Thời gian gần đây, nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa xuống cấp nặng nề khiến việc đi lại của người dân trở nên khó khăn…
Thời gian gần đây, nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa xuống cấp nặng nề khiến việc đi lại của người dân trở nên khó khăn…
Đường vào khu dân cư Đinh Thuận (phường Tân Hiệp) nhiều đoạn bị hư hỏng nặng nề. |
Những năm qua, trong khi nhiều tuyến đường dẫn vào các khu dân cư rồi nối với đường Nguyễn Thị Tồn (gần cổng sau Công ty TNHH Pouchen Việt Nam) đều đã được bê tông hóa thì đường vào ấp 3, phường Bửu Hòa, vẫn là đường đất. Con đường này hằng ngày có khá đông người qua lại, nhất là giờ cao điểm khi công nhân ở Công ty TNHH Pouchen Việt Nam tan ca. Nhiều năm không được duy tu, sửa chữa nên đường ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Để việc đi lại an toàn hơn, một số hộ dân đã tự “nâng cấp” đường bằng cách đập xà bần rồi trộn với xi măng để trám vào những ổ gà, ổ voi. “Đường hư hỏng nặng nên chạy xe máy mà cứ như xóc ốc. Từ hôm có thai đến nay, tôi không dám đi xe nữa mà phải cuốc bộ đến công ty vì những ngày mưa mặt đường vừa trơn và sình lầy; nhiều chỗ còn gập ghềnh nên rất dễ té” - chị Nguyễn Thị Nga, công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam bộc bạch.
Tương tự, đường Đỗ Văn Thi (thuộc ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa) dù đã được nhựa hóa nhưng do lượng xe lớn qua lại hằng ngày nên không ít chỗ mặt đường bị bong tróc trơ ra lớp đá xanh lổn nhổn khiến việc đi lại của người dân trở nên khó khăn. Qua thời gian, ổ gà xuất hiện ngày càng nhiều và rộng thêm gây ra tình trạng nước đọng, mỗi lần xe ô tô đi qua nước bẩn văng tung tóe. Người dân ngụ 2 bên đường Đỗ Văn Thi cho biết có những hôm mưa lớn, nước ngập đường làm người điều khiển xe 2 bánh không biết chỗ nào có ổ gà để tránh nên chuyện “lọt hố” xảy ra thường xuyên.
Đường Đỗ Văn Thi (ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa) hiện xuống cấp, mặt đường hư hỏng nặng. Ảnh: Phải ; Đường vào tổ 7C (phường Tân Hiệp) gập ghềnh khó đi. Ảnh:Trái |
Đáng nói hơn, đường dẫn vào khu dân cư Đinh Thuận (phường Tân Hiệp) đang trở thành những cái “bẫy” nguy hiểm rình rập người đi đường. Tuyến đường này có độ dốc cao trong khi mặt đường nhiều chỗ hư hỏng nặng, nên để tránh “ổ gà, ổ voi” chi chít người đi xe máy phải cho xe leo lên vỉa hè. Hơn nữa, mỗi khi mưa lớn, nước từ khu vực cao đổ xuống rất mạnh, chảy xiết như lũ. Vì thế, khi trời mưa to tình trạng người đi đường điều khiển xe bị lạc tay lái rồi… “nằm đường” không ít. Con đường này tuy nhỏ nhưng dẫn ra xa lộ, ra đường Đồng Khởi, vào Trường đại học Đồng Nai và Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh nên hằng ngày có rất đông phương tiện qua lại, đặc biệt vào giờ cao điểm xe của học sinh, công nhân nối nhau chật cứng. “Cử tri ở địa phương đã nhiều lần kiến nghị UBND phường đề xuất thành phố nâng cấp tuyến đường này nhưng mãi vẫn không thấy động tĩnh gì. Sốt ruột vì người đi đường hay bị tai nạn, những hộ dân ở quanh khu vực tự góp tiền sửa chữa mặt đường bằng xi măng nhưng chỉ được ít tháng lại hư hỏng vì lượng xe lưu thông nhiều. Chúng tôi rất mong Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp” - ông Võ Văn Đông, người dân ngụ ở gần đường này kiến nghị.
Ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho biết toàn thành phố hiện còn hơn 100 ngàn m đường đất, đường hư hỏng cần được sửa chữa, bê tông hoặc nhựa hóa. Tổng vốn đầu tư để hoàn thiện những con đường này hơn 200 tỷ đồng. Theo ông Đồng, một trong những cách khắc phục đường hư hỏng nhanh nhất là làm đường theo phương thức xã hội hóa giao thông, tức Nhà nước và nhân dân cùng góp vốn. Bởi hiện nay nguồn kinh phí cho xây dựng cơ bản ở TP. Biên Hòa rất eo hẹp, không thể cùng lúc tập trung cho hạ tầng giao thông. |
Phương Uyên