Tôi là một lao động từng có hơn 20 năm làm trong ngành sản xuất giày da, hằng ngày phải đối diện với mùi cao su, hóa chất độc hại. Mặc dù công ty đã có chế độ ưu đãi cho lao động làm việc ở khâu độc hại bằng việc tăng tiền hỗ trợ, bồi dưỡng sữa... nhưng làm việc ở môi trường này sức khỏe của tôi giảm sút thấy rõ.
Tôi là một lao động từng có hơn 20 năm làm trong ngành sản xuất giày da, hằng ngày phải đối diện với mùi cao su, hóa chất độc hại. Mặc dù công ty đã có chế độ ưu đãi cho lao động làm việc ở khâu độc hại bằng việc tăng tiền hỗ trợ, bồi dưỡng sữa... nhưng làm việc ở môi trường này sức khỏe của tôi giảm sút thấy rõ.
Người lao động được khám sức khỏe định kỳ tại khoa bệnh nghề nghiệp thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh tư liệu |
[links()]Nhiều lần, tôi đang làm việc thì bị ngất, được đưa đi cấp cứu và bác sĩ chẩn đoán tôi bị “sốc” dung môi, yêu cầu phải chấm dứt ngay việc tiếp xúc với hóa chất. Tôi được chuyển sang làm ở khâu khác nhưng 2 năm nay, khắp người tôi nổi những đốm nâu nhỏ li ti. Khi khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ nói tôi chỉ dị ứng hóa chất, không làm ở khâu này nữa, những đốm nâu này sẽ nhạt dần và biến mất. Thế nhưng khi đi khám bệnh ở Bệnh viện da liễu TP.Hồ Chí Minh, tôi được chẩn đoán là mắc bệnh da nghề nghiệp - do thường xuyên làm việc trong môi trường hóa chất độc hại. Đối với bệnh da nghề nghiệp có một quá trình ủ bệnh kéo dài, trong khi nhiều lần khám sức khỏe định kỳ trước đó, tôi không được phát hiện bị bệnh này, chỉ đến khi bệnh phát ra ngoài da tôi đi khám mới biết mình bị bệnh.
Hiện nay, mỗi lần khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ khám rất qua loa, chủ yếu hỏi, ghi chép, siêu âm, xét nghiệm máu...và sau đó thông báo đủ sức khỏe làm việc. Thực sự sau khi khám sức khỏe định kỳ xong, tôi cũng như nhiều lao động khác cũng chưa an tâm với kết luận của bác sĩ. Vì thực tế có không ít công ty hợp đồng với cơ sở y tế khám sức khỏe định kỳ với giá rất rẻ, chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với giá quy định của Bộ Y tế, mà đã rẻ thì khó có chất lượng.
Sức khỏe người lao động là vốn quý nên việc doanh nghiệp quan tâm chăm sóc sức khỏe người lao động như một mũi tên trúng hai đích: bảo vệ sức khỏe người lao động và giữ được sự ổn định hoạt động cho nhà máy. Nếu công nhân không khỏe, thao tác sẽ chậm, thiếu chính xác dễ gây tai nạn lao động, thậm chí có thể dẫn đến chết người. Khi sự cố xảy ra, quy trình hoạt động của nhà máy bị ách tắc, thậm chí ngưng trệ, hợp đồng không hoàn thành, công ty sẽ phải bồi thường hoặc bị cắt hợp đồng... Chưa kể, khi người lao động bị bệnh nghề nghiệp hoặc tai nạn lao động sẽ tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì thế, tôi mong muốn mỗi khi khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, nên thực hiện một cách thực chất. Các ngành chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra hoạt động khám sức khỏe định kỳ của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm đối với các cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ không đúng quy trình...
Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (phường Hóa An, TP.Biên Hòa)