Nhiều năm nay, một số hộ dân tại ấp 3 và ấp Hiền Đức (xã Phước Thái, huyện Long Thành) không khỏi bức xúc khi phải sống chung với mùi hôi nồng, khét lẹt xuất phát từ những xưởng tái chế bao bì ny-lông…
Nhiều năm nay, một số hộ dân tại ấp 3 và ấp Hiền Đức (xã Phước Thái, huyện Long Thành) không khỏi bức xúc khi phải sống chung với mùi hôi nồng, khét lẹt xuất phát từ những xưởng tái chế bao bì ny-lông…
Khói đen gây ô nhiễm môi trường mỗi khi khu xưởng nấu bao bì tái chế ny-lông tại ấp Hiền Đức, xã Phước Thái, huyện Long Thành hoạt động. |
Do thường xuyên hít phải “khí độc” từ xưởng tái chế bao bì nên người dân nơi đây lo lắng trước nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp.
* Sống chung với ô nhiễm
Trao đổi về di dời các cơ sở tái chế gây ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND xã Phước Thái Trần Xuân Thám cho biết UBND xã đã yêu cầu các cơ sở tái chế bao bì trên địa bàn lập kế hoạch đề ra lộ trình để chuyển các xưởng sản xuất khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp lúc nào di dời không thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. |
Theo phản ảnh của người dân, nằm gần với khu dân cư là khu liên hợp sản xuất gồm: xưởng chứa bao bì đã qua sử dụng, xưởng nấu tái chế bao bì và xưởng dệt bao bì.
Mỗi khi xưởng nấu tái chế bao bì hoạt động, khói đen từ dưới bay lên tỏa ra mùi hôi nồng nặc rất khó chịu. Đáng kể là xưởng này sản xuất liên tục, kể cả ban đêm khiến người dân hầu như phải chịu đựng mùi xú uế mọi thời điểm trong ngày.
Gia đình bà T.T.H. ở gần xưởng tái chế bao bì cho biết, nhiều năm nay, dân cư nơi đây bị tra tấn bởi mùi khét nồng nặc. Bản thân bà H. bị mắc bệnh viêm xoang nặng, nhưng điều gia đình bà lo lắng, nhất là nếu thường xuyên hít phải khí độc này, thì nguy cơ bệnh nặng thêm là điều chắc chắn.
Cùng bị ảnh hưởng như gia đình bà H., anh T.T. (ấp 3, xã Phước Thái) cho hay, từ khi các xưởng tái chế bao bì hoạt động thì hầu như cả ngày lẫn đêm, nhiều hộ gia đình lúc nào cửa cũng phải đóng kín. “Vào những ngày khói xưởng nấu bay đúng hướng gió thì mùi khét nồng lan tỏa, chỉ cần ngửi một lúc là thấy chóng mặt, buồn nôn” - anh T. nói.
Hồ chứa tạp chất thải bốc mùi hôi thối khó chịu tại ấp 3, xã Phước Thái, huyện Long Thành. |
Theo quan sát của phóng viên Báo Đồng Nai, khu sản xuất bao bì tái chế với dãy nhà xưởng rộng khoảng 1 ngàn m2, gần khu dân cư ấp Hiền Đức. Xung quanh các nhà xưởng được xây tường rào, nhưng ở ngoài vẫn thấy rõ các đống bao bì ny-lông chất cao ngất ngưởng đang rỉ những dòng nước đen qua khu đất bên cạnh.
Có mặt tại đây trong 30 phút, chúng tôi cũng không chịu nổi mùi khét lẹt từ những cột khói đen từ khu nấu bao bì cuồn cuộn bốc lên. Ngoài ra, cách khu nhà xưởng trên khoảng 800m còn có khu nhà xưởng khác (ấp 3, xã Phước Thái) cũng nấu bao bì ny-lông.
* Bao giờ di dời cơ sở gây ô nhiễm?
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường không khí từ việc tái chế bao bì, các cơ sở này còn xả thẳng chất thải sản xuất ra môi trường.
Tại khuôn viên của các xưởng sản xuất ở ấp 3 (xã Phước Thái), chúng tôi phát hiện một hồ lớn có diện tích khoảng 50m2, sâu 5m dùng để chứa những cặn bẩn trong quá trình sản xuất bao bì. Do chất bẩn đọng lại lâu ngày nên từ hồ này cũng phát sinh mùi hôi thối. Khi hồ này đầy, một hệ thống dẫn nước thải sẽ tự động chảy ra suối Huỳnh Mai - Cổng 69 rồi đổ vào sông Thị Vải.
Hệ thống dẫn nước thải tại cơ sở tái chế bao bì tại ấp 3, xã Phước Thái, huyện Long Thành, chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường. |
Nói về các cơ sở sản xuất tái chế bao bì gây ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND xã Phước Thái Trần Xuân Thám cho biết, giữa năm 2015, trước bức xúc của người dân chính quyền địa phương đã có văn bản kiến nghị UBND huyện Long Thành lập đoàn kiểm tra việc gây ô nhiễm từ các xưởng này.
Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện các sai phạm nên tiến hành lập biên bản xử phạt, đình chỉ tạm thời các cơ sở trên. Cụ thể, tháng 6-2015, cơ sở của ông Vũ Đức Kiên (ấp 3, xã Phước Thái) bị phạt 14 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng và buộc xây dựng công trình xử lý chất thải môi trường theo quy định.
Tương tự, hộ kinh doanh Đào Thị Hoa (ấp 3, xã Phước Thái) và cơ sở của ông Vũ Xuân Kỷ (ấp Hiền Đức, xã Phước Thái) cùng bị phạt 2,5 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 9 tháng, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường.
Tháng 10-2015 bà Vũ Thị Ruyến (ấp Hiền Đức, xã Phước Thái) bị phạt tổng số tiền 4 triệu đồng với 2 hành vi: chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang xây dựng nhà xưởng tái chế bao bì (phạt 1,5 triệu đồng) và hoạt động gia công tái chế bao bì không có cam kết bảo vệ môi trường (phạt 2,5 triệu đồng), bị đình chỉ hoạt động 9 tháng và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường.
Mặc dù thừa nhận các xưởng sản xuất này đã từng bị xử phạt về hành vi gây ô nhiễm môi trường, nhưng ông Trần Xuân Thám lại cho rằng lâu nay do không có đơn thư khiếu nại, phản ảnh của người dân nên chưa tiến hành kiểm tra lại.
“Trước những bức xúc của người dân, sắp tới chính quyền địa phương sẽ tiếp tục cho kiểm tra, nếu phát hiện các cơ sở tái vi phạm sẽ kiến nghị huyện có biện pháp xử lý mạnh” - ông Thám khẳng định.
Giao Thủy - Thanh Vy