Tham gia mạng xã hội (MXH) với tư cách cá nhân, nhưng không ít chủ tài khoản lại lấy tên tài khoản giống như tên của cơ quan, đơn vị, vùng miền, thậm chí còn mạo danh những vị lãnh đạo quốc gia, chính khách nước ngoài... khiến người xem nhầm lẫn, hoang mang khi không phân biệt được thật - giả.
Tham gia mạng xã hội (MXH) với tư cách cá nhân, nhưng không ít chủ tài khoản lại lấy tên tài khoản giống như tên của cơ quan, đơn vị, vùng miền, thậm chí còn mạo danh những vị lãnh đạo quốc gia, chính khách nước ngoài... khiến người xem nhầm lẫn, hoang mang khi không phân biệt được thật - giả.
Một trang Facebook cá nhân lấy tên đại diện cả một cộng đồng (ảnh minh họa) |
Việt Nam xếp vị trí thứ 7 thế giới với 58 triệu người dùng MXH Facebook. Với mức độ phát tán và tầm ảnh hưởng rộng lớn của MXH này, những tài khoản mạo danh đang gây nhiễu loạn thông tin, ít nhiều có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
* Thích thì đặt
Khi vào trang Facebook cá nhân, nhập cụm từ tìm kiếm Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội chỉ trong vòng 3 giây, nhiều tài khoản Facebook cùng tên xuất hiện. Có những trang có đầy đủ quốc huy cùng hình ảnh, thông tin và các bài viết liên quan đến hoạt động của Chính phủ, những cuộc tiếp đón chính khách nước ngoài… Thông tin trong những trang này khá phong phú, tuy nhiên vẫn có những bài viết, thông tin được đăng tải với tư cách cá nhân có nội dung gây kích động, hoang mang cho người đọc. Với sự tồn tại của nhiều tài khoản cùng tên kiểu này, người dân không biết trang nào là chính thống, trang nào là giả mạo…
Điều 122 Bộ luật Hình sự quy định tội vu khống như sau: Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. |
Tương tự, khi tìm trang Facebook cá nhân một số lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên Facebook cũng có hàng chục trang hiện ra với hình ảnh cá nhân cũng như các hoạt động trong và ngoài nước của các đồng chí lãnh đạo… Điều đáng nói, những trang mạo danh này đăng tải lồng ghép những thông tin không đúng sự thật, những phát ngôn và hình ảnh của lãnh đạo quốc gia được cắt cúp, ghép nối có tính chất nhạy cảm khiến người đọc dễ bị nhầm lẫn, suy diễn, có những bình luận phản bác, bêu xấu lãnh đạo quốc gia. Và trên các trang này cũng tràn ngập quảng cáo sản phẩm từ “thượng vàng” đến “hạ cám”.
Lợi dụng kẽ hở pháp luật hiện chưa có quy định việc chọn tên tài khoản trên mạng xã hội, nhiều người đã tự đặt theo ý mình với nhiều mục đích khác nhau. Ngoài việc đưa tin giả, tin độc nhằm nhiễu loạn thông tin, kích động, chống phá Đảng và Nhà nước thì nhiều đối tượng lấy tên Facebook theo kiểu đại diện cho một vùng miền, địa danh, người nổi tiếng, chính trị gia... còn nhằm mục đích “câu like”, quảng cáo thu lợi nhuận.
* Khó quản lý...
Qua giới thiệu của một người quen, chúng tôi trao đổi qua điện thoại với admin (quản trị viên trang web, trang MXH hay diễn đàn trực tuyến) của một trong những trang mạng xã hội đang thu hút khá đông người theo dõi. Admin này cho biết, công việc hằng ngày của admin này là thu thập, cập nhật thông tin, sự kiện “nóng” trong tỉnh, trong nước rồi đưa lên trang để thu hút người like (thích), view (xem), share (chia sẻ). Nếu số lượt like, view, share càng lớn thì trang mạng này càng được nhiều người biết đến. Người quản lý trang mạng có thể cho các doanh nghiệp, cá nhân “thuê đất” trên trang này để quảng cáo sản phẩm. Số lượt like, view, share càng cao thì giá tiền “thuê đất” càng đắt.
Cũng chính vì muốn “câu like”, không ít trang mạng xã hội lấy tên các địa danh còn chia sẻ, đăng tải những thông tin, vụ án không có thật gây xôn xao dư luận. Điển hình như một tài khoản mạng xã hội có đông người theo dõi ở TP.Biên Hòa có đăng thông tin về vụ một người đàn ông ở trọ tại phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) bị chặt đứt đầu. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, thời điểm đó trên địa bàn hoàn toàn không có vụ việc này, tất cả hình ảnh được cắt ghép, thông tin “sốc” chỉ để... “câu view”.
Về việc lấy tên trang cá nhân là địa danh, admin nêu trên giải thích: “Muốn có nhiều người ghé xem trang của mình thì phải lấy tên cộng đồng, tên địa danh mới tạo được sự quan tâm và tin tưởng của nhiều người”.
Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Giang Thị Thu Nga thừa nhận rất khó có thể quản lý MXH. Facebook cá nhân là trang thông tin điện tử cá nhân được thiết lập thông qua sử dụng dịch vụ MXH.
Theo quy định của pháp luật, trang thông tin điện tử cá nhân chỉ được cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không được đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật Việt Nam không quy định việc đặt tên tài khoản Facebook của cá nhân, dẫn đến việc “loạn” tên tài khoản Facebook, có thể gây hiểu nhầm cho người sử dụng MXH.
“Việc đặt tên tài khoản Facebook kiểu đại diện tổ chức Đảng, chính quyền, vùng miền hay mạo danh lãnh đạo quốc gia, người nổi tiếng... dễ gây hiểu lầm đây là trang chính thức của các tổ chức, cá nhân đó, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là làm nhiễu loạn thông tin, mất an toàn, an ninh xã hội” - bà Nga nói.
Bà Giang Thị Thu Nga cho biết, nếu cá nhân nào giả mạo Facebook, giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt từ 20-30 triệu đồng (theo Điểm Đ, Khoản 3, Điều 64, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 3-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện). Tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm từ việc giả mạo Facebook của người khác, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu theo một hoặc những tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Bộ Thông tin - truyền thông đang xây dựng dự thảo và lấy ý kiến về Bộ Quy tắc ứng xử cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam. Theo đó, những cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước khi sử dụng MXH phải lấy tên thật, ảnh thật và công khai cơ quan đang công tác của mình. Bộ quy tắc này cũng đề xuất những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải ứng xử có văn hóa trên MXH, chia sẻ thông tin mang tính khách quan, trung thực và công bằng; không được cung cấp thông tin nội bộ liên quan đến cá nhân, tổ chức của mình khi chưa được ủy quyền của cơ quan có thẩm quyền... |
Phương Liễu