Với nhiều người, mua "hàng sida" để tìm được những chiếc quần áo, giỏ xách, giày dép, dây lưng… ưa thích thuộc nhãn hàng thời trang nổi tiếng với giá rẻ là một thú vui.
Với nhiều người, mua “hàng sida” để tìm được những chiếc quần áo, giỏ xách, giày dép, dây lưng… ưa thích thuộc nhãn hàng thời trang nổi tiếng với giá rẻ là một thú vui.
Một shop bán “hàng sida” ở TP.Biên Hòa. Ảnh: P.LIỄU |
Đẹp, rẻ là yếu tố hấp dẫn, tuy nhiên trên khía cạnh sức khỏe thì đây là những loại hàng không an toàn cho người dùng nếu không biết khử khuẩn đúng cách trước khi sử dụng.
* Thú “săn” hàng hiệu…
Xuất hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước, với tâm lý “cũ người mới ta” “hàng sida” nhanh chóng hấp dẫn nhiều người bởi giá rất rẻ và cũng còn khá mới.
Quần áo sida là tên gọi chung đối với hàng đã qua sử dụng xuất hiện ở Việt Nam cách đây nhiều năm trước. Nguồn gốc của nguồn hàng này là do Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế của Thụy Điển, gọi tắt là SIDA (trùng với tên gọi căn bệnh SIDA/AIDS chỉ là ngẫu nhiên) quyên góp để viện trợ cho người nghèo tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Sau này, hàng cũ từ nhiều nguồn cũng được nhập từ nước ngoài về bán tràn lan trên vỉa hè hoặc trong các shop nhỏ. Do thói quen nên sau này quần áo cũ, đồ dùng đã qua sử dụng vẫn được gọi là “hàng sida”. |
Khá am hiểu trong việc chọn “hàng sida”, chị Nguyễn Ngọc Thúy (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết muốn mua loại hàng này phải rành các nhãn hiệu thời trang.
Chẳng hạn, trong kiện quần áo của Nhật Bản thì nên chọn hiệu Unipolo; của Hàn Quốc chủ yếu là túi xách, áo khoác và váy thời trang dán nhãn Coco Chanel, quần áo jean nên lựa thương hiệu Levi’s... Ngoài ra, còn một số tên tuổi khác, như: A&F, Banana Republic, Ralph Lauren hay True Region, Lacoste…; giày Nike, Addidas, The North Face, UGG… cũng được người thích hàng “sida” ưu tiên lựa chọn.
Chị Thúy khoe mình là người “nghiện đồ sida” và là khách hàng quen thuộc của một số shop thời trang tại các cửa hàng thuộc shop Khanh Nhỏ, shop Hoa (trên đường 30-4), dãy phố dọc đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn qua phường Hố Nai)…
Tuần nào chị Thúy và vài người bạn cũng rủ nhau đến vài shop “hàng sida” để tìm mua túi xách hàng hiệu, váy thời trang chất liệu ưng ý và không đụng hàng. Thực tế, giá bán “hàng sida” tương đối rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng/chiếc quần, áo nhưng vẫn có những loại quần, váy, túi xách giá đến vài trăm ngàn đồng, tùy theo thương hiệu. Đáng kể, còn có loại hàng rẻ không ngờ, khoảng 10 ngàn đồng/sản phẩm.
Không chỉ quần áo, “hàng sida” thời nay rất phong phú bởi chủng loại, gồm: giày dép, túi xách, bóp ví, dây lưng, phụ kiện thời trang, nón mũ, thú nhồi bông, khăn quàng cổ, khăn lông… Kinh nghiệm của người mua “hàng sida” là phải “lăn, lê, bò” trong đống đồ cũ để lục tìm thứ mình ưa thích.
* Hàng si có an toàn?
Ngồi chờ đến lượt mình tại một phòng khám da liễu tư nhân ở phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa), chị Minh Tú (ngụ phường Tân Phong) cho biết mấy hôm nay cơ thể bỗng dưng bị ngứa. Lưng, ngực, bụng nổi sần những nốt nhỏ li ti, rồi nhanh chóng lan ra thành mảng lớn và có đầu mụn nước.
Thoạt đầu chị Tú nghĩ bị dị ứng do ăn cá biển, nhưng cuối cùng truy ra “thủ phạm” chính là mấy chiếc áo “hàng sida” mới mua. Chị Tú cho biết sau khi mặc vào thì ngay tối đó ngứa ngáy khắp người.
Trao đổi về bệnh ngoài da thường gặp, bác sĩ Lê Thị Thái Hà, Giám đốc Bệnh viện da liễu Đồng Nai, cho biết thường gặp những trường hợp viêm da do mặc quần áo “hàng sida”, hàng cũ bán lề đường. Phần lớn người bệnh nhầm tưởng là bị dị ứng thời tiết hoặc bị chàm, hắc lào mà không biết đó là dị ứng do tiếp xúc với hóa chất trong loại hàng đã qua sử dụng.
Theo bác sĩ Hà, “hàng sida” thường được đóng kiện, đóng thùng và để với thời gian khá lâu nên trước đó được xử lý qua các công đoạn tẩy, nhuộm, hấp lại cho mới. Người mua mặc vào dễ bị viêm da vì tiếp xúc với hóa chất nhuộm, tẩy hay hóa chất làm cứng vải.
Chưa kể, do “hàng sida” là đồ đã được người khác sử dụng nên có thể mang cả những mầm bệnh da liễu, đặc biệt là nấm, ký sinh trùng, virus bệnh phụ khoa. Đây là những mầm bệnh tồn tại rất lâu, lại được ủ kín nên có điều kiện sinh sôi nảy nở; hoặc bệnh tổ đỉa, bệnh nấm da chân do dùng giày dép sida nhưng không xử lý sạch trước khi dùng.
Mua và dùng “hàng sida” là lựa chọn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để an toàn cho bản thân, bác sĩ Hà khuyến cáo khi mua tuyệt đối không nên mặc thử tại chỗ, nhất là đồ lót. Những loại quần áo, khăn quàng cổ, khăn bông, mền vải… sau khi mua về phải giặt sạch, sau đó tiệt trùng bằng nước sôi, phơi nắng nhiều lần và ủi nóng để diệt các mầm bệnh cũng như để lược bỏ các hóa chất. Đối với nữ, không nên mua đồ lót, quần áo tắm cũ vì dùng những loại hàng này rất dễ bị lây nhiễm bệnh phụ khoa, virus HPV, ghẻ, nấm… gây hại cho sức khỏe.
Phương Liễu