Báo Đồng Nai điện tử
En

Có được phép di dời cây xanh trước nhà?

09:11, 27/11/2019

Báo Đồng Nai nhận được một số ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề quản lý cây xanh đô thị, trong trường hợp nào thì được di dời cây xanh trước nhà. Ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa đã có cuộc trao đổi về vấn đề này

Báo Đồng Nai nhận được một số ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề quản lý cây xanh đô thị, trong trường hợp nào thì được di dời cây xanh trước nhà. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về nội dung này, ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho biết:

Ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa
Ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa

- Công tác quản lý cây xanh đô thị được thành phố đặc biệt quan tâm, hiện nay, diện tích cây xanh trên tỷ lệ đầu người trên địa bàn là 9,7m2/người, thành phố đang phấn đấu đạt tỷ lệ diện tích cây xanh đô thị đạt 10m2/người trong năm 2020. Do vậy thành phố chỉ cho phép di dời cây xanh trong các trường hợp thực sự cần thiết.

* Thưa ông, theo quy định những trường hợp nào được phép di dời cây xanh trước nhà đi chỗ khác?

- Theo quy định điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị gồm: cây đã chết, bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình. Ngoài ra, đối với những trường hợp cây xanh trên vỉa hè công cộng nằm trước nhà ảnh hưởng đến sinh hoạt, cản trở lối ra vào duy nhất của thửa đất đang sử dụng của tổ chức, cá nhân cũng được cơ quan chức năng xem xét cho di dời.

* Hiện nay, ở một số khu dân cư, đường phố có tình trạng rễ cây trồi lên trên vỉa hè, lấn vào cả tường nhà dân... trường hợp này có được di dời cây xanh hay không?

- Dự án quy hoạch hệ thống cây xanh TP.Biên Hòa được lập từ năm 2001 nên đến nay một số chủng loại cây xanh trồng theo dự án hoặc do nhân dân tự trồng trên một số tuyến đường không còn phù hợp, thuộc danh mục cây cấm trồng, cây trồng hạn chế  như: cây viết, sò đo cam, trứng cá, bông gòn, xà cừ…

Ngoài ra, cây xanh tại một số tuyến đường, dự án khu dân cư trồng cây xanh (đại mộc) trong khi ở đây tuyến đường có vỉa hè nhỏ, vướng các công trình hạ tầng ngầm nên ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển cây xanh, không đảm bảo không gian sinh trưởng phát triển của bộ rễ dẫn đến rễ cây ăn nổi làm hư hỏng vỉa hè và các công trình xây dựng của người dân trong khu vực.

Đối với những trường hợp nêu trên, khi có phản ảnh từ người dân, Phòng Quản lý đô thị thành phố sẽ phối hợp các ngành của thành phố kiểm tra, tham mưu đề xuất UBND thành phố xem xét cân nhắc các điều kiện theo quy định, sau đó cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đến vị trí phù hợp.

Lực lượng chức năng đang di dời một cây xanh trên đường Nguyễn Thành Đồng (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu
Lực lượng chức năng đang di dời một cây xanh trên đường Nguyễn Thành Đồng (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu

* Chính vì vẫn còn thực trạng cây xanh mọc làm hư hỏng vỉa hè và các công trình xây dựng nên một số người dân nghĩ mình được phép tỉa cành, thậm chí chặt, đốn hạ cây xanh. Vậy, nếu người dân có những hành vi như trên sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

- Thực tế tình trạng người dân tự ý tỉa cành, giăng dây điện, đèn, đóng đinh, treo dán quảng cáo, làm cản trở sự phát triển cây xanh đô thị… vẫn xảy ra. Thành phố thường xuyên thực hiện chỉ đạo, quán triệt vai trò của chính quyền địa phương và các đơn vị thuê bao quản lý cây xanh trong công tác tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức nhân dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật để không có các hành vi xâm hại, cản trở sự phát triển của cây xanh.

Theo quy định, những hành vi vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ mức thấp nhất 500 ngàn đồng, cao nhất là 30 triệu đồng (tùy vào hành vi vi phạm).

Chúng tôi kiên quyết chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm. Đơn cử như trường hợp tự ý chặt hạ cây xanh (loại cây dầu) tại đường Trương Định, phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) xảy ra vào những năm trước. Sau khi phát hiện vi phạm, UBND TP.Biên Hòa đã giao Công an thành phố điều tra, chuyển Tòa án nhân dân cùng cấp truy tố, xử lý nghiêm hành vi hủy hoại tài sản theo quy định.

* Trong thời gian qua việc trồng, chăm sóc cây xanh trên địa bàn đã được triển khai ra sao, thưa ông?

- Công tác trồng và phát triển cây xanh đô thị luôn được thành phố quan tâm cả về số lượng và chất lượng nhằm tăng tỷ lệ diện tích cây xanh đô thị trên địa bàn, góp phần cải thiện và bảo vệ môi trường sống của người dân, giảm thiểu ô nhiễm và tạo nên bản sắc riêng cho thành phố. Thể hiện qua việc tập trung nâng cấp, cải tạo cảnh quan đô thị tại một số công viên và tuyến đường chính trên địa bàn. Đầu tư phát triển công viên công cộng và công viên, hoa viên của khu vực và các khu ở, trồng thêm cây xanh tại một số tuyến đường, phát động và tổ chức phong trào trồng cây …

Hiện nay, phòng quản lý đô thị đang phối hợp cùng các đơn vị thuê bao chăm sóc cây xanh đô thị và các ban, ngành liên quan để thực hiện khảo sát, đánh giá tính phù hợp của cây xanh đô thị từng khu vực từ đó tham mưu định hướng phát triển cây xanh trong thành phố; nhằm đáp ứng về chủng loại phù hợp với từng khu vực, tuyến đường, ưu tiên phát triển những cây có giá trị cảnh quan, cây bản địa; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố.

* Xin cảm ơn ông!

TP.Biên Hòa có 32 công viên, vườn hoa có tổng diện tích hơn 141 hécta; 20 khu vực đất trồng cây xanh tập trung, vườn ươm với diện tích hơn 18 hécta (với hơn 7,5 ngàn cây xanh gồm các loại: sao, dầu, dáng hương, gõ đỏ…); 72 tuyến đường, đường nội bộ khu dân cư, hành lang ven suối có trồng cây xanh bóng mát với tổng số 14,6 ngàn cây xanh gồm các loại (sao, dầu, dáng hương, móng bò, gõ, bằng lăng…); 21 tuyến đường có trồng cây tạp, đường kính trên 30cm với tổng số 319 cây...

Kim Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều
Cây Muồng hoàng yến sắc vàng tươi