Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngập lụt ở ngã tư Dầu Giây

11:08, 28/08/2017

Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 7 và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông nên nhiều khu vực ở Đồng Nai có mưa rất to kéo dài gây ngập nặng, trong đó có khu vực ngã tư Dầu Giây…

Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 7 và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông nên nhiều khu vực ở Đồng Nai có mưa rất to kéo dài gây ngập nặng, trong đó có khu vực ngã tư Dầu Giây…

Mưa lớn nước ngập đường ở khu vực ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Ảnh: T.AN
Mưa lớn nước ngập đường ở khu vực ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Ảnh: T.AN

Nhiều người sống lâu năm ở khu vực ngã tư Dầu Giây khẳng định chuyện ngập lụt ở vùng này xưa nay hiếm. Bởi đây là vùng đất cao, nên dù có mưa lớn nước cũng tự động chảy xuống dưới đường cống. Tuy nhiên, thời gian gần đây cứ mỗi lần mưa lớn thì nước thoát không kịp đã biến đường thành… sông.

* Mưa là ngập

Ngày 26-8 vừa qua, những trận mưa lớn kéo dài đã làm cho nhiều hộ gia đình ở ngã tư Dầu Giây (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) phải bì bõm trong nhà. Đáng kể là nước vào nhà quá nhanh, người dân dọn dẹp không kịp nên phần lớn đồ đạc bị ngập nước.

Nhà bà Nguyễn Thị Tuyết (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) bị nước tràn vào nhà.
Nhà bà Nguyễn Thị Tuyết (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) bị nước tràn vào nhà.

Theo người dân nơi đây, mỗi khi mưa lớn là ngã tư Dầu Giây biến thành “sông”, nước chảy rất xiết. Tình trạng này tái diễn không những gây khó khăn trong cuộc sống cư dân mà còn làm giao thông ách tắc, nhiều xe 2 bánh bị chết máy vì nước ngập, phải dẫn bộ hàng cây số. Nước mưa còn làm xói lở 2 bên hành lang quốc lộ, rất nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Văn Hưng (ngụ ấp Trần Cao Vân) nhận xét: “Tôi sống ở đây hơn 40 năm, nhưng chưa bao giờ thấy khu vực này lại ngập như năm nay khi mỗi lần mưa lớn. Nước mưa còn kéo theo bùn, đá, rác tràn ra đường rồi vào nhà khiến cuộc sống người dân chúng tôi đảo lộn. Nhiều bữa mưa to nuớc ngập trên mặt đường 30-40cm, sau đó tràn vào nhà làm gia đình phải thức trắng đêm tát nước ra ngoài”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Tuyết có nhà mặt tiền quốc lộ 1 cho biết từ khi đơn vị thi công lấp cống lại để làm cầu vượt Dầu Giây thì nước không có đường thoát dẫn đến ngập úng. Theo bà Tuyết, nếu đơn vị thi công không sớm khắc phục tình trạng này thì người dân sẽ còn khổ dài dài, nhất là hiện nay đang vào cao điểm mùa mưa bão.

Lề đường quốc lộ 1 bị sạt lở do nước mưa làm xói mòn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Lề đường quốc lộ 1 bị sạt lở do nước mưa làm xói mòn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

* Sớm khôi phục hệ thống thoát nước

Thực tế, trước đây khu vực ngã tư Dầu Giây có đường cống thoát nước dọc 2 bên quốc lộ 1. Hệ thống này đảm nhận tiêu thoát lượng nước mưa từ khu vực các ấp: Lập Thành, Trần Hưng Đạo và khu trung tâm hành chính huyện Thống Nhất. Ngoài ra, trong mùa mưa nước từ những khu vực khác cũng đổ dồn về đây, sau đó chảy ra miệng cống ở ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2 rồi thoát xuống suối lớn.

Tuy nhiên, từ khi khởi công xây dựng nút giao cầu vượt Dầu Giây đến nay, đơn vị thi công là Công ty cổ phần BT20 Cửu Long đã lấp hệ thống thoát nước này lại. Do vậy, mỗi khi trời mưa lớn nước không thể thoát theo ống cống cũ mà tràn lên đường chảy vào nhà dân.

Một miệng cống trên quốc lộ 1 bị lấp đã góp phần gây ngập lụt tại khu vực ngã tư Dầu Giây.
Một miệng cống trên quốc lộ 1 bị lấp đã góp phần gây ngập lụt tại khu vực ngã tư Dầu Giây.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo huyện Thống Nhất cho biết, bức xúc của người dân về ngập lụt ở khu vực Dầu Giây là đúng. Theo vị lãnh đạo này, huyện đã tiến hành làm việc với đơn vị thi công đề nghị tạm thời khôi phục ngay hệ thống thoát nước.

Trong khi đó, giải thích tình trạng ngập lụt ở khu vực đang thi công, ông Hồ Sỹ Hiệp, Chỉ huy phó công trường thi công thuộc Công ty cổ phần BT20 Cửu Long, cho rằng hệ thống thoát nước cũ quá nhỏ, không thể tiêu thoát lượng nước quá lớn từ các khu vực xung quanh đổ về. Tuy nhiên, công ty sẽ cố gắng tổ chức nạo vét lại đường mương trong thời gian sớm nhất.

“Chúng tôi là những hộ dân sống nhờ vào buôn bán. Nếu ngập lụt xảy ra thường xuyên, nước tràn vào nhà làm sao làm ăn. Sống ở vùng đồi cao mà chẳng khác gì “thung lũng”.  Chưa khi nào tôi thấy nước ngập trên quốc lộ 1 như… sông. Đúng là chuyện lạ ở vùng nông thôn này” - ông Nguyễn Văn Hưng bộc bạch.

Thảo An

Tin xem nhiều