(ĐN) - Ngày 27-9, bà Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phượng (huyện Nhơn Trạch) gửi hồ sơ lên UBND huyện Nhơn Trạch xin đổi hộ tịch thành Nguyễn Thị Kim Phượng.
(ĐN) - Ngày 27-9, bà Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phượng (huyện Nhơn Trạch) gửi hồ sơ lên UBND huyện Nhơn Trạch xin đổi hộ tịch thành Nguyễn Thị Kim Phượng. Lý do bà Phượng yêu cầu bỏ chữ đệm Kim Hoàng vì tên dài nên bất tiện trong một số thủ tục mở thẻ ATM. Theo quy định của ngành ngân hàng, khi mở thẻ, độ dài của tên tối đa 26 ký tự (kể cả khoảng trắng), trong khi tên của bà là 33 ký tự nên chi nhánh không thể thực hiện được.
Ban đầu, UBND huyện Nhơn Trạch không chấp nhận thay đổi chữ đệm trong tên của bà Phượng vì cho rằng yêu cầu của bà không phù hợp với quy định của pháp luật, không thuộc một trong các trường hợp được công nhận việc thay đổi tên theo quy định tại Khoản 1, Điều 28, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tuy nhiên, qua phản ảnh của bà Phượng, Sở Tư pháp đã yêu cầu UBND huyện Nhơn Trạch linh động thực hiện thủ tục đổi tên cho bà Phượng vì bà có lý do chính đáng.
Về vấn đề này, Luật gia Lê Văn Nhân (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, hiện pháp luật không cấm đặt tên dài vì đó là quyền của cha mẹ khi khai sinh cho con. Tuy nhiên, việc đặt tên quá dài (không thuộc những trường hợp được quyền đổi tên theo quy định tại Khoản 1, Điều 28, Bộ luật Dân sự năm 2015) cũng phát sinh nhiều bất lợi trong cuộc sống, trong một số giao dịch dân sự như trường hợp của bà Phượng. Do đó, việc cơ quan tư pháp cho phép công dân đổi tên, ngoài việc căn cứ vào các quy định pháp luật cũng cần xem xét đến lý do chính đáng của công dân là một cách giải quyết linh hoạt cho người dân.
Đoàn Phú