Ngày 1-10, Báo Đồng Nai có đăng bài Bắt nhóm "tín dụng đen" chuyên cho công nhân vay tiền. Sau khi bài báo đăng tải, Báo Đồng Nai đã nhận được nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có giải pháp mạnh hơn nữa...
Ngày 1-10, Báo Đồng Nai có đăng bài Bắt nhóm “tín dụng đen” chuyên cho công nhân vay tiền. Sau khi bài báo đăng tải, Báo Đồng Nai đã nhận được nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có giải pháp mạnh hơn nữa để ngăn chặn, đẩy lùi nạn “tín dụng đen” tận gốc.
Tang vật trong một vụ án “tín dụng đen” ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) bị công an thu giữ. Ảnh: T.Danh |
* Anh Nguyễn Cao Tháp, công nhân Công ty TNHH giày Dona Standard (huyện Xuân Lộc): Cần giải quyết tận gốc cung - cầu về vốn
Tôi cũng như nhiều công nhân ở Khu công nghiệp Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc) rất mừng khi hay tin Công an huyện Xuân Lộc bắt nhóm “tín dụng đen” chuyên cho công nhân vay tiền lãi nặng. Qua đó mới thấy, nhóm đối tượng này hoạt động với quy mô khá lớn, tổng nguồn vốn lên đến hàng tỷ đồng và có hàng trăm người vay, đa phần là công nhân.
Nhìn chung thu nhập của công nhân tại Khu công nghiệp Xuân Lộc cũng tương đối ổn định. Tuy nhiên, trước tình hình giá cả các mặt hàng đều tăng cao như hiện nay thì mỗi gia đình công nhân phải tính toán mức chi tiêu hợp lý nếu không sẽ rất dễ thiếu hụt dẫn đến phải vay mượn, khổ sở vì nợ nần.
Trong thời gian qua, tôi thấy có rất nhiều anh, chị, em công nhân vì nhu cầu tiêu dùng có vay mượn tiền của các nhóm đối tượng chuyên cho vay nặng lãi sau đó phải còng lưng trả nợ. Nhiều trường hợp phải trả nợ dai dẳng khi tiền lãi đã sắp bằng tiền gốc.
Thực tế, nhu cầu vay tiền trong dân, nhất là công nhân rất lớn. Nếu giải quyết tốt cung - cầu về vốn sẽ ngăn chặn tận gốc được nạn “tín dụng đen” hoành hành. Theo tôi, các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu để có những gói vay tiện ích, thiết thực cho nhóm đối tượng là công nhân cũng như người lao động có thu nhập thấp nhằm tránh tình trạng công nhân, người thu nhập thấp phải cùng đường, sa chân vào “tín dụng đen”.
Các chiến sĩ công an bên tang vật "tín dụng đen" bị thu giữ. Ảnh: T.Danh |
* Anh Nguyễn Trọng Phú, KP.4, thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc): Liệu cơm gắp mắm...
Tôi làm nhân viên tiếp thị sản phẩm nước giải khát tại địa bàn Xuân Lộc, thu nhập hằng tháng cũng chỉ khoảng 6-7 triệu đồng. Vợ của tôi là công nhân, lương tháng cũng tầm hơn 5 triệu đồng. Do là nhân viên kinh doanh nên công việc của tôi phải đi lại, chi phí đi lại khá nhiều. Tuy nhiên, vợ chồng tôi luôn cân đối các khoản chi tiêu trong gia đình. Khi cần chi tiêu mua sắm gì, vợ chồng tôi đều tính toán kỹ lưỡng với tiêu chí “liệu cơm gắp mắm”. Nói thật, rất nhiều người mời chào tôi vay mượn tiền trả góp, trả lãi nhưng tôi đều từ chối vì biết vay thì ít mà trả thì nhiều, nếu không trả được thì hậu quả sẽ khó mà lường hết được.
Bà Phạm Thị Mai (ngụ xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch): Tăng cường tuyên truyền
Thời gian qua, trên địa bàn xã xuất hiện một số đối tượng phát, dán tờ rơi cho vay trả góp và cũng có nhiều người thấy thủ tục vay nhanh chóng, đơn giản nên đã vay vốn để phục vụ cho sinh hoạt. Tuy nhiên, sau khi vay tiền thì người dân mới phát hiện lãi mẹ đẻ lãi con nên trả hoài không hết tiền nợ. Thậm chí có người bị đòi nợ phải bán sạch tài sản hoặc bỏ xứ để trốn đi.
Nguyên nhân một phần do đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn; phần khác do chưa ý thức được mức độ nguy hiểm khi vay tiền trả góp với mức lãi suất cao. Nên khi thiếu tiền họ thường không biết mượn ai ngoài “vay tiền nóng” của “xã hội đen”.
Trước tình trạng trên, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình, từng khu dân cư để mọi người hiểu phương thức thủ đoạn của những đối tượng hoạt động “tín dụng đen” để tránh xa các hoạt động vay tiền lãi suất cao.
Ông Trần Văn Sắc, chủ nhà trọ tại phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa): Xử lý mạnh tay hành vi cho vay lãi nặng
Thời gian qua một số đối tượng thường tìm cách tiếp cận các phòng trọ để phát tờ rơi và dán lên khắp các tường bao quanh khu trọ, những con hẻm, cột điện để “dụ dỗ” công nhân vay tiền khi túng thiếu.
Để tự đảm bảo an toàn cho khu phòng trọ và ngăn ngừa tình trạng “tín dụng đen” xâm nhập, gia đình tôi đã lắp 18 mắt camera và thường xuyên túc trực, kiểm tra khu trọ để mỗi khi thấy ai phát, dán tờ rơi là ngăn chặn ngay. Tôi cũng nhắc nhở các công nhân ở trọ về hậu quả khi vay tiền “tín dụng đen”.
Thiết nghĩ để ngăn ngừa “tín dụng đen” phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người dân không nên vay tiền trả góp như lời quảng cáo của các đối tượng. Hơn nữa, các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay đối với hành vi cho vay lãi nặng để răn đe, phòng ngừa chung; trong đó có cả việc xử lý các đối tượng dán, phát tờ rơi cho vay tiền trả góp.
Thiếu tá Mai Đức Hiền, Phó trưởng Công an phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa): Làm tốt công tác quản lý địa bàn
Tại phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa), vào đầu năm 2019, Công an TP.Biên Hòa phối hợp với Công an phường Trảng Dài triệt phá thành công một băng nhóm, khởi tố bắt 7 đối tượng chuyên hoạt động cho vay lãi nặng. Để có được kết quả đó, một phần là nhờ công tác đeo bám, theo dõi sát địa bàn của Công an phường Trảng Dài.
Thời gian vừa qua, Ban chỉ huy Công an phường đã lập kế hoạch, phân công cảnh sát khu vực phối hợp với các lực lượng bảo vệ dân phố, Tổ phòng chống tội phạm của phường thường xuyên kiểm tra, giám sát đến tận cơ sở.
Quá trình kiểm tra, nắm bắt thông tin từ cơ sở nếu phát hiện các đối tượng, ổ nhóm có biểu hiện bất thường, hoạt động mờ ám hoặc những đối tượng trú ngụ không rõ ràng thì lực lượng này kịp thời báo ngay cho Ban chỉ huy Công an phường để có chỉ đạo xử lý. Riêng đối với những đối tượng có biểu hiện bất minh, đối tượng thuộc diện quản lý thì lực lượng cơ sở cũng thường xuyên đeo bám để theo dõi…
Nếu làm tốt công tác theo dõi và nắm chắc địa bàn thì sẽ kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ việc phức tạp phát sinh từ cơ sở, trong đó có hoạt động “tín dụng đen”.
Hải Đình - Tố Tâm - Trần Danh