Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm học mới, nỗi lo cũ của phụ huynh

08:09, 15/09/2019

Cứ đến hẹn lại lên, vào dịp đầu năm học mới, các bậc phụ huynh lại đối diện với những nỗi lo rất cũ, nhất là phụ huynh là công nhân, lao động phổ thông, sinh sống ở các vùng ven khu công nghiệp.

Cứ đến hẹn lại lên, vào dịp đầu năm học mới, các bậc phụ huynh lại đối diện với những nỗi lo rất cũ, nhất là phụ huynh là công nhân, lao động phổ thông, sinh sống ở các vùng ven khu công nghiệp. Bên cạnh lo lắng khi phải đối diện với hàng loạt các khoản chi tiêu, đóng góp đầu năm học mới, nhiều người còn lo lắng về tình trạng lớp đông, đường đông; đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới...

Năm học 2019-2020 học sinh sẽ được học sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: TL
Năm học 2019-2020 học sinh sẽ được học sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: TL

Tại TP.Biên Hòa, năm học 2019-2020, tình trạng quá tải trường lớp vẫn diễn ra. Trước áp lực gia tăng dân số cơ học khiến sĩ số học sinh tiểu học ở một số trường đông hơn so với quy định. Băn khoăn nhiều nhất của phụ huynh và giáo viên là đổi mới phương pháp dạy học như thế nào để chất lượng dạy và học vẫn đảm bảo trong điều kiện sĩ số học sinh cao như vậy.

Việc đổi mới chương trình học thường xuyên thay đổi cũng khiến không ít phụ huynh băn khoăn. Năm học 2019-2020 được xem là năm “bản lề” để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới sẽ áp dụng từ năm học 2020-2021. Nhiều phụ huynh mong rằng, trong đợt đổi mới sắp tới không chỉ dừng lại ở đổi mới chương trình học, sách giáo khoa mà cần gắn liền với việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên. Phải làm sao để học sinh, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven các khu công nghiệp được học bơi, được hướng dẫn các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, xâm hại tình dục, bạo lực học đường...

Bên cạnh đó, nỗi lo về ùn tắc giao thông ở các cổng trường học, tai nạn giao thông với học sinh cũng là nỗi lo rất cũ. Thực tế hiện nay, nhiều trường học thường nằm trên đường lớn hoặc gần chợ nên phương tiện qua lại đông đúc, vào giờ tan trường, tình trạng kẹt xe kéo dài khiến giao thông ở cổng nhiều trường học rất lộn xộn. Ngoài ra, vì cuộc sống mưu sinh nhiều cha mẹ đành để cho con tự đến trường. Tình trạng học sinh điều khiển xe máy phân khối lớn, xe đạp điện nhưng không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ như: không đội mũ bảo hiểm, chạy dàn hàng hai, hàng ba... diễn ra phổ biến. Đây cũng là vấn đề mà nhà trường và các phụ huynh cần quan tâm hơn nữa.

 Đào Khắc Thảo (phường Tam Phước, TP.Biên Hòa)

Tin xem nhiều