Hỏi: Năm 2000, mẹ tôi lập văn bản ủy quyền, có nội dung mẹ ủy quyền cho anh tôi (N.V.B.) thay bà giải quyết tranh chấp liên quan đến cây cối trên mảnh đất do bà đứng tên (đây là tài sản chung của cha mẹ tôi, cha tôi chết năm 1998).
Hỏi: Năm 2000, mẹ tôi lập văn bản ủy quyền, có nội dung mẹ ủy quyền cho anh tôi (N.V.B.) thay bà giải quyết tranh chấp liên quan đến cây cối trên mảnh đất do bà đứng tên (đây là tài sản chung của cha mẹ tôi, cha tôi chết năm 1998). Nay anh tôi đến UBND xã lập giấy ủy quyền cho người khác có nội dung được thay anh tôi quản lý sử dụng quyền sử dụng đất của mẹ tôi (mẹ tôi chết năm 2005), việc ủy quyền trên có hợp pháp không? Xin được luật sư hướng dẫn.
Ngô Nguyễn Hải (huyện Định Quán)
Trả lời: Theo thông tin bạn cung cấp thể hiện quyền sử dụng đất là tài sản chung của cha mẹ bạn, do có tranh chấp liên quan đến cây trồng trên đất nên bà đã ủy quyền cho anh của bạn thay bà giải quyết các vấn đề liên quan đến sự việc trên. Hiện nay người anh sử dụng văn bản ủy quyền giữa mẹ và anh của anh để ủy quyền cho người khác có nội dung khác với nội dung mà bà đã ủy quyền như vậy là không đúng ý chí của bà, mặt khác trong văn bản ủy quyền không thể hiện việc cho ủy quyền lại.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 1 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền. Về việc chấm dứt việc ủy quyền được Bộ luật Dân sự quy định như sau: hợp đồng đã được hoàn thành; theo thỏa thuận của các bên; cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện...
Như vậy, người anh sử dụng văn bản ủy quyền giữa mẹ và anh của anh lập năm 2000 để lập giấy ủy quyền lại cho người khác là không phù hợp với quy định pháp luật dân sự.
Để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, anh có thể khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố văn bản ủy quyền trên vô hiệu. Vì cha mẹ anh chết không để lại di chúc nên vấn đề thừa kế được chia theo pháp luật, anh có thể thỏa thuận với các đồng thừa kế khác về việc phân chia di sản thừa kế, hoặc khởi kiện tòa án ở địa phương có đăng ký quyền sử dụng đất để giải quyết.
LS.Ngô Văn Định