Thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực gia đình gây bất bình trong dư luận.
Thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực gia đình gây bất bình trong dư luận. Đầu tiên là vụ người chồng “võ sư” đánh vợ khi đang bế con nhỏ xảy ra tại TP.Hà Nội vào cuối tháng 8 vừa qua được quay clip, đưa lên mạng xã hội. Kế đó là vụ một người đàn ông ở huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) ra tay đánh, bóp cổ vợ và dìm xuống nước đến nỗi phải nhập viện cấp cứu.
Không dừng lại ở hành vi đánh đập vợ, có những ông chồng vũ phu còn ra tay sát hại cả vợ mình vì những lý do vô cớ. Cụ thể như ngày 15-9, N.T.S. (ngụ xã Đồi 61, huyện Trảng Bom) ra tay sát hại vợ vì ghen tuông. Thậm chí có nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội chỉ xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ như vụ án mạng xảy ngày 16-9 tại một gia đình ở TP.Hà Nội. Trong lúc tranh cãi với vợ về việc cho con tiền, chỉ vì thiếu kiềm chế mà người chồng đã dùng dao đâm chết vợ, để lại hai con nhỏ bơ vơ.
Những câu chuyện đau lòng nêu trên như một hồi chuông cảnh báo về bạo lực gia đình hiện nay. Nó đang có chiều hướng gia tăng về số vụ lẫn mức độ nghiêm trọng, gây nhức nhối trong dư luận xã hội.
Pháp luật hiện hành có rất nhiều quy định cụ thể để ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự… Song song đó là sự hiện diện của các tổ chức hội, đoàn thể, cơ quan chức năng bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Thế nhưng, tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn cứ xảy ra, phải chăng là do chúng ta chưa giải quyết vấn đề này từ gốc.
Có rất nhiều nguyên nhân đã được đưa ra để lý giải cho hiện tượng bạo lực gia đình như: say rượu, nghiện ma túy, mâu thuẫn trong làm ăn, khó khăn về kinh tế, ngoại tình… Thế nhưng, theo tôi, nguyên nhân sâu xa chính là do yếu tố nhận thức, bạo lực gia đình chính là một biểu hiện của sự bất bình đẳng giới. Các yếu tố khác chỉ là nguyên nhân trực tiếp của bạo lực, làm gia tăng nguy cơ của bạo lực gia đình.
Điều đáng tiếc là một bộ phận không nhỏ phụ nữ và nam giới không cảm nhận được sự bất bình đẳng giới nên không chủ động thay đổi nó. Vì vậy, để giải quyết được triệt để vấn đề bạo lực gia đình, chúng ta cần chú ý giải quyết yếu tố nhận thức của nam giới, phụ nữ và của cả cộng đồng về bình đẳng giới, về tư tưởng “trọng nam kinh nữ”; sự phân biệt địa vị, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình...
Lê Vy (TP.Biên Hòa)