Báo Đồng Nai điện tử
En

Chậm trễ đề án dạy bơi: Nỗi lo trẻ đuối nước

08:05, 24/05/2018

Mỗi lần có trẻ chết do đuối nước là một lần dư luận lại đặt câu hỏi về trách nhiệm của các ngành, thầy cô và cha mẹ trong việc trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho các em.

Mỗi lần có trẻ chết do đuối nước là một lần dư luận lại đặt câu hỏi về trách nhiệm của các ngành, thầy cô và cha mẹ trong việc trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho các em.

Trẻ học bơi tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục - thể thao tỉnh. Ảnh: P.LIỄU
Trẻ học bơi tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục - thể thao tỉnh. Ảnh: P.LIỄU

Đề án “xóa mù” bơi cho học sinh tiểu học và THCS được xây dựng khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Thực tế cho thấy nếu linh động và quyết tâm, việc dạy bơi cho trẻ vẫn có thể thành công.

* Lo trẻ đuối nước

Kể từ ngày 27-2 định mệnh đến nay, vợ chồng anh Lưu Đức Tuấn (ở ấp Thuận An, xã Sông Thao, huyện Trảng Bom) vẫn chưa hết đớn đau về cái chết do đuối nước của 2 con nhỏ là Lưu Hoàng Tri Nguyễn (9 tuổi) và Lưu Hoàng Di Phong (7 tuổi) khi đi tắm tại một hồ khai thác đất gần nhà. Trước đó, ngày 22-12-2017 ở xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) 3 cháu bé là Cẩm Tú (5 tuổi) và em gái Cẩm Tiên (2 tuổi) cùng bé Gia Huy (3 tuổi) cũng đã tử vong tại một cái ao sau nhà.

Theo đề án Xóa mù bơi cho học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn giai đoạn 2017-2021, trong 5 năm toàn tỉnh sẽ xây dựng 346 hồ bơi với tổng kinh phí hơn 247 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. TP.Biên Hòa và TX.Long Khánh thực hiện theo phương thức ngân sách hỗ trợ 10%, xã hội hóa 90%. Còn ở các huyện, ngân sách nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn kinh phí duy trì hoạt động của hồ bơi do nhà trường và phụ huynh thỏa thuận để thanh toán. Mục tiêu hướng tới: 73% trường tiểu học và THCS có hồ bơi với 80% học sinh ở 2 cấp học này được học bơi, góp phần đảm bảo an toàn cho trẻ qua việc phổ cập, xóa mù bơi và giáo dục các kỹ năng sống sót trong môi trường nước...

Thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội cho thấy trung bình mỗi năm Đồng Nai có khoảng 20 trẻ chết do đuối nước, nhiều nhất ở độ tuổi từ 5-14, chiếm 50% số trẻ tử vong do tai nạn thương tích. Các địa bàn xảy ra nhiều vụ trẻ chết vì đuối nước là: Xuân Lộc, Định Quán, Cẩm Mỹ, Trảng Bom… Đáng ngại là những năm gần đây, số vụ có 2-3 trẻ chết đuối cùng lúc xảy ra khá nhiều. Thực tế đau lòng này chính là hồi chuông cảnh báo các ngành chức năng về một giải pháp cấp bách nhằm hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em.

Sau những khảo sát, nghiên cứu tình trạng trẻ đuối nước trên địa bàn tỉnh, 3 năm trước UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở GD-ĐT khảo sát và lập đề án Xóa mù bơi cho học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn giai đoạn 2017-2021. Hè năm ngoái, trả lời phỏng vấn của Báo Đồng Nai, ông Đào Đức Trình, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết đề án đã trình UBND tỉnh và dự kiến sẽ triển khai trong năm học 2017-2018. Nhưng đến nay, năm học đã kết thúc mà đề án vẫn chưa được thông qua, do chưa bố trí được kinh phí, nhiều trường không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để xây hồ bơi, thiếu đội ngũ giáo viên thể dục có chuyên môn bơi lội cũng như những khó khăn khác trong việc duy tu, bảo dưỡng hồ bơi…

* Chủ động trong điều kiện có thể

Trong thời gian chờ đề án triển khai, nhiều đơn vị và các phụ huynh đã chủ động cho trẻ học bơi để vừa vận động thể chất, vừa phòng chống đuối nước. Bởi không ít ý kiến cho rằng chương trình dạy bơi cho trẻ em cần linh hoạt, không nhất thiết phải chờ trường có hồ bơi thì mới dạy trẻ học bơi.

Chị Ngô Thị Thu Trang, một phụ huynh có con học Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (TP.Biên Hòa), bộc bạch: “Nếu theo đề án thì phải chờ xây hồ bơi ở trường rồi mới dạy các em học bơi, trong khi việc này vừa tốn kém lại lãng phí khi không khai thác hết công suất, chưa kể phải có chế độ bảo trì, thay, lọc nước định kỳ… Hồ bơi ở Biên Hòa có rất nhiều, nên chăng các trường liên kết, tận dụng hệ thống hồ bơi sẵn có để tổ chức cho các em học bơi”.

Đi đầu trong việc chủ động dạy bơi miễn phí cho trẻ là huyện Định Quán - một địa bàn có tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước khá cao. Từ thực tế đau lòng này, một số giáo viên môn Thể dục của huyện đã thành lập câu lạc bộ bơi lội và dạy bơi miễn phí cho các em tại các hồ bơi tư nhân. Hè này câu lạc bộ bơi lội tiếp tục dạy bơi miễn phí cho trẻ em tại 4 điểm: xã Thanh Sơn (2 điểm), Suối Nho và Phú Túc với sự hưởng ứng của hàng trăm trẻ em trên địa bàn.

Đánh giá cao cách làm trên, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, cho biết ngoài công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước, sở đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - thông tin các huyện, thị xã và thành phố tổ chức dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Hè năm nay, sở còn tổ chức khóa đào tạo hướng dẫn viên cứu đuối cho giáo viên tại một số huyện có tỷ lệ trẻ đuối nước cao. “Bơi không chỉ là môn thể thao giúp các em phát triển thể chất mà còn là kỹ năng sinh tồn. Do vậy, việc dạy bơi rất cần thiết. Trong thời gian chờ đợi đề án được triển khai, các đơn vị liên quan nên chủ động tạo điều kiện cho trẻ được học kỹ năng phòng chống đuối nước trong điều kiện hiện có” - ông Nguyễn Xuân Thanh nói.

Phương Liễu

Tin xem nhiều