Báo Đồng Nai điện tử
En

Vã mồ hôi để hiểu ngôn ngữ tuổi teen

11:06, 01/06/2018

Tôi có con gái đang ở tuổi teen và con cũng thường xuyên sử dụng mạng xã hội để giao tiếp với bạn bè. Muốn hiểu và biết con đang quan tâm đến vấn đề gì, trò chuyện với những ai… có vài lần con quên đăng xuất messenger, tôi vào xem thì như lạc vào "đám rừng" ngôn ngữ lạ.

Tôi có con gái đang ở tuổi teen và con cũng thường xuyên sử dụng mạng xã hội để giao tiếp với bạn bè. Muốn hiểu và biết con đang quan tâm đến vấn đề gì, trò chuyện với những ai… có vài lần con quên đăng xuất messenger, tôi vào xem thì như lạc vào “đám rừng” ngôn ngữ lạ.

Chưa đề cập đến nội dung cuộc trò chuyện, chỉ riêng về việc sử dụng kiểu ngôn ngữ mà nhiều người gọi là ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ thời @... cũng đủ làm tôi hoa cả mắt, nhức cả đầu về thứ ngôn ngữ giao tiếp của bọn nhỏ.

- Hey! Hum nai teo zúi hẻo wé (Chào, hôm nay tao thúi hẻo quá).

- Cóa chjện j vại? (Có chuyện gì vậy).

- Teo tju đzời môn vzan roài. (Tao tiêu đời môn văn rồi).

- Tưởq chjện jì. No four go. (Tưởng chuyện gì. Vô tư đi).

Không viết chữ tiếng Việt một cách bình thường, dù là viết tắt như cách đây vài chục năm thế hệ chúng tôi vẫn viết tắt trên “tinh thần” lược bớt số lượng âm tiết cho nhanh nhưng vẫn trên cơ sở tiếng Việt chuẩn. Thời nay, thế hệ 9x và 10x sử dụng một thứ ngôn ngữ tự sáng tạo với đủ thứ Tây - ta lẫn lộn; cách thêm bớt, nhại chữ như “Nóa hok bit đâu mừ” (Nó không biết đâu mà); cách viết tắt đến độ khác hẳn chữ gốc “chjện j thía” (chuyện gì thế), thậm chí là dùng tiếng Anh pha tiếng lóng kiểu: “no table” (miễn bàn), “ugly tiger” (xấu hổ), “like is afternoon”  (thích thì chiều)…

Nếu chỉ dừng ở việc giao tiếp trên mạng xã hội thì tạm chấp nhận. Nhưng việc quen tay đã khiến nhiều em, trong đó có con tôi, đã đưa cả loại ngôn ngữ này vào vở khi chép bài thì lại là vấn đề cần uốn nắn. Có lần kiểm tra bài vở của con, tôi giật mình khi thấy cô giáo phê vào vở “Không được dùng chữ ngôn ngữ mạng khi viết bài. Chép phạt bài này 10 lần theo đúng chính tả tiếng Việt”, kèm theo đó là điểm 1.

Con giải thích giờ giới trẻ toàn viết cho nhau như thế, ai viết chữ tiếng Việt đầy đủ từng nét, từng chữ nữa sẽ… kém sang. Dù tôi đã yêu cầu con không được sử dụng loại ngôn ngữ này vào việc học tập, vào giao tiếp với người lớn, nhưng làm sao cấm được khi chúng vẫn cứ ngang nhiên tồn tại và ảnh hưởng không nhỏ đến giao tiếp giữa các cháu với nhau. Tiếng Việt của nước ta rất giàu đẹp, nhưng nếu cứ đà ứng xử này, nguy cơ một thế hệ tương lai sẽ đánh mất đi sự trong sáng của ngôn ngữ mẹ đẻ.

Phan Tú Uyên (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa)

Tin xem nhiều