Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh doanh bít kín nhà: Hiểm họa khó lường! (bài 3)

07:04, 23/04/2017

Một thực tế, kinh doanh karaoke kiểu "bít kín", sử dụng bảng quảng cáo lớn bít kín đường thoát hiểm vẫn ngang nhiên tồn tại trên nhiều tuyến phố. Nhưng lạ ở chỗ, dù biết đó là vi phạm luật, song không hiểu sao những điểm này vẫn được cấp phép xây dựng, đi vào hoạt độngkhiến dư luận không khỏi thắc mắc.

Bài 3: Vẫn ngang nhiên tồn tại

>>> Bài 1: Quảng cáo bít hết đường thoát hiểm

>>> Bài 2: Ớn lạnh karaoke kiểu bít kín!

>>> Bài 4:  Đâu là  giải pháp?

 

Một thực tế, kinh doanh karaoke kiểu “bít kín”, sử dụng bảng quảng cáo lớn bít kín đường thoát hiểm vẫn ngang nhiên tồn tại trên nhiều tuyến phố. Nhưng lạ ở chỗ, dù biết đó là vi phạm luật, song không hiểu sao những điểm này vẫn được cấp phép xây dựng, đi vào hoạt độngkhiến dư luận không khỏi thắc mắc.

Nhiều cơ sở kinh doanh trên đường 30-4 (TP.Biên Hòa) gắn bảng hiệu quảng cáo không đúng quy định.
Nhiều cơ sở kinh doanh trên đường 30-4 (TP.Biên Hòa) gắn bảng hiệu quảng cáo không đúng quy định.

* Tự ý đặt dựng, tự  ý chuyển đổi công năng

Việc đặt, dựng bảng quảng cáo đã được quy định tại Điều 31 và 34 Luật Quảng cáo năm 2012. Trong đó, biển hiệu, bảng quảng cáo và việc cấp phép xây dựng công trình quảng cáo, bảng quảng cáo, biển hiệu phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định về kích thước, diện tích. Và đặc biệt, phải được cơ quan nhà nước cấp phép nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt từ 20 m2 trở lên; Xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn; Bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 m2 trở lên.

Bảng quảng cáo, biển hiệu phải đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo các hoạt động sản xuất, sinh hoạt bình thường của người dân và an toàn sinh mạng, đảm bảo tầm nhìn và không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông.

Dù đã được quy định khá cụ thể, nhưng nhiều người đi đường cho biết, họ cảm thấy ngộp ngạt và hoa mắt trước tình trạng quảng cáo tràn lan, đủ mọi kích thước, màu sắc, đèn chớp. Không ít người thắc mắc và bày tỏ bức xúc khi thấy cơ sở kinh doanh muốn quảng cáo kiểu gì thì làm, gắn ở đâu, hình thức thế nào là tùy ý...

Thực tế, pháp luật hiện hành đã quy định khá đầy đủ về hình thức bảng quảng cáo, biển hiệu, nhưng vấn đề nằm ở chỗ công tác cấp phép, kiểm tra, thanh tra, giám sát... có được các cơ quan chức năng thực hiện đúng và đủ  trách nhiệm của mình hay không.

Không chỉ đặt biển bảng quảng cáo phủ kín tòa nhà, mà một số cơ sở còn tự ý chuyển đổi công năng sử dụng nhưng chưa được sự kiểm tra, cấp phép của cơ quan chức năng, đặc biệt là phòng chống cháy, nổ dẫn đến tình trạng nhà chỉ có duy nhất 1 đường vào, còn lại các bên tường bít bùng. Chắc chắn, khi sự cố bất ngờ ấp đến, những căn nhà thiết kế kiểu này chắc chắn sẽ thành thảm họa.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra và phát hiện phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí như: quán bar, karaoke, vũ trường là những công trình hoàn toàn không được thiết kế phục vụ cho mục đích kinh doanh karaoke, mà chủ cơ sở xin giấy phép xây dựng nhà ở bình thường, rồi tự ý chuyển đổi thành cơ sở kinh doanh hoạt động karaoke – một ngành kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là phải  bảo đảm công tác an toàn PCCC.

Điểm karaoke K.O.K và Kim Song được thiết kế kín như một “nhà mồ” là những ví dụ điển hình cho việc tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang kinh doanh karaoke, dù được cấp phép hoạt động nhưng vẫn khiến nhiều người đặt hoài nghi về hai điểm này có thực sự đạt tiêu chuẩn về an toàn PCCC với điều kiện thiết kế và bố trí kiểu bít bùng này. Trong khi đó, đây là nơi thường tập trung đông người, nếu khai thác hết công suất, mỗi nơi có thể chứa cùng lúc đến hơn 200 khách.

* Thiếu sự quản lý thống nhất

Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện nhiều cơ sở vi phạm nghiêm trọng về công tác PCCC, trong đó 4 vi phạm phổ biến: Thứ nhất, tự thay đổi kết cấu xây dựng khác với thiết kế ban đầu, như: ngăn vách để tạo ra được nhiều phòng karaoke; sử dụng các bảng quảng cáo bít bùng, che hết không gian mặt tiền, chắn hết các lối thoát hiểm và cản trở lối thoát nạn khi có sự cố xảy ra. Thứ hai, sử dụng các vật liệu dễ cháy để làm vách ngăn, như: mút xốp, ván ép, da… đều là những vật dụng cháy lan rất nhanh, tỏa ra nhiều khói làm người lâm nạn nhanh bị ngạt. Thứ ba, sử dụng điện công suất lớn, các thiết bị tiêu thụ điện được câu móc, đấu nối không đúng kỹ thuật. Thứ tư, tự ý thay đổi công năng tòa nhà, chẳng hạn, công trình xin phép xây dựng là nhà ở nhưng lại chuyển sang kinh doanh karaoke mà không được cơ quan chức năng thẩm định, nghiệm thu về đảm bảo PCCC là nguyên nhân dẫn đến nhiều sai phạm khác.

Một phòng bên trong tòa nhà K.O.K với thiết kế đèn điện, nệm mút bọc da, gỗ ốp tường khắp nơi, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Một phòng bên trong tòa nhà K.O.K với thiết kế đèn điện, nệm mút bọc da, gỗ ốp tường khắp nơi, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Chẳng hạn vì sao hai điểm karaoke K.O.K, Kim Song…tự chuyển đổi công năng, tự thiết kế bít bùng này mà dưới con mắt của nhiều người không thể bảo đảm an toàn khi có sự cố cháy nổ xảy ra nhưng vẫn được cấp phép hoạt động.

Về vấn đề này, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Trần Quang Trung cho rằng, trước khi tổ chức kinh doanh, hai cơ sở này xin phép xây dựng nhà ở và đã hoàn công. Việc gia chủ chuyển đổi công năng từ nhà ở thành điểm kinh doanh văn hóa giải trí là thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng khác chứ không phải thuộc Phòng quản lý đô thị nữa. 

Tương tự, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Giang Mạnh Hà thừa nhận, lâu nay việc cấp phép hoạt động kinh doanh karaoke còn nhiều điểm chồng chéo nhau. Nguyên nhân tồn tại vấn đề này là do mỗi ngành đều có quy trình cấp phép riêng.

Với tình trạng mạnh ai nấy làm, cơ quan chức năng cũng mạnh ngành nào ngành ấy cấp, trong khi việc giám sát lại luôn có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thuộc ngành này hay ngành khác, đã khiến cho đô thị ngày càng trở nên mất mỹ quan, mất an toàn và tính mạng người dân bị đe dọa.

Nhóm phóng viên Ban công tác Bạn đọc

Còn tiếp bài 4:  Đâu là  giải pháp?

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
  • Bảng giá nệm khuyến mãi 2025