oanh (ảnh) cho biết:
- Đây là những vụ việc gây nhức nhối xã hội, bởi trẻ bị xâm hại tình dục không những bị tổn thương tinh thần, thể chất mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như tương lai sau này.
* Thưa bà, có đến 15 cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thế nhưng nhiều trường hợp trẻ vẫn bị xâm hại tình dục, vậy nguyên nhân từ đâu?
- Xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề cả xã phải lên án gay gắt, chứ không riêng gì ngành lao động - thương binh và xã hội hay các đơn vị liên quan. Tôi nghĩ rằng xâm hại tình dục không phải hoàn toàn do ảnh hưởng từ phim ảnh, mạng internet, nhưng rõ ràng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng số vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Mạng internet hiện có ở khắp nơi, thiết bị kết nối dễ dàng, chỉ cần nhập từ “sex” là có ngồn ngộn những trang khiêu dâm hiển thị. Những người không làm chủ được mình sẽ dễ dàng bị kích thích và khi gặp môi trường thuận lợi là hành động. Thời nay trẻ dậy thì sớm, trong khi nhận thức của các cháu về lĩnh vực này lại chưa đầy đủ.
Ngoài ra, môi trường giáo dục, sự gần gũi và chăm sóc con cái của nhiều gia đình chưa thật tốt; thậm chí khi cha mẹ vắng nhà đã không ngần ngại gửi con cho người quen trông giúp, một khi rơi vào tay kẻ xấu thì trẻ rất dễ bị hãm hại.
* Thời gian qua, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em đã không được đưa ra ánh sáng, nghĩa là kẻ phạm tội không bị xử lý. Theo bà, có phải do pháp luật bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống?
- Có những vụ việc trẻ bị xâm hại tình dục nhưng chính cha mẹ nạn nhân lại không muốn đưa ra pháp luật, đặc biệt là có dính dáng đến người thân trong gia đình. Mặt khác, do thiếu hiểu biết pháp lý và ngại đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm, cộng thêm hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên nhiều gia đình nạn nhân chấp nhận thỏa thuận bồi thường một khoản tiền từ kẻ phạm tội để “ém” sự việc.
Bên cạnh đó, khi đưa vụ việc ra pháp luật, gia đình nạn nhân cũng như cơ quan chức năng thường phải vất vả đeo bám, vì theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự phải có nhân chứng, thực nghiệm hiện trường tìm dấu vết, đối chất thành phần khả nghi để xác định… mà trong những vụ việc xâm hại tình dục phần lớn là hành vi chỉ 2 người biết nên không thể một sớm một chiều tìm ra hung thủ.
Hơn nữa, luật quy định hành vi tấn công tình dục trẻ em là xâm hại trực tiếp đến thân thể nạn nhân thì mới cấu thành tội. Chính vì vậy, công tác điều tra, thu thập chứng cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với kẻ phạm tội là rất khó.
Trẻ em cần được bảo vệ mọi lúc, mọi nơi. Trong ảnh: Học sinh mầm non trong giờ học bóng rổ tại Nhà thiếu nhi Đồng Nai. |
Hệ lụy của trẻ bị xâm hại tình dục là rất lớn, hầu hết đều bị tổn thương đến tâm sinh lý, thậm chí đã có trường hợp mất mạng, vậy theo bà cần phải làm gì để ngăn chặn được vấn nạn này?
- Để ngăn chặn nạn xâm hại tình dục trẻ em, tôi cho rằng cần phải có sự vào cuộc từ nhiều phía. Trong đó, ngoài các ban, ngành, đoàn thể cần phải có sự quan tâm, đặc biệt là từ gia đình của trẻ. Các bậc cha mẹ cần chăm sóc con nhiều hơn, luôn đặt các em trong tầm kiểm soát của mình, tạo cho các em tin tưởng về môi trường sống an toàn đối với bản thân.
Ngoài ra, các cơ quan có liên quan, trường học phải tăng cường tuyên truyền đạo đức, lối sống; động viên gia đình có con em bị xâm hại tình dục dũng cảm tố cáo kẻ phạm tội ra trước pháp luật. Điều quan trọng nữa là giáo viên, cha mẹ và cả anh chị phải hướng dẫn trẻ kỹ năng tự phòng vệ trước hành vi sàm sỡ của kẻ xấu thì các cháu mới có thể chống đối khi bị xâm hại tình dục.
- Bà có nhắn nhủ gì đối với gia đình nạn nhân khi phát hiện con trẻ bị xâm hại tình dục?
- Không cha mẹ nào muốn con mình bị xâm hại tình dục, nhưng nếu chẳng may xảy ra vụ việc đau lòng này cha mẹ nên bình tĩnh trấn an con, đặc biệt là không được đánh mắng trẻ. Sau đó tìm cách để trẻ kể lại sự việc cùng những thông tin liên quan, như: ai đã làm điều đó, ở đâu, lúc nào, lần đầu hay nhiều lần… Nhất thiết phải giữ nguyên hiện trạng cơ thể trẻ và đưa ngay cháu đến cơ sở y tế để kiểm tra tổn thương; đồng thời trình báo với cơ quan công an địa phương.
Nếu trẻ bị ảnh hưởng nặng về tâm lý thì nên đưa trẻ đến chuyên gia hoặc bác sĩ chuyên khoa để giúp cháu ổn định tư tưởng. Những ngày sau đó, tìm mọi cách tạo niềm vui cho trẻ, hướng dẫn cách phòng tránh để không bị xâm hại lần nữa và tuyệt đối không nên nhắc lại sự việc đã xảy ra đối với cháu.
- Xin cảm ơn bà!
Sở Lao động - thương binh và xã hội đang phối hợp với Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp trẻ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2017-2020). |
Phương Liễu (thực hiện)