Báo Đồng Nai điện tử
En

Mừng vì "lệ" ép uống rượu, bia đã có "luật" chế tài

10:09, 01/09/2019

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Theo đó, hành vi rủ rê, lôi kéo, xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ bị nghiêm cấm và xử phạt. Quy định này đang được dư luận đồng tình ủng hộ.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Theo đó, hành vi rủ rê, lôi kéo, xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ bị nghiêm cấm và xử phạt. Quy định này đang được dư luận đồng tình ủng hộ.

Một trường hợp bị té do say rượu được chụp CT scanner tại Bệnh viện đa khoa Tâm Hồng Phước (TP.Biên Hòa)
Một trường hợp bị té do say rượu được chụp CT scanner tại Bệnh viện đa khoa Tâm Hồng Phước (TP.Biên Hòa)

Tại Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi “rủ rê, xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia”. Như vậy, “lệ” ép nhau uống rượu, bia nay đã có “luật” chế tài và người vi phạm sẽ bị xử lý. Quy định này sẽ góp phần hạn chế tình trạng kích bác người khác để ép uống rượu, bia đang rất phổ biến hiện nay. Trên thực tế đã có không ít vụ việc bị ép uống rượu, bia dẫn đến mâu thuẫn, xô xát, đánh nhau, thậm chí đã từng xảy ra các vụ án mạng chỉ vì bị ép uống rượu, bia.

Việt Nam là nước có tỷ lệ tiêu thụ lượng rượu, bia lớn nhất thế giới. Theo một công bố năm 2018 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính trung bình mỗi năm mỗi người Việt Nam (trên 15 tuổi) tiêu thụ 8,3 lít rượu, bia (gấp 4 lần người Singapore). Và tất nhiên, tỷ lệ tai nạn giao thông, tỷ lệ ly hôn, bạo lực gia đình cũng như số ca mắc các bệnh liên quan đến gan, thận ở Việt Nam cũng tăng theo.

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2018, cả nước xảy ra 18,7 ngàn vụ tai nạn giao thông, làm chết 8,2 ngàn người và hơn 14,8 ngàn người bị thương. Trong đó, số vụ tai nạn có nguyên nhân từ rượu, bia chiếm hơn 50%. Trong đó, nhiều nạn nhân nhập viện mà người còn nồng nặc mùi rượu, bia, nhiều ca không thể tiến hành gây mê phẫu thuật vì quá say xỉn.

Từ thực trạng này cho thấy, việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 được xem là biện pháp cấp thiết để góp phần hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của rượu, bia đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, công tác xử lý sẽ gặp nhiều khó khăn vì hành vi uống rượu, bia rất khó để “bắt quả tang” và không dễ xử lý. Mặt khác, dù luật chính thức có hiệu lực nhưng cũng chưa quy định cụ thể thế nào là hành vi ép buộc, xúi giục, lôi kéo uống rượu, bia... Đây là vấn đề các ngành chức năng liên quan cần quan tâm, kịp thời bổ sung các quy định cụ thể để các quy định của luật này có thể đi vào cuộc sống.

An Nhiên (TP.Biên Hòa)

Tin xem nhiều
Vang F giá bao nhiêu?Mua vang chén thánh nhập khẩu cao cấpLuật sư Tư vấn pháp luật miễn phí luật sư ly hôn biên hòa