Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cung cấp nước sạch, giảm khai thác nước ngầm

11:11, 29/11/2019

Hoạt động khai thác nước ngầm (khoan giếng) vượt quá ngưỡng an toàn đang diễn ra tại nhiều địa phương. Hậu quả của tình trạng này không chỉ gây sụt giảm trữ lượng nước ngầm, sụt lún đất mà còn là nguyên nhân gây ô nhiễm cho chính nguồn nước.

Hoạt động khai thác nước ngầm (khoan giếng) vượt quá ngưỡng an toàn đang diễn ra tại nhiều địa phương. Hậu quả của tình trạng này không chỉ gây sụt giảm trữ lượng nước ngầm, sụt lún đất mà còn là nguyên nhân gây ô nhiễm cho chính nguồn nước.

Một nhà vườn ở huyện Định Quán khoan giếng ngầm để lấy nước tưới cho vườn ca cao
Một nhà vườn ở huyện Định Quán khoan giếng ngầm để lấy nước tưới cho vườn ca cao

* Nhiều địa phương khai thác nước ngầm đến mức báo động

Thông tin từ Sở Tài nguyên - môi trường cho biết, trữ lượng nước ngầm trên địa bàn Đồng Nai vào khoảng 24 tỷ m3. Trong đó trữ lượng nước thường trực khoảng 6 tỷ m3, còn nước quá cảnh hằng năm là 18 tỷ m3. Hiện tổng trữ lượng khai thác trung bình toàn tỉnh ở mức 1,4 triệu m3/ngày, đây là mức khai thác  nằm trong ngưỡng an toàn. Song, xét tỷ lệ khai thác nước tại từng địa phương, thì đã có 4 địa phương khai thác lượng nước ngầm vượt quá ngưỡng an toàn, đó là Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa và Long Khánh, trong đó huyện Nhơn Trạch là địa bàn có hoạt động khai thác nước ngầm diễn ra đáng báo động.

Toàn huyện Nhơn Trạch hiện có khoảng 37 ngàn công trình khai thác nước ngầm đang hoạt động. Ngưỡng khai thác cho phép ở địa phương này không quá 14 ngàn m3/ngày, nhưng hiện Nhơn Trạch đã khai thác đến 103 m3/ngày, tỷ lệ khai  thác đạt 46% tổng lượng nước ngầm hiện có, vượt trữ lượng khai thác an toàn đến 7,35 lần (vượt ngưỡng an toàn hơn 14 ngàn m3/ngày). Lượng nước ngầm khai thác trên địa bàn này chủ yếu phục vụ cho 83% nhu cầu sử dụng nước trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Điều đáng nói là nhiều công ty, xí nghiệp trên địa bàn, dù đã có nước máy nhưng vẫn khai thác và sử dụng nước ngầm.

Kết quả quan trắc của Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường) cho thấy, chất lượng nước ngầm ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm bởi tình trạng sụt giảm trữ lượng nước ngầm, nhiều vùng khai thác nước ngầm có khoảng cách không an toàn với bãi rác, nghĩa trang, các nguồn thải nguy hại trong hoạt động sản xuất công nghiệp, chăn nuôi quy mô lớn...

Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, trước tình hình trữ lượng và chất lượng nước ngầm đều giảm sút, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước ngầm, trong đó huyện Cẩm Mỹ có 13 khu vực cấm khai thác và 6 khu vực hạn chế khai thác nước ngầm; huyện Nhơn Trạch có 1 khu vực bị cấm và 20 khu vực hạn chế; riêng TP.Biên Hòa có 14 khu vực bị cấm và 35 khu vực hạn chế... nhằm bảo đảm sự phục hồi cho nguồn nước ngầm.

“Khai thác nước ngầm với sản lượng quá lớn không chỉ gây nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, sụt lún đất mà còn tạo điều kiện xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước ngầm” - ông Nguyễn Ngọc Hưng nhấn mạnh.

* Chủ động nguồn nước sạch cho dân

Để bảo vệ nguồn nước ngầm trước nguy cơ bị khai thác cạn kiệt; đồng thời hoàn thành chỉ tiêu về nước sạch nông thôn, phục vụ cho việc xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, những năm gần đây, tỉnh đã đầu tư xây dựng, lắp đặt mới hàng chục công trình cung cấp nước với hàng trăm cây số đường ống để cung cấp nước sạch đến cho người dân, đặc biệt là những vùng nông thôn.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 93 công trình cấp nước sạch, tập trung ở các vùng nông thôn của các huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Thống Nhất và TP.Long Khánh với công suất thiết kế cung cấp đủ cho khoảng 380 ngàn dân. Từ nỗ lực này, tính đến tháng 10-2019, đã có 75% số hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch, phấn đấu đến cuối năm 2020, mạng lưới nước sạch sẽ đến được 100% hộ dân.

Theo khuyến cáo của Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Hưng, những nơi đã có nước máy, người dân không nên sử dụng nước ngầm kể cả những hộ nằm ngoài danh sách hạn chế khai thác nước ngầm. Bởi nguồn nước ngầm tại nhiều nơi đang bị ô nhiễm, nước không qua xử lý chất lượng không đảm bảo.

Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) Trần Ngọc Ánh cho biết, từ năm 2010 đến nay trung tâm được giao nhiệm vụ xây dựng, quản lý và vận hành 13 công trình cấp nước sạch, trong đó có 2 công trình khai thác nước mặt và 11 công trình khai thác nước ngầm. Hiện trung tâm đang khai thác và cung cấp nước sinh hoạt cho từ 5,8-6,5 ngàn hộ dân ở các huyện: Tân Phú, Xuân Lộc, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Thống Nhất và TP.Long Khánh với sản lượng nước cấp từ 80-90 ngàn m3 nước mỗi tháng. Tuy nhiên, theo ông Ánh, tại nhiều khu vực như Lang Minh (huyện Xuân Lộc), Xuân Thạnh (huyện Tân Phú) trữ lượng nước ngầm giảm sút, gây khó khăn trong việc khai thác và cung cấp nước cho người dân.

Trước tình trạng thiếu nước sạch ở một số vùng nông thôn mùa nắng nóng, nhiều địa phương đã chủ động đầu tư các công trình cấp nước sạch cho dân. Trong năm 2019, huyện Định Quán đã tập trung đầu tư 3 công trình cấp nước với sản lượng thiết kế cho khoảng 1,3 ngàn hộ. Trong năm 2020, huyện sẽ đầu tư thêm 3 dự án nước sạch để cung cấp nước cho khoảng 10 ngàn hộ dân, tính đến cuối năm 2020, huyện Định Quán sẽ đạt 90% hộ dân được sử dụng nước sạch.

Tại Cẩm Mỹ, toàn huyện có 12 công trình cấp nước tập trung nhưng phần lớn là trạm có quy mô nhỏ, nguồn nước ít nên khó khăn nhiều trong việc cung cấp đủ nước sạch cho người dân. Trong năm 2020, huyện sẽ đầu tư thêm 3 công trình cấp nước sạch để đến năm 2020 huyện sẽ đạt chỉ tiêu nước sạch nông thôn.

An Nhiên

Tin xem nhiều