Báo Đồng Nai ngày 1-11-2018 đăng bài Nhức nhối tín dụng "đen", phản ánh tình trạng cho vay lãi suất cao. Sau khi báo phát hành, nhiều bạn đọc đã điện thoại, gửi đơn thư đến Báo Đồng Nai lên án hoạt động này…
Báo Đồng Nai ngày 1-11-2018 đăng bài Nhức nhối tín dụng “đen”, phản ánh tình trạng cho vay với lãi suất cao đang diễn ra ở một số địa phương trong tỉnh. Sau khi báo phát hành, nhiều bạn đọc đã gọi điện thoại, gửi đơn thư đến Báo Đồng Nai lên án hoạt động này…
Tình trạng tín dụng “đen” cho vay nhanh, gọn, không cần thế chấp tài sản đã khiến nhiều người không ngần ngại đi vay “nóng”.(ảnh minh họa) |
Bà Lê Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh: Tăng cường kết nối với các nguồn vay chính thống để hỗ trợ hội viên
Tín dụng “đen” là một thực trạng nhức nhối trong xã hội. Thời gian qua, đã có không ít gia đình phải trắng tay; nhiều trường hợp tan cửa nát nhà cũng vì lỡ vay “nóng”. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để chặn đứng vấn nạn này.
Lâu nay, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh cũng đã tuyên truyền, nhắc nhở chị em không nên tiếp cận nguồn vốn vay không chính thống bởi có nhiều phức tạp, rủi ro. Gần đây tổ chức Hội đã kết nối được một số nguồn vốn vay ưu đãi chính thống với lãi suất thấp hoặc không lãi nhằm giúp chị em có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, lo cho con học hành. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ còn hạn chế vì số tiền được vay ít, chỉ từ 3-5 triệu đồng, số lượng người được vay cũng không nhiều. Trong khi đó, để được tiếp cận được vốn vay phải chọn lựa từ cấp Hội cơ sở nên nhiều trường hợp cần khoản vay lớn hơn đành phải… “nhắm mắt” đến với tín dụng “đen”.
Thời gian tới, Hội sẽ cố gắng tiếp tục tìm kiếm và kết nối với các nguồn vay ưu đãi để hỗ trợ hội viên nhằm giảm các tác động của tín dụng “đen”, góp phần tạo điều kiện để chị em phụ nữ có cuộc sống ổn định, hạnh phúc.
Luật sư Vũ Ngọc Hà (Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Đồng Nai): Nạn nhân thường không đủ cơ sở để kiện người cho vay nặng lãi
Việc cho vay với lãi suất cao phần lớn không phù hợp với quy định của pháp luật.
Những đối tượng cho vay nặng lãi rất tinh vi nên người vay thường không có chứng cứ để tố cáo. Giấy tờ vay tiền chủ yếu chỉ viết khoản vay nợ, không ghi lãi suất. Chính vì vậy, nhiều trường hợp người vay không thể đóng lãi đủ thì tiền lãi đó sẽ trở thành tiền gốc và được thể hiện qua giấy nhận nợ mới. Do đó, không ít người vay tiền chỉ qua thời gian ngắn thì số nợ tăng cao ngất ngưởng nên không có khả năng chi trả.
Trong những đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đội ngũ công nhân, chúng tôi luôn khuyến cáo người lao động cân đối các khoản chi tiêu và quản lý tài chính trong gia đình. Khi khó khăn nên tìm đến những địa chỉ đáng tin cậy hỗ trợ cho vay như: ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô CEP… Đây là những kênh vay vốn hợp pháp với lãi suất theo quy định. Thế nhưng người lao động vẫn còn ngại, không tiếp xúc với ngân hàng, tổ chức tài chính mà đi vay mượn bên ngoài với lãi suất rất cao.
Ông Phạm Quốc Vinh (công nhân Công ty TNHH New Việt Nam, Khu công nghiệp Amata): Công đoàn nên có quỹ hỗ trợ công nhân trong trường hợp khó khăn đột xuất
Đời sống công nhân, đặc biệt là công nhân xa gia đình đang sống ở nhà trọ hiện còn khó khăn. Khi bản thân hoặc gia đình có chuyện đột xuất, nhiều công nhân gặp không ít khó khăn trong việc xoay xở tiền để trang trải, trong khi tại nhiều khu nhà trọ, dịch vụ cho vay “nóng” gần đây rộ lên khá mạnh. Lúc buộc phải cần tiền chi tiêu nhiều người đã không ngần ngại vay tín dụng “đen”.
Sau thời gian, lãi mẹ đẻ lãi con, không ít trường hợp lâm vào bế tắc nhưng vẫn tiếp tục phải trả nợ. Tôi nghĩ tổ chức Công đoàn nên có quỹ hỗ trợ công nhân trong trường hợp đột xuất, để người lao động không phải tìm đến dịch vụ vay nặng lãi.
Bà Nguyễn Thị Bích Huyền (xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom): Không dễ tiếp cận nguồn vay chính thống nên người dân mới phải vay “nóng”
Cần tiền để buôn bán, kinh doanh hay trang trải những khó khăn trong cuộc sống mà không thể tiếp cận được nguồn vốn vay chính thống nên người lao động nghèo phải tìm đến dịch vụ tín dụng “đen”. Lâu nay, những kẻ cho vay nặng lãi biết tâm lý của người vay sẵn sàng ghi giấy tay vay nợ, kể cả việc gán tài sản để có được nguồn vốn làm ăn nên hoạt động này giờ bùng phát nhanh. Người dân nghèo biết vay tiền tín dụng “đen” phải chịu lãi suất rất cao. Nếu trả chậm hoặc không trả được sẽ bị siết nợ bằng nhiều cách, kể cả đe dọa đến tính mạng người vay có khi còn liên lụy đến cả gia đình.
Tôi mong Nhà nước tạo điều kiện thuận tiện hơn cho người lao động dễ được tiếp cận nguồn vốn vay với thủ tục đơn giản. Khi giải quyết được nhu cầu này, chắc chắn tín dụng “đen” hay dịch vụ vay “nóng” với lãi suất ngất trời sẽ không thể tồn tại.
Ông Nguyễn Văn Bảo (khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành): Ngán ngẩm khi thấy cảnh con nợ bị hành hung
Tôi đã từng chứng kiến cảnh một thanh niên chuyên cho vay nặng lãi đòi nợ người phụ nữ lớn tuổi ngay giữa đường với giọng điệu hung hăng, hăm dọa đủ thứ. Người vay nợ lúc đó chỉ biết cúi đầu cam chịu, năn nỉ, thậm chí van xin. Thấy cảnh đau lòng như thế nhưng người dân xung quanh không ai dám can ngăn vì sợ bị vạ lây. Tôi thấy tình trạng cho vay nặng lãi đang rộ lên ở nhiều địa phương, khắp các ngả đường đâu đâu cũng dán tờ bướm, rải tờ rơi cho vay nhanh gọn, thủ tục đơn giản, không cần thế chấp… nên người nghèo dễ mắc bẫy. Tôi nghĩ cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra và sớm dẹp nạn cho vay kiểu tín dụng “đen” đang công khai quảng cáo khắp nơi, nếu không thì cảnh tượng trốn nợ, đòi nợ dẫn đến hành hung gây thương tích; thậm chí tự tử vì nợ nần sẽ trở thành vấn nạn làm mất an ninh trật tự xã hội.
Bà Phan Thị Thanh Dâng (xã Phú Xuân, huyện Tân Phú): Tín dụng “đen” nhìn đâu cũng thấy
Gia đình tôi có người thân là nạn nhân của việc cho vay nặng lãi. Do lúc vay, người nhà tôi không nói cho gia đình biết, đến khi số nợ tăng lên quá lớn không còn khả năng chi trả, chỉ còn cách phải bán nhà để trả nợ. Tôi còn từng chứng kiến hàng xóm gần nhà bị chủ nợ kéo theo cả đoàn người đến tận nơi ở đòi nợ rất hung hăng. Vay nặng lãi nguy hiểm là vậy nhưng thời gian gần đây, tình trạng phát tờ rơi, dán tờ bướm cho vay tiền khá rầm rộ không chỉ ở thành phố mà còn ở cả nông thôn. Trước thực trạng rất đáng lo ngại của hình thức tín dụng “đen”, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, từng bước đẩy lùi hoạt động này khỏi đời sống xã hội.
Ngọc Liên - Phương Liễu