Thời gian qua, một số tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp tình trạng một vài người tự xưng là nhà báo đến "tìm hiểu" về sản xuất, kinh doanh, sau đó dở thói nhũng nhiễu, hù dọa viết bài đăng báo nhằm mục đích trục lợi riêng…
Thời gian qua, một số tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp tình trạng một vài người tự xưng là nhà báo đến “tìm hiểu” về sản xuất, kinh doanh, sau đó dở thói nhũng nhiễu, hù dọa viết bài đăng báo nhằm mục đích trục lợi riêng…
Phóng viên cần được đào tạo thường xuyên về đạo đức người làm báo, cũng như nghiệp vụ để nâng cao tay nghề. Trong ảnh: Một lớp đào tạo nghiệp vụ cho phóng viên của Hội Nhà báo Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Hành vi của những “nhà báo” nói trên đã gây ra sự phản ứng của các đơn vị, cá nhân bị “hành”.
* Nhà báo “vòi vĩnh”
Mới đây, trả lời báo chí về tình trạng có nhiều biểu hiện tiêu cực từ các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn nhận xét: Tình trạng báo chí sống “ký sinh” vào doanh nghiệp gây phiền hà cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân ở các địa phương tuy chưa phổ biến, nhưng không phải là ít. Nếu không được chấn chỉnh kịp thời tình trạng này, sẽ làm biến dạng nền báo chí cách mạng Việt Nam, gây phản cảm cho người dân, làm bất an cho doanh nghiệp và cản trở hoạt động công vụ của các cơ quan Nhà nước. |
Mới đây, một doanh nghiệp ở huyện Định Quán thường xuyên bị một nhà báo xưng tên L.Đ.P., đang công tác ở một tờ báo của Trung ương đến “hỏi thăm”.
Biết chuyện kinh doanh của doanh nghiệp này còn một số sơ hở, “nhà báo” này liên tục tìm đến để gợi ý đòi tiền. Dù khá phiền lòng, nhưng vì muốn yên ổn làm ăn nên mỗi lần “nhà báo” xuất hiện chủ doanh nghiệp đều chi một khoản tiền và xin được “nương tay”.
Tiếp đến, khi phát hiện một doanh nghiệp khác cũng ở tỉnh đang bị đối tác làm chung nợ tiền tỷ, “nhà báo” P. gợi ý sẽ đi đòi nợ giùm với điều kiện phải chi trước cho anh ta 50 triệu đồng và 1 triệu đồng tiền đổ xăng đi lại.
Tuy nhiên, khi nhận đủ 50 triệu đồng thì P. cũng “mất tích”, đến nay vẫn chưa xuất hiện, còn thông tin về khoản nợ phải thu của doanh nghiệp cũng không có gì khởi sắc.
Thực trạng có những cá nhân núp bóng nhà báo để nhũng nhiễu, hăm dọa, trục lợi đã xuất hiện từ lâu. Thông thường, những “nhà báo” này thường “đánh hơi” được vụ việc có sai sót, sơ hở để nhũng nhiễu doanh nghiệp; hoặc tìm đến những vụ tranh chấp dân sự và nhảy vào bênh một phía để hưởng lợi.
Trong số những “nhà báo” này, có người chỉ là cộng tác viên, không có thẻ nhà báo và thường xưng danh làm việc của các tờ báo bộ, ngành, hội nghề nghiệp Trung ương. Do ở xa tòa soạn nên việc tác nghiệp của họ tại địa phương khá thoải mái, chủ yếu để làm quảng cáo.
Tình trạng sống “ký sinh” vào các doanh nghiệp hoặc các vụ việc dân sự của số ít “nhà báo” đã làm cho dư luận bất bình, bức xúc.
* Cần cảnh giác nhà báo nhũng nhiễu
Đồng Nai là tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thời gian qua được đánh giá phát triển mạnh về kinh tế - xã hội. Do đó, có khá nhiều vấn đề được các nhà báo tâm huyết khai thác, tuyên truyền đậm nét. Chính vì vậy, những năm gần đây nhiều cơ quan báo chí đã đặt văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên tại Đồng Nai để kịp thời nắm bắt vấn đề, thông tin đến bạn đọc nhanh nhất.
Nhà báo Đỗ Trung Tiến, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh cho biết, Hội đã từng tham gia giải quyết một số vụ việc liên quan bằng cách báo cáo đến cơ quan chức năng vụ việc cụ thể để có hướng xử lý.
Theo nhà báo Đỗ Trung Tiến, cá nhân, doanh nghiệp khi tiếp xúc với nhà báo cần yêu cầu xem thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu. Trường hợp tự xưng nhà báo nhưng không có giấy tờ hợp pháp thì người dân có quyền từ chối gặp gỡ, trao đổi. Nếu phát hiện có dấu hiệu giả nhà báo thì phải báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để có hướng xử lý.
“Chúng tôi mong các bộ, ngành Trung ương sớm có thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Báo chí (đã có hiệu lực từ 1-1-2017)" - Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh nói.
Minh Quân