Báo Đồng Nai điện tử
En

'Choáng' với trò chơi phản cảm trên mạng xã hội

09:11, 18/11/2019

Thời gian qua, Báo Đồng Nai nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn nội dung các gameshow giải trí phát trên truyền hình và mạng xã hội vì có không ít chương trình khiến người xem "choáng"  về sự dung tục, thô thiển và phản cảm của người chơi.

Thời gian qua, Báo Đồng Nai nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn nội dung các gameshow giải trí phát trên truyền hình và mạng xã hội vì có không ít chương trình khiến người xem “choáng”  về sự dung tục, thô thiển và phản cảm của người chơi.

Đôi nam nữ tham gia trò chơi bú bình phản cảm được đăng tải trên mạng xã hội (ảnh chụp từ màn hình)
Đôi nam nữ tham gia trò chơi bú bình phản cảm được đăng tải trên mạng xã hội (ảnh chụp từ màn hình)

* “Choáng” với sự phản cảm

Một số gameshow, livestream trên mạng xã hội (YouTube) nhận được vô số chỉ trích bởi sự dung tục, phản cảm đến thô thiển của người chơi, không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt.

Cụ thể như một chương trình truyền hình thực tế của Mỹ, phiên bản Việt Nam Dare Pong đang được nhà sản xuất phát trên kênh YouTube - nhận được vô số chỉ trích đòi tẩy chay khi thiết kế chương trình hai người chơi (một nam, một nữ)  tham gia vừa phải uống rượu vừa thực hiện những cảnh “nóng”. Dù rất phản cảm, nhưng chương trình này vẫn tồn tại và “sở hữu” lượt fan “khủng” với hơn 7,5 triệu lượt người theo dõi.

Ngoài ra, nhiều trò chơi tập thể được đăng trên mạng xã hội cũng “nhức mắt” không kém. Mới đây, vào dịp 20-10, trên tài khoản Facebook S.N. lan truyền một clip vô cùng phản cảm và thô tục. Clip quay hình ảnh những người nam ngồi trên ghế, còn các cô mặc áo dài cầm bong bóng chạy đến đặt lên chỗ nhạy cảm của người nam, ngồi lên và dập mạnh mông xuống cho bóng nổ... Hay như trò chơi “bú bình” được nhiều nhóm cả người lớn lẫn giới trẻ chơi rất hồn nhiên, nhưng ai nhìn vào cũng thấy… xốn con mắt. Đó là những bình sữa trẻ em đựng bia hoặc nước ngọt được các chị kẹp sâu vào trong nách, còn các anh thì quỳ xuống với miệng lên để bú.

Những chương trình nhạy cảm này được phát sóng trực tuyến trên mạng xã hội khó quản lý đã đành nhưng ngay cả một số đài truyền hình cũng phát sóng một số gameshow khiến người xem “xốn mắt”.

Cụ thể như gameshow truyền hình thực tế Nữ hoàng quyến rũ - chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm gương mặt người đẹp hiện đại  (phát trên một kênh truyền hình vào khung giờ vàng từ 20 giờ 35 đến 21 giờ 5 thứ hai hằng tuần) đang nhận không ít “gạch đá” của người xem vì người chơi mặc áo tắm hở hang, tạo dáng rất phản cảm. Nhiều người xem đài ngạc nhiên vì không hiểu sao chương trình này được phát trên một đài truyền hình chính thống.

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại,  những chương trình, gameshow giải trí phản cảm nêu trên không khác gì cổ xúy cho hành động dễ dãi, lối sống buông thả ở giới trẻ.

* Văn hóa “rác” cần được dọn dẹp

Băn khoăn về những chương trình, gameshow có nội dung phản cảm này, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đặng Thị Thanh Thủy cho biết, hiện nay vì lợi nhuận và “câu view”, những nhà sản xuất đã thiết kế một số chương trình có nội dung lệch lạc về thẩm mỹ, văn hóa như: khoe thân, động tác hay ngôn từ dung tục, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Điều này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt đến tư tưởng, tình cảm và suy nghĩ của lớp trẻ hiện nay. Do đó, vấn đề này cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, trong đó có ngành văn hóa. Trong thời gian tới ngành sẽ theo dõi sát nội dung các chương trình, gameshow để có ý kiến đề nghị nhà sản xuất, cơ quan chủ quản kịp thời chấn chỉnh.

TS.Lê Minh Công, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý và giáo dục chia sẻ: “Để giới trẻ tiếp thu có chọn lọc, không bị ảnh hưởng bởi những nội dung phản cảm của các chương trình gameshow trên mạng xã hội, gia đình và nhà trường cần phải giáo dục, trang bị kỹ năng tư duy phản biện cho giới trẻ. Một khi phản biện tốt trước những tiêu cực, các em sẽ tự biết lựa chọn và bảo vệ mình trước những tác động tiêu cực của cuộc sống.

Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Giang Thị Thu Nga cũng xác nhận đúng là đang có tình trạng xuất hiện không ít gameshow, trò giải trí và những livestream trên mạng xã hội có nội dung dung tục, phản cảm, gây bức xúc trong dư luận. Theo bà Nga, những chương trình này phát sóng tràn lan không chỉ đưa đến hậu quả lệch chuẩn về văn hóa, mà còn có tác động tiêu cực đến xã hội. Do vậy, người sử dụng mạng xã hội cần tự nâng cao ý thức, cân nhắc kỹ lưỡng khi xem các gameshow hoặc tham gia trò giải trí trực tuyến để không tự “biến” mình thành nạn nhân của các sản phẩm dung tục, phản cảm, thậm chí tẩy chay mạnh mẽ những gameshow coi thường khán giả.

“Ngành Thông tin - truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan trong tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng xã hội; xử lý nghiêm khi phát hiện các chương trình gameshow vi phạm. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng chế tài xử lý thích hợp, không chỉ xử phạt về mặt hành chính mà nếu cần có thể truy cứu trách nhiệm hình sự” - bà Nga cho hay.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích