Báo Đồng Nai điện tử
En

Lạm dụng tiếng nước ngoài trên biển hiệu kinh doanh

10:11, 16/11/2018

Luật Quảng cáo năm 2012 quy định: biển hiệu của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phải thể hiện nội dung bằng tiếng Việt, trường hợp sử dụng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì khổ chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ sở kinh doanh ở TP.Biên Hòa sử dụng biển hiệu chỉ ghi bằng chữ tiếng nước ngoài…

Luật Quảng cáo năm 2012 quy định: biển hiệu của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phải thể hiện nội dung bằng tiếng Việt, trường hợp sử dụng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì khổ chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ sở kinh doanh ở TP.Biên Hòa sử dụng biển hiệu chỉ ghi bằng chữ tiếng nước ngoài…

Khi đi qua các quán trà sữa sử dụng tiếng nước ngoài trên đường Phan Trung, TP.Biên Hòa, nhiều người cho biết có cảm giác như đang ở… nước ngoài
Khi đi qua các quán trà sữa sử dụng tiếng nước ngoài trên đường Phan Trung, TP.Biên Hòa, nhiều người cho biết có cảm giác như đang ở… nước ngoài

Những biển hiệu ghi tiếng Anh, Hàn, Nhật với kích thước to xuất hiện khá phổ biến trên một số tuyến đường như: Phạm Văn Thuận, Nguyễn Ái Quốc, Võ Thị Sáu…

* “Chuộng” tiếng nước ngoài

Chỉ tính riêng đường Võ Thị Sáu nối dài đã có hơn 30 điểm kinh doanh chỉ ghi chữ tiếng Anh trên biển hiệu như: Sunway, Topsale, Angel tea… Tương tự, đường Phạm Văn Thuận, Nguyễn Ái Quốc có số lượng biển hiệu sử dụng tiếng nước ngoài cũng khá nhiều, tập trung chủ yếu ở các cửa tiệm kinh doanh thời trang, nội thất và quán giải khát. Một số bảng có in kèm tiếng Việt nhưng kích thước rất nhỏ so với tiếng nước ngoài.

Theo Điều 18 Luật Quảng cáo thì trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt...

Khu vực tập trung nhiều biển hiệu tiếng nước ngoài phải kể đến đường Phan Trung, nơi được xem là “phố trà sữa”. Ở đây các quán giải khát đều sử dụng biển hiệu bằng tiếng Anh, Nhật. Hầu hết các chủ cơ sở kinh doanh sử dụng biển hiệu viết chữ tiếng nước ngoài cho biết đơn giản chỉ muốn đặt tên quán bằng tiếng Anh, Nhật để thu hút giới trẻ theo sở thích hướng ngoại của khách hàng. “Mấy năm nay cửa tiệm của tôi và các hộ kinh doanh gần kề đều sử dụng biển hiệu chữ nước ngoài nhưng đâu có ai nhắc nhở nên không biết như vậy là vi phạm. Nếu được thông tin chi tiết về quy định viết chữ trên bảng hiệu thì tôi sẽ thực hiện ngay” - một chủ tiệm kinh doanh giải khát trên “phố trà sữa” bộc bạch.

Thực tế, nhiều chủ cơ sở kinh doanh chưa am hiểu quy định pháp luật về quảng cáo nên tự làm bảng hiệu theo ý thích cá nhân. Ngoài ra, còn có tình trạng một số điểm không đăng ký, chưa được cấp phép nhưng vẫn mở cửa hàng kinh doanh, đặt biển hiệu ghi tiếng Anh cho… bắt mắt.

* Khắc phục vi phạm

Một trong những lý do khiến biển hiệu tiếng nước ngoài xuất hiện tràn lan là công tác thông tin tuyên truyền về vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức;  các ngành chức năng không quản lý chặt chẽ từ gốc trước khi biển hiệu được dựng lên.

Điểm kinh doanh trên đường Phạm Văn Thuận, TP.Biên Hòa sử dụng biển hiệu chữ nước ngoài và không ghi địa chỉ kinh doanh theo quy định
Điểm kinh doanh trên đường Phạm Văn Thuận, TP.Biên Hòa sử dụng biển hiệu chữ nước ngoài và không ghi địa chỉ kinh doanh theo quy định

Nói về vấn đề này, ông Trần Trọng Tá, Trưởng phòng Quản lý văn hóa Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho biết theo quy định thì việc gắn, viết, vẽ biển hiệu không cần đăng ký với cơ quan chức năng mà chỉ chịu sự quản lý nhà nước qua công tác hậu kiểm. Do đó, chỉ khi nào ngành chức năng tiến hành kiểm tra mới phát hiện vi phạm, đề nghị khắc phục.

Mức xử phạt từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi: ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu; không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu; thể hiện tên riêng, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ nước ngoài ở phía trên chữ tiếng Việt trên biển hiệu; thể hiện tên gọi, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ nước ngoài có khổ chữ quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt trên biển hiệu (theo Khoản 2, Điều 66 Nghị định 158/2013/NĐ-CP).

Còn theo Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa Nguyễn Văn Bông, sở dĩ có tình trạng bảng hiệu ghi tiếng nước ngoài là do các phường, xã chưa quyết liệt trong phát hiện, xử lý vi phạm trên địa bàn. Bên cạnh đó còn có sự chồng chéo giữa cấp phép kinh doanh và xử lý vi phạm. “Không ít trường hợp khi đăng ký kinh doanh viết tên nước ngoài trong hồ sơ vẫn được cơ quan chức năng cấp phép nên họ mới trương tên cơ sở bằng tiếng nước ngoài lên biển hiệu, dẫn tới việc khó xử lý” - ông Bông dẫn chứng. 

Theo ông Bông, để khắc phục tình trạng trên, Phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa đã phối hợp với Phòng Tài chính TP.Biên Hòa, Sở Kế hoạch và đầu tư in văn bản hướng dẫn quy định về nội dung sử dụng biển hiệu theo Luật Quảng cáo năm 2012, phát kèm theo giấy phép kinh doanh cho các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp.

Ngoài ra, các phường, xã đang thực hiện kế hoạch của thành phố về chấn chỉnh hoạt động thông tin, quảng cáo trên địa bàn. Hiện các địa phương đang tiến hành tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, lập danh sách yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh sử dụng biển hiệu tiếng nước ngoài cam kết khắc phục trong thời gian sớm nhất, nếu không thực hiện sẽ bị xử lý theo quy định.

                                   Kim Liễu

Tin xem nhiều