Theo Quyết định 1396/QĐ-BVHTTDL ngày 18-4-2018 của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch (VHTTDL) về việc phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước thuộc Bộ VHTTDL, thì các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke sẽ được chọn lựa địa điểm kinh doanh phù hợp…
Theo Quyết định 1396/QĐ-BVHTTDL ngày 18-4-2018 của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch (VHTTDL) về việc phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước thuộc Bộ VHTTDL, thì các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke sẽ được chọn lựa địa điểm kinh doanh phù hợp…
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề trên, ông Trần Trọng Tá, Trưởng phòng Quản lý văn hóa - Sở VHTTDL cho biết việc đơn giản một số điều kiện về dịch vụ karaoke sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho người kinh doanh; từng bước chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Thưa ông, việc cắt giảm một số quy định trước đây về dịch vụ karaoke sẽ đem đến những thuận lợi và khó khăn gì cho công tác quản lý đối với một dịch vụ vốn được xem là khá phức tạp?
- Trước đây, các cơ sở có nhu cầu kinh doanh karaoke bị khống chế bởi số điểm dịch vụ trên một khu phố, phường... Vì thế, người kinh doanh có nhu cầu và khả năng đầu tư phòng ốc bề thế, đảm bảo chất lượng lại không được cấp phép. Ngày 18-4-2018, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 1396/QĐ-BVHTTDL, trong phụ lục kèm theo quyết định này đã cắt giảm 4/6 điều kiện kinh doanh karaoke. Chẳng hạn trước đây quy định: cửa phòng karaoke phải là cửa kính không màu, bên ngoài nhìn thấy toàn bộ phía trong; địa điểm hoạt động karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, di tích lịch sử - văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên; địa điểm kinh doanh karaoke trong khu dân cư phải được sự đồng ý của các hộ liền kề; phù hợp với quy hoạch về karaoke được cơ quan có thẩm quyền
phê duyệt… thì nay bãi bỏ.
Toàn tỉnh hiện có trên 1 ngàn cơ sở kinh doanh karaoke, tập trung nhiều tại TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh, huyện Trảng Bom và huyện Long Thành... Riêng TP.Biên Hòa có hơn 380 cơ sở, phần lớn là hộ kinh doanh cá thể. |
Việc bỏ một số quy định nhằm tạo thuận lợi cho người dân tham gia kinh doanh dịch vụ văn hóa, góp phần làm sôi động thêm nhu cầu giải trí; tăng sự cạnh tranh giữa các điểm dịch vụ và người sử dụng được hưởng lợi về giá cả, chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, việc này cũng sẽ đem lại cho cơ quan quản lý những khó khăn, nhất là trong điều kiện đang tinh giản bộ máy nhân sự hiện nay.
Nhiều người băn khoăn, việc cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh karaoke sẽ dẫn đến chỗ một khu vực quá nhiều điểm karaoke có thể gây mất an ninh trật tự, tạo tiếng ồn, gia tăng nguy cơ cháy nổ cũng như những vấn đề phức tạp khác... Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Việc tập trung quá nhiều điểm dịch vụ karaoke trên một đoạn đường, khu phố hoặc khu vực cũng đem lại những phức tạp riêng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tăng cường quản lý, siết chặt thủ tục cấp phép kinh doanh. Theo đó, tất cả doanh nghiệp và hộ cá thể bắt buộc phải đảm bảo các điều kiện mà Nhà nước quy định như: phòng cháy, chữa cháy, cách âm, diện tích phòng hát, an ninh trật tự... nhằm hạn chế tối đa các sai phạm trong quá trình hoạt động. Mặt khác, ngành cũng sẽ đẩy mạnh công tác hậu kiểm. Qua đó, Đội Thanh tra chuyên ngành văn hóa và Đội Kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực văn hóa, thông tin và tệ nạn xã hội (gọi tắt là Đội Kiểm tra liên ngành 814) sẽ làm “gắt” hơn đối với các cơ sở không chấp hành đúng quy định về kinh doanh karaoke. Thời gian gần đây, hằng tuần Đội Kiểm tra liên ngành 814 ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đều tiến hành kiểm tra các hoạt động kinh doanh văn hóa, đặc biệt là các cơ sở karaoke.
Đối với vấn đề nhân viên phục vụ trong quán karaoke phần lớn là nữ, thực tế có diễn ra tại nhiều điểm kinh doanh loại hình này. Phương thức hoạt động của các đối tượng chủ yếu là ngồi chung nhậu nhẹt, ca hát với khách. Khi bị phát hiện, khách đến hát thường nhận là bạn đi cùng nên khó xử lý. Vì thế, cơ quan chức năng cũng như chủ kinh doanh rất bị động trong việc ngăn chặn tình trạng khách dùng phòng karaoke làm nơi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Từ chỗ đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa, khi người dân muốn xin cấp phép mở dịch vụ karaoke cần chuẩn bị những gì, thưa ông?
- Karaoke là một loại hình kinh doanh có điều kiện. Trước đây, người dân xin mở dịch vụ karaoke thì đến phòng kế hoạch - tài chính cấp huyện (nếu là hộ kinh doanh cá thể) hoặc đến Sở Kế hoạch - đầu tư (nếu là doanh nghiệp) để thực hiện thủ tục pháp lý.
Công an TP.Biên Hòa kiểm tra, phát hiện khách sử dụng ma túy tại một quán karaoke ở phường Bửu Long (ảnh minh họa). Ảnh: Trần Danh |
Những nơi này sẽ căn cứ trên quy hoạch karaoke của tỉnh để cấp mã số kinh doanh, sau đó nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa cấp huyện hoặc Trung tâm hành chính công của tỉnh để phòng văn hóa - thông tin cấp huyện hoặc Sở VHTTDL xem xét giải quyết, nếu đủ điều kiện sẽ được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh. Trên cơ sở đã có giấy phép, ngành công an sẽ thẩm định và cấp giấy chứng nhận bảo đảm an ninh trật tự cùng giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.
Nay bỏ những nội dung này, người dân chỉ cần cầm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đến bộ phận một cửa cấp huyện hoặc Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai nộp đơn xin đăng ký kinh doanh karaoke kèm theo chứng minh nhân dân và vị trí dự kiến kinh doanh. Sau khi có kết quả thẩm định đủ điều kiện của các ngành liên quan, cơ sở xin phép kinh doanh karaoke sẽ được cấp giấy phép hoạt động.
Xin cảm ơn ông!
Theo ông Trần Trọng Tá, Trưởng phòng Quản lý văn hóa Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, từ ngày 1-1-2019 Luật Quy hoạch đô thị sửa đổi sẽ có hiệu lực, trong đó có nội dung bãi bỏ quy định về quy hoạch dịch vụ karaoke. Từ thời điểm đó trở đi, Sở VHTTDL sẽ tiến hành khảo sát, thống kê, đánh giá nhu cầu và chất lượng các điểm kinh doanh, nếu cơ sở nào không bảo đảm đủ điều kiện, nhất là về nguy cơ cháy nổ cao hoặc cố tình vi phạm các quy định thì ngành sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động. |
Phương Liễu (thực hiện)