Những ngày qua, dư luận quan tâm đến dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục của Bộ GD-ĐT đang được lấy ý kiến rộng rãi.
Những ngày qua, dư luận quan tâm đến dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục của Bộ GD-ĐT đang được lấy ý kiến rộng rãi. Đáng chú ý là dự thảo nêu những trường hợp giáo viên nếu có hành vi xúc phạm, bạo hành học sinh có thể bị phạt hành chính với số tiền khá lớn; giáo viên vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là phải xin lỗi công khai và bị đình chỉ giảng dạy từ 1-6 tháng... Những nội dung quy định này trong dự thảo khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng.
Ảnh minh họa: Học sinh trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa) giờ tan trường. Ảnh: Ngọc Liên |
Ông Nguyễn Kim Sang (ngụ xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu): “Thầy cô nghiêm khắc trong giảng dạy là còn tâm huyết với nghề”.
Trong môi trường giáo dục của Việt Nam thời nào cũng vậy, bạo lực học đường đều đáng lên án, nhưng nếu giáo viên dùng roi đánh học sinh mà bị phạt lên tới 30 triệu đồng, thậm chí phải xin lỗi công khai là rất không nên vì điều này xúc phạm đến danh dự người thầy. Theo tôi, khi xảy ra trường hợp thầy cô la mắng nặng lời, kể cả đánh đòn học sinh thì phải tìm hiểu xem vì sao em đó bị phạt như vậy. Nếu thực sự giáo viên vi phạm những quy định của nghề giáo thì chỉ nên nhắc nhở, nghiêm trọng mới xem xét kỷ luật. Tôi nghĩ rằng khi thầy cô nghiêm khắc trong răn dạy học sinh là còn tâm huyết với nghề. Vì vậy, nếu dự thảo được thông qua chắc chắn sẽ gây ức chế cho giáo viên mà phần thiệt thòi chính là học sinh. Bởi giáo viên sợ bị phạt sẽ trở nên thụ động trong quá trình đứng lớp khiến việc dạy và học không đảm bảo chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Hương (xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ): “Đừng tạo tiền lệ xấu”.
Tôi có 2 con, trong đó một cháu khá hiếu động, thậm chí hơi cứng đầu nên khi cháu đi học gia đình vẫn nhờ các thầy cô chú ý kèm cặp. Tôi rất đồng tình khi cô giáo sử dụng một số hình phạt nhằm răn đe, dạy dỗ để cháu ngoan hơn. Tôi nghĩ việc giáo viên xử phạt học sinh bằng cách đánh vài roi hoặc la mắng là chuyện thường tình trong môi trường giáo dục xưa nay. Dự thảo xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định mức phạt và yêu cầu giáo viên công khai xin lỗi gia đình và học sinh sẽ là hình ảnh không hay đối với nghề giáo. Mặt khác, nếu tạo thành tiền lệ này thì những học sinh chưa ngoan hoặc phụ huynh có tư tưởng bênh con sẽ dựa vào nghị định để bắt bẻ, làm khó nhà trường và giáo viên khiến cho những em thuộc diện cá biệt ỷ lại, càng không nghe lời thầy cô. Do đó tôi cho rằng một khi ban hành nghị định như trên sẽ gây nhiều khó khăn cho thầy cô trong quá trình giảng dạy.
Trần Thục Nhi (học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Hưng Đạo): “Thầy cô xử phạt là muốn học sinh tốt hơn”.
Gia đình của con có nhiều người là giáo viên nên con biết nghề này rất vất vả và chịu nhiều áp lực trong quá trình dạy học, nhất là khi sĩ số lớp quá đông. Hơn nữa, trong giờ lên lớp còn nhiều bạn chưa ngoan, chưa chăm chỉ nên đôi lúc thầy cô do không kiềm được nóng nảy nên có những lời nói, hành vi nhất thời như la mắng hay phạt những bạn lười học hay không chịu chép bài, mục đích cũng chỉ muốn học sinh của mình tốt hơn. Con nghĩ sự dạy bảo đó cũng là chuyện bình thường chứ đâu đến mức phải có biện pháp mạnh để xử phạt thầy cô như vậy. Nếu phạt nặng, thầy cô sẽ ngại và có thể không còn tích cực dạy dỗ những bạn chưa ngoan, thiếu chăm chỉ rèn luyện học hành.
Ông Trần Phước Nha (ngụ ấp Đồng Nai, xã Hóa An, TP.Biên Hòa): “Bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên về kỹ năng nắm bắt tâm lý học sinh”.
Xưa nay giáo dục Việt Nam luôn theo truyền thống tôn sư trọng đạo, giáo viên là người được tôn trọng, kính nể. Mặc dù đôi lúc có những thầy cô hành xử chưa đúng chuẩn mực của nhà giáo, nhưng nhìn chung chúng ta vẫn phải hướng đến một nền giáo dục mà trong đó người thầy cần được tôn kính. Việc đề ra những quy định xử phạt giáo viên khi có hành vi xúc phạm nhân phẩm danh dự người học và phải xin lỗi công khai theo tôi là không phù hợp. Tôi nghĩ rằng giáo dục là môi trường đào tạo con người hoàn thiện tri thức và nhân cách, vì thế thay vì đưa ra những quy định như trong dự thảo thì ngành giáo dục nên siết lại việc đào tạo, tuyển chọn và thường xuyên bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên cả về kỹ năng nắm bắt tâm lý học sinh để có những ứng xử chuẩn mực.
Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Định (huyện Định Quán) Nguyễn Xuân Hà: “Đừng để giáo viên thụ động trong giảng dạy”.
Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giáo dục những ngày qua được dư luận rất quan tâm. Bản thân tôi cho rằng dự thảo còn nhiều vấn đề cần xem xét lại như: hành vi như thế nào để xác định cụ thể giáo viên xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học; trường hợp nào giáo viên phải xin lỗi... Nói cách khác, cần định lượng rõ hành vi của giáo viên ở mức nào là xúc phạm học sinh để không dẫn đến việc thầy cô bị phạt oan; tránh nguy cơ học sinh coi thường giáo viên và ngược lại giáo viên vì những quy định ràng buộc nên không thể đưa ra những hình thức phạt dù học sinh đó hư. Ngày xưa học sinh phạm lỗi bị nhà trường mời phụ huynh lên là rất sợ, nhưng bây giờ nhiều em tỏ thái độ bình thường. Thậm chí không ít phụ huynh còn bênh con dù biết con mình sai phạm. Tôi cho rằng phần lớn giáo viên khi xử phạt học sinh bằng cách đánh roi hoặc quỳ gối đều nhằm mục đích giáo dục để các em nên người là chính.
Phương Liễu - Ngọc Liên
Phó giám đốc Sở GD - ĐT Võ Ngọc Thạch: Giáo viên xử phạt học sinh nhằm uốn nắn các em nên người
Thưa ông, là nhà giáo ông nghĩ gì về dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đang được Bộ GD–ĐT lấy ý kiến trong nhân dân?
- Tôi nghĩ rằng việc ứng xử, giao tiếp giữa giáo viên và học sinh thuộc phạm trù đạo đức, cảm xúc thì nên được điều chỉnh bằng Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về đạo đức nhà giáo và Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Nếu giáo viên có lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực thì xem xét kỷ luật theo từng mức độ cụ thể hơn là xử phạt bằng tiền. Trường hợp giáo viên có hành vi gây thương tích (trên 11%), làm tổn hại đến sức khỏe, tinh thần người học thì đã được xác định trong Bộ Luật hình sự. Bộ GD-ĐT không cần phải quy định thêm nữa vì sẽ gây chồng chéo.
Ông có nghĩ rằng một khi bị “dọa” phạt tiền, đình chỉ giảng dạy... sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của đội ngũ giáo viên?
- Hầu hết giáo viên không muốn dùng hình phạt với bất kỳ học sinh nào, nếu có chỉ là một bộ phận nhỏ. Song thực tế có những học sinh cá biệt nên thầy cô áp dụng xử phạt chỉ nhằm mục đích uốn nắn các em nên người, do đó tôi cho rằng cần nhìn nhận nội dung này dưới góc độ tích cực. Không thể cứ hễ giáo viên la mắng hay dùng thước kẽ đánh vào tay, mông học sinh thì bị xem xét kỷ luật phạt tiền, đình chỉ giảng dạy. Điều đó gây áp lực tâm lý rất lớn cho thầy cô, khiến họ giảm nhiệt tình giảng dạy.
Nếu dự thảo được thông qua, ông nghĩ việc xử phạt giáo viên vi phạm quy định có dễ thực thi?
- Chắc chắn sẽ khó khả thi, bởi dự thảo không nêu rõ hành vi xúc phạm, xâm phạm thân thể người học là gì. Trong khi để xác định được hành vi ấy phải có đủ các yếu tố cấu thành “tội” xâm phạm thân thể thì cần công an vào cuộc. Điều này một khi xảy ra sẽ gây rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến tinh thần của cả giáo viên lẫn học sinh, trong khi việc dạy và học hiện nay vốn đã rất áp lực. Còn nếu đình chỉ việc giảng dạy của giáo viên vi phạm sẽ gây khó trong việc tổ chức, bố trí người dạy thay đồng thời làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của nhà trường.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liễu (thực hiện)