Báo Đồng Nai điện tử
En

Hồ sơ sức khỏe điện tử: Lợi cho dân, tiện cho ngành

10:03, 15/03/2017

Khi đã có hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, tại bất kỳ bệnh viện nào, bác sĩ cũng có thể xem được bệnh án của người bệnh, giúp chẩn đoán bệnh từ xa một cách chính xác.

Khi đã có hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, tại bất kỳ bệnh viện nào, bác sĩ cũng có thể xem được bệnh án của người bệnh, giúp chẩn đoán bệnh từ xa một cách chính xác.

Thông tin về phẫu thuật cũng sẽ được lưu trữ chi tiết trong hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử (ảnh minh họa).
Thông tin về phẫu thuật cũng sẽ được lưu trữ chi tiết trong hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử (ảnh minh họa).

Ngoài ra, người bệnh còn được tư vấn, hướng dẫn điều trị mà không cần phải tới bệnh viện.

*Sớm phát hiện bệnh

Với những thông tin có trong hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử về tiền sử bệnh cùng những dữ liệu liên quan được cập nhật, người dân có thể phát hiện sớm bệnh, đặc biệt là các bệnh nan y.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, bắt đầu từ tháng 9-2017 dự án lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho mỗi người dân sẽ được triển khai trong toàn quốc và sẽ hoàn tất việc cấp thẻ và mã định danh cho mỗi người dân vào năm 2019.

Khi biết trong năm 2017 mỗi người dân sẽ được lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, bà Nguyễn Ngọc Mai (bác sĩ về hưu, ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) rất vui và ví hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử như một “bác sĩ riêng”, từ đó người bệnh có thể được chăm sóc sức khỏe trong suốt cuộc đời.

Theo bà Mai, điều này rất có lợi cho người dân và cả thầy thuốc, vì những thông tin liên quan được tích hợp đầy đủ nên bác sĩ dựa trên các dữ liệu đó để chọn phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Còn chị Nguyễn Bích Chi (ngụ phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa), người từng sống và làm việc nhiều năm tại Canada, chia sẻ: “Đến nay Việt Nam mới làm điều này là hơi muộn. Canada đã thực hiện hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho người dân từ hơn 30 năm trước".

Chị Chi cho biết, tại Canada, một đứa trẻ mới sinh sẽ được cấp một mã định danh cho hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử suốt đời. Trong hồ sơ đó có đầy đủ thông tin, dữ liệu sức khỏe của bé và những người cùng huyết thống, như: cha mẹ, anh chị em ruột.

"Các thông tin còn được cập nhật mỗi khi em bé tiêm chủng, khám bệnh hay phẫu thuật, điều trị… Nếu người mẹ có tiền sử bị bệnh nan y phụ nữ, trong hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử của con gái sẽ được đặt vào diện tầm soát để phát hiện sớm các triệu chứng liên quan có khả năng di truyền từ mẹ” - Chị nói.

* Hướng đến nhiều lợi ích

Dự án lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử đang được Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thí điểm tại 3 địa phương: Hà Nội,  Bắc Ninh và Phú Thọ. Dự kiến đến tháng 6 sẽ hoàn tất để tháng 9 đồng loạt triển khai trong toàn quốc.

Theo đó, người dân các địa phương này được mời đến trạm y tế xã, phường để khám sức khỏe tổng quát. Tất cả dữ liệu được nhập vào hệ thống mạng để tạo hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. Mỗi hồ sơ có một mã định danh và được kết nối trên cùng một hệ thống điện tử từ trạm y tế xã, phường đến các bệnh viện tuyến cao nhất.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ, việc triển khai hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân lẫn ngành y tế và bảo hiểm xã hội. Với người dân, sẽ giúp phát hiện sớm những nguy cơ bệnh tật, qua đó thầy thuốc sẽ tư vấn để phòng ngừa hoặc điều trị kịp thời.

Đặc biệt khi có hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử bệnh nhân khi chuyển tuyến, cấp cứu rất thuận lợi. Từ những thông tin, hình ảnh, kết quả xét nghiệm ở tuyến dưới lưu trong hồ sơ bệnh án điện tử, bác sĩ tuyến trên chỉ cần mở mã định danh của bệnh nhân để xem mà không cần yêu cầu bệnh nhân xét nghiệm hay làm nội soi lại, tránh được lãng phí, nhất là bệnh nhân tim mạch, chấn thương sọ não ở tình trạng cấp cứu cần “thời gian vàng” để xử lý.

Những thông tin, dữ liệu tuyến dưới lưu trong hồ sơ cũng sẽ giúp tuyến trên có thể bỏ qua một số công đoạn mà tuyến dưới đã can thiệp...

Tuy nhiên, để dự án lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho người dân đạt hiệu quả cao, theo lãnh đạo 2 ngành y tế và bảo hiểm xã hội phía trước còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn, việc sử dụng chữ ký điện tử chưa được công nhận trong hồ sơ bệnh án y khoa; phải đào tạo một nguồn lớn nhân lực phụ trách công tác quản lý, cập nhật, lưu trữ hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử; cần một khoản kinh phí lớn cho đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang bị máy móc, phần mềm kết nối giữa các tuyến, giữa các bệnh viện...

Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nguyễn Thị Quy cho rằng không chỉ thuận lợi trong hoạt động chăm sóc sức khỏe, mà từ hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử còn tránh được tình trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế, hoặc lạm dụng bảo hiểm y tế. Mặt khác, khi mở mã định danh sẽ phát hiện những bệnh nhân khám bệnh nhiều lần để lấy thuốc trong cùng thời điểm. Ngoài ra, hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử sẽ giúp tăng cường giám sát y tế dự phòng đối với việc sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.

Phương Liễu


 

 


 

 

 

Tin xem nhiều