Hiện nhiều phụ huynh đổ xô cho con đi sinh trắc vân tay với mong muốn khai thác tiềm năng nổi trội, sớm định hướng nghề nghiệp cho con trong tương lai, rút ngắn thời gian đầu tư, đến nhanh hơn với thành công.
Hiện nhiều phụ huynh đổ xô cho con đi sinh trắc vân tay với mong muốn khai thác tiềm năng nổi trội, sớm định hướng nghề nghiệp cho con trong tương lai, rút ngắn thời gian đầu tư, đến nhanh hơn với thành công.
Nhân viên một trung tâm sinh trắc vân tay trên địa bàn TP.Biên Hòa lấy dấu vân tay cho khách hàng. Ảnh: P.Liễu |
Tuy nhiên, theo một số bác sĩ, chuyên gia tâm lý, nếu nói sinh trắc vân tay có thể khám phá thế mạnh bẩm sinh mà con em mình đang sở hữu là không có cơ sở khoa học. Đáng lo ngại, nếu đưa ra kết quả định hướng nghề nghiệp sai lệch sẽ dẫn đến việc hướng nghiệp sai và đầu tư không đúng sở trường của trẻ.
* Đổ xô đi “khai quật” tiềm năng cho con
Các trung tâm dịch vụ sinh trắc vân tay đang nở rộ. Chỉ cần lên Google gõ cụm từ “sinh trắc vân tay” trong 0,4 giây đã có 6,6 triệu kết quả hiện ra với vô số trang thông tin giới thiệu dịch vụ sinh trắc vân tay. Tại TP.Biên Hòa, các trung tâm làm dịch vụ sinh trắc vân tay cũng được mở ra ngày càng nhiều. Hiện toàn thành phố có 11 trung tâm, với giá dịch vụ từ 2,5-3,5 triệu đồng/lần.
TS.Lê Minh Công, Viện phó Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý và giáo dục cho biết, vấn đề sử dụng, lưu trữ vân tay của các trung tâm sinh trắc vân tay ngoài xem xét lại tính khoa học cũng cần quan tâm đến khía cạnh pháp lý. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, rất nhiều giấy tờ, dịch vụ giao dịch dùng dấu vân tay như một chìa khóa, nếu không có sự quản lý chặt chẽ, sẽ gây ra nhiều hệ lụy. |
Thấy nhiều bạn bè cho con đi sinh trắc vân tay, chị Nguyễn Thùy Uyên (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) cũng muốn biết tiềm năng của con gái 3 tuổi nên liên hệ với một trung tâm khám phá tiềm năng ở quận Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh) với giá dịch vụ 3 triệu đồng. Trung tâm này cho người về TP.Biên Hòa để lấy vân tay cho bé qua một máy quét nhỏ trên laptop.
2 tuần sau, chị Uyên nhận được một báo cáo dày tới 40 trang với nhiều thông tin, hình ảnh kỹ thuật cùng những trang tham khảo về chỉ số thông minh của nhiều nhà khoa học nổi tiếng. Trong báo cáo cũng có đưa ra một số chỉ số của con chị như: IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số thông minh cảm xúc), AQ (chỉ số vượt khó), CQ (chỉ số thông minh sáng tạo), tính cách, khả năng thiên bẩm, một số điều cần tránh, một vài loại bệnh mà bé có thể mắc trong tương lai.
“Về định hướng nghề nghiệp tương lai, nhân viên cho biết con tôi có thiên hướng nghệ thuật, khuyến nghị tôi sau này nên cho bé theo các ngành kiến trúc, hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh... sở trường sẽ được phát huy, thành công nhanh và dễ dàng. Thực ra, tương lai của bé còn quá xa. Để biết điều đó đúng hay sai, cần thời gian chứng minh” - chị Uyên nói.
Cũng với mong muốn được biết con mình sở hữu tài năng gì, anh Đỗ Văn Toàn (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đưa con trai 5 tuổi đến một trung tâm sinh trắc vân tay trên địa bàn phường Tân Hiệp để kiểm tra vân tay. Nhận tập báo cáo dày đến 50 trang của trung tâm, anh Toàn tỏ ra băn khoăn về độ chính xác trong việc tư vấn, hướng nghiệp. Anh ngạc nhiên khi nghe nhân viên tư vấn nói con trai anh thiên về khả năng làm các nghề thủ công như: may mặc, làm tóc, trang điểm, nấu ăn...
“Tôi muốn biết con mình có sở trường gì để định hướng sớm, nhưng những nghề được định hướng trên, tôi chưa bao giờ thấy cháu có hứng thú gì. Kiểm tra cho vui chứ không nên áp đặt con theo hướng tư vấn. Lớn dần, những năng khiếu thiên hướng của con sẽ bộc lộ, lúc đó định hướng cũng chưa muộn” - anh Toàn chia sẻ.
* Không có cơ sở khoa học
Mặc dù các trung tâm sinh trắc vân tay đều khẳng định tính thiết thực và lợi ích rất lớn của dịch vụ đối với việc định hướng nghề nghiệp, giúp khai thác đúng tiềm năng, sở trường của con trẻ. Tuy nhiên, theo nhiều bác sĩ, chuyên gia tâm lý, nếu chỉ sinh trắc vân tay mà “giải mã” được toàn bộ tiềm năng của một con người là không có cơ sở khoa học.
Bác sĩ Nguyễn Văn Cầu, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần trung ương 2, người có gần 30 năm công tác trong ngành tâm thần chia sẻ, khi còn trong bào thai, vân tay của trẻ phát triển cùng với sự phát triển của não bộ đến tháng thứ 6 thì định hình vĩnh viễn. Tuy nhiên, não bộ không có quá nhiều kết nối với vân tay. Do đó, nếu nói sinh trắc các dữ liệu ADN, gen, tế bào hay nhiễm sắc thể để đánh giá tiềm năng não bộ của một con người thì còn có cơ sở khoa học, chứ chỉ sinh trắc vân tay bình thường bằng tin học thì không đáng tin cậy. Còn muốn biết các chỉ số IQ, AQ, EQ, CQ rất đơn giản, chỉ cần cho các cháu tham gia bộ trắc nghiệm đánh giá các chỉ số này là có thể biết.
Tương tự TS.Lê Minh Công, Viện phó Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý và giáo dục cho biết, vân tay được hình thành dưới tác động môi trường trong bào thai nên không có giá trị để đánh giá về các yếu tố tiềm năng não bộ, trong khi đó sự phát triển các tập tính thông minh, trí tuệ cũng như các sở trường của một con người phụ thuộc vào 4 yếu tố, đó là yếu tố di truyền (chỉ là phần nhỏ), 3 yếu tố khác là: sự giáo dục của gia đình, môi trường sống và tự lập, tự rèn luyện của bản thân.
TS.Lê Minh Công cho biết thêm: “Nhiều người hỏi tôi về việc này và nói chỉ cho con làm thử cho vui. Tôi cho rằng, đánh giá về cơ sở khoa học của việc này tôi đã khẳng định là không có cơ sở, còn nếu nói làm thử cho vui thì quá tốn kém, không cần thiết, đôi khi không có lợi cho trẻ nhỏ. Bởi khi đã cầm trên tay kết quả về tiềm năng của con, được tư vấn khuyến nghị nghề nghiệp tương lai của con, cha mẹ rất dễ có xu hướng “hướng” hoặc “ép” con theo kết quả định hướng nghề nghiệp được các trung tâm vẽ ra”.
Phương Liễu