Thơi gian gần đây, thông tin về việc công an xử phạt vi phạm đối với người điều khiển phương tiện giao thông không xuất trình được bản gốc giấy đăng ký xe do đã thế chấp vay vốn ngân hàng khiến không ít người hoang mang, lo lắng...
Thơi gian gần đây, thông tin về việc công an xử phạt vi phạm đối với người điều khiển phương tiện giao thông không xuất trình được bản gốc giấy đăng ký xe do đã thế chấp vay vốn ngân hàng khiến không ít người hoang mang, lo lắng...
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ xe của người tham gia giao thông trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Thống Nhất. Ảnh: Thanh Hải |
Tuy nhiên, khi liên hệ với các đơn vị chủ nợ để yêu cầu được giao lại bản chính giấy tờ xe thì ngân hàng trả lời phải trả hết nợ thì mới được nhận lại. Từ những trái ngược này, không ít người lo ngại nếu đi xe không có giấy tờ gốc sẽ bị cảnh sát giao thông phạt nên để ở nhà... “trùm mền” cho chắc ăn.
* vừa lái vừa lo
Những năm gần đây, nhu cầu vay vốn ngân hàng để mua sắm tài sản, như: nhà, xe… phát triển mạnh. Nhiều trường hợp thông qua các hình thức vay từ ngân hàng đã góp phần tạo được động lực phát triển kinh tế.
Gần đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét lại việc các tổ chức tín dụng được giữ bản chính. Điều này là hợp lý, vì hiện nay dư nợ trong các ngân hàng về cho vay mua xe rất lớn, nếu không tiếp tục thực hiện ràng buộc này sẽ dẫn đến chỗ thiệt thòi cho xã hội. Từ đó, người dân không thể tiếp cận nguồn vốn vay để có điều kiện sắm phương tiện để làm ăn, phát triển kinh tế. |
Hầu hết mọi trường hợp vay vốn để mua xe thường phải thế chấp lại bản chính giấy đăng ký xe cho ngân hàng, chủ xe chỉ được giao bản đăng ký photo có đóng dấu xác nhận. Điều này có thể được xem là căn cứ đối với xe có chủ trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, những thông tin về việc công an xử phạt những trường hợp không xuất trình được bản gốc giấy chứng nhận đăng ký xe khi bị kiểm tra khiến không ít người hoang mang. Anh Trần Tuấn (ngụ KP.1, phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa), cho biết do nhu cầu làm ăn nên gia đình anh đã vay vốn ngân hàng để mua xe ô tô được 1 năm nay. Bản chính giấy đăng ký xe đương nhiên do ngân hàng giữ lại. Từ khi nghe thông tin công an xử phạt những trường hợp người điều khiển phương tiện không xuất trình được bản gốc giấy đăng ký xe nên mỗi khi lái xe trên đường, anh Tuấn rất lo. Trong khi đó, nếu muốn nhận lại bản chính giấy tờ xe thì anh không có đủ tiền để trả đủ nợ cho ngân hàng.
Cùng cảnh ngộ như anh Tuấn, anh Nguyễn Minh Hùng (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) cũng hồi hộp mỗi khi lái xe chở khách trên đường mà gặp cảnh sát giao thông. “Tôi vay ngân hàng mua xe chạy dịch vụ ở TP.Biên Hòa hơn 1 năm nay. Đây là nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình và trả nợ hàng tháng cho ngân hàng. Tôi thường xuyên chở khách đi TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, nên đôi lúc vi phạm lỗi giao thông trên đường là không tránh khỏi. Mỗi khi bị “tuýt còi”, tôi chấp hành nghiêm túc nộp phạt. Riêng việc bị phạt do người lái xe không có bản chính giấy đăng ký xe thì rất oan ức. Bởi nếu không có sự trợ giúp của ngân hàng thì không bao giờ tôi mua được phương tiện để làm ăn, có thể sẽ thất nghiệp dài dài. Tôi nghĩ con dấu xác nhận của ngân hàng cũng đủ cơ sở pháp lý để công an xem xét chứ không nhất thiết phải bắt người dân đưa bản chính giấy đăng ký xe. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng nên xem xét lại quy định này, tạo điều kiện cho người dân vay vốn tổ chức tín dụng để phát triển kinh tế gia đình” - anh Hùng chia sẻ.
* Tổ chức tín dụng “cầm dao bằng lưỡi”?
Một cán bộ đang công tác ở ngân hàng tại TP.Biên Hòa cho biết từ khi có văn bản yêu cầu các ngân hàng trả lại bản chính giấy đăng ký xe cho người vay vốn, rất nhiều người đã liên hệ yêu cầu được nhận lại bản chính. Tuy nhiên trong khi chờ đợi ý kiến chính thức của Chính phủ, ngân hàng chưa thể trả lại bản chính cho người dân nếu chưa trả hết nợ. Thực tế, nhiều người khi vay số tiền tương ứng 2/3 giá trị chiếc xe, cho nên bên tín dụng không giữ lại bản chính thì mức độ rủi ro đối với đơn vị cho vay rất cao. Hơn nữa, một khi ngân hàng không được “cầm dao bằng cán” thì chắc chắn người dân sẽ không bao giờ vay được số vốn lớn đủ để mua xe.
Trao đổi về những thông tin trong việc thế chấp bản chính giấy tờ xe, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Đồng Nai Phạm Thành Vinh cho rằng điều này có lợi cả 2 bên. Bởi khách hàng vẫn có cơ sở pháp lý chứng minh nguồn gốc tài sản, còn bên cho vay sẽ bảo đảm lưu thông nguồn tiền mà không sợ bị chậm thu hồi vốn. Đã có nhiều trường hợp dù chủ xe giữ bản phô tô giấy đăng ký xe, nhưng vẫn ngang nhiên bán sang tay cho người khác. Điều này xem ra mức độ rủi ro đối với các tổ chức tín dụng là thấy rõ.
Hiện nay, theo quy định của các ngân hàng, khi khách hàng vay mua xe thì tất cả hồ sơ đăng ký đều được bên cho vay gửi qua công an, thông báo tài sản này đang được thế chấp tại đơn vị tín dụng. Quy định này đã có từ lâu, song do những văn bản pháp lý chưa cụ thể, nhất quán nên phía công an không trả lời hồ sơ do ngân hàng chuyển qua là có được phép hay không. Nhiều trường hợp khách hàng sang bán, chuyển nhượng tài sản đã thế chấp trái phép do chủ xe làm đơn cớ mất để được cấp lại giấy đăng ký mới.
Minh Quân