Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy cơ nhiễm chéo trong bệnh viện

10:10, 13/10/2018

Dịch bệnh sởi, tay chân miệng và các bệnh hô hấp đối với trẻ em đang gia tăng tại một số địa phương, trong đó có Đồng Nai. Nhiều người lo lắng khi số bệnh nhi nhập viện quá đông thì rất dễ xảy ra tình trạng trẻ bị lây chéo bệnh.

Dịch bệnh sởi, tay chân miệng và các bệnh hô hấp đối với trẻ em đang gia tăng tại một số địa phương, trong đó có Đồng Nai. Nhiều người lo lắng khi số bệnh nhi nhập viện quá đông thì rất dễ xảy ra tình trạng trẻ bị lây chéo bệnh.

Phòng đông bệnh nhi là môi trường dễ nhiễm chéo.
Phòng đông bệnh nhi là môi trường dễ nhiễm chéo.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, khi thấy trẻ có biểu hiện nhiễm bệnh thì cha mẹ đừng vội đưa con đến bệnh viện tuyến trên mà hãy đến các cơ sở y tế tại địa phương để được hướng dẫn chăm sóc và điều trị tại chỗ.

* Bệnh nhi tập trung đông, bệnh dễ lây chéo

Tại Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, chị Nguyễn Ngọc Hoa  (ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho biết con chị vừa được xuất viện sau gần 1 tuần điều trị bệnh tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, sau 3 ngày chị lại phải đưa cháu trở lại bệnh viện vì thấy cơ thể bé xuất hiện những triệu chứng của bệnh sởi. “Biết bệnh sởi rất dễ lây nên khi vào bệnh viện tôi chăm sóc con rất kỹ, không bế cháu đến gần khu vực điều trị trẻ bệnh sởi. Nhưng do sức đề kháng kém nên cháu đã nhiễm bệnh sởi từ bệnh nhi khác” - chị Hoa nói.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai, tính đến ngày 8-10-2018, toàn tỉnh đã có 8.365 ca bệnh tay chân miệng, tăng 805 ca so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 1 ca tử vong. Đặc biệt cao nhất vào tháng 9 với hơn 800 ca điều trị nội trú và gần 2 ngàn ca điều trị ngoại trú. Riêng bệnh sởi, cùng thời điểm đã thống kê được 190 ca mắc, trong đó tháng 7 có 10 ca, tháng 8 là 19 ca và từ ngày 1-9 đến 8-10 là 161 ca. Phần lớn các ca mắc sởi là trẻ chưa được tiêm chủng và chưa tới tuổi tiêm chủng ngừa sởi.

Con chị Hoa không phải là trường hợp cá biệt bị nhiễm bệnh chéo trong quá trình điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Chị Trần Như Ý (xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) cũng rất lo lắng khi con chị đang nằm trị bệnh viêm phế quản thì lại nhiễm thêm bệnh tay chân miệng chỉ sau 3 ngày nhập viện.

Thống kê từ Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho thấy, 5 loại bệnh có số trẻ mắc nhiều là: sởi, tay chân miệng, viêm phế quản, tiêu chảy và sốt siêu vi. Những bệnh này khi trẻ mới bị nhiễm có thể theo dõi, điều trị tại các bệnh viện tuyến dưới. Thế nhưng, vì lo lắng cho con nên phụ huynh xin chuyển hoặc tự vượt tuyến lên bệnh viện tỉnh. Từ số lượng trẻ nhập viện đông tạo áp lực quá tải làm gia tăng nguy cơ nhiễm chéo giữa các bệnh nhi với nhau.

Trao đổi về tình hình bệnh nhiễm ở trẻ em gia tăng, bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết điều đặc biệt lưu ý là bệnh tay chân miệng và sởi đang diễn biến phức tạp. Trong khi đó sởi là bệnh rất dễ lây, ngay cả khi trẻ mới ở giai đoạn sốt, ho hoặc chưa phát ban. Để ngăn chặn lây lan, khoa đã bố trí khu vực điều trị cách ly bệnh sởi nhưng nguy cơ nhiễm chéo bệnh là khó tránh do nhiều bà mẹ đưa con ra khỏi khu vực này để đến khu vui chơi chung với những trẻ khác.

* Chủ động phòng ngừa

Theo nhận định của ngành y tế, năm nay là chu kỳ của bệnh sởi quay trở lại. Chính vì vậy, số trẻ mắc sởi không chỉ nhiều mà còn diễn biến phức tạp hơn những năm trước. Đã có nhiều trường hợp trẻ nhập viện buổi sáng còn bình thường, nhưng chiều tối đã chuyển bệnh nhanh dẫn đến viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp... phải hồi sức tích cực.

Nói về nguy cơ từ dịch bệnh sởi với nhiều khả năng lây nhiễm cao, nhất là việc phòng nhiễm chéo giữa các bệnh nhi trong bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho hay ngay khi tiếp nhận bệnh nhân đến đăng ký khám, nhân viên y tế đã sàng lọc bệnh tại chỗ. Đối với trẻ có biểu hiện của bệnh sởi sẽ được hướng dẫn vào phòng khám riêng. Sau khi xác định bị bệnh sởi, trẻ phải đeo khẩu trang và đi đường riêng xuống thẳng khu vực cách ly ở Khoa Bệnh nhiệt đới. Các phòng trong khu vực này đều được bố trí khép kín, có nhà vệ sinh riêng để bệnh nhân không đi sang khu vực khác. Tuy nhiên, vì bệnh viện gần đây quá tải nên nguy cơ lây bệnh khá cao.

Theo bác sĩ Đa Hà, một trong những nguồn nhiễm chéo khác chính là từ phụ huynh. Một trẻ bệnh thường có từ 1-2 người lớn đi theo chăm sóc, dẫn đến gia tăng số người túc trực tại bệnh viện khiến cho các khoa, phòng thêm chật chội, đông đúc. Nhiều trường hợp trẻ bị nhiễm chéo bệnh do người lớn thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh khi chăm sóc trẻ; nhiều người không tuân thủ các quy định của bệnh viện.

Hiện nay, tại các buồng bệnh ở Khoa Bệnh nhiệt đới do quá đông người nên không thể khử độc, mà chỉ dọn dẹp vệ sinh thông thường hằng ngày. Vì thế, người chăm sóc bệnh nhi phải chủ động bảo vệ con để không lây nhiễm chéo các bệnh khác trong bệnh viện bằng cách: không đưa trẻ sang những khu bệnh khác; thường xuyên vệ sinh thân thể cho trẻ và cả người chăm trẻ; nhất thiết phải rửa tay bằng xà phòng khi tiếp xúc người bệnh; đeo khẩu trang y tế và không cho trẻ đến khu vực vui chơi chung với những trẻ khác.

Phương Liễu

Tin xem nhiều