Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn thận khi mua đồ điện tử cũ

12:12, 31/12/2019

Thời điểm cuối năm, thị trường mua bán đồ điện tử cũ (thường là điện thoại, máy tính bảng, máy ảnh...) diễn ra khá xôm tụ, nhất là ở các cửa hàng kinh doanh điện thoại hoặc trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo...). Giữa vô số các lời mời chào "hàng xịn, giá mềm", người mua không khó để tìm được món đồ cần tìm nhưng để chọn được món hàng còn sử dụng tốt là điều không dễ dàng.

Thời điểm cuối năm, thị trường mua bán đồ điện tử cũ (thường là điện thoại, máy tính bảng, máy ảnh...) diễn ra khá xôm tụ, nhất là ở các cửa hàng kinh doanh điện thoại hoặc trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo...). Giữa vô số các lời mời chào “hàng xịn, giá mềm”, người mua không khó để tìm được món đồ cần tìm nhưng để chọn được món hàng còn sử dụng tốt là điều không dễ dàng.

Nhiều tài khoản mạng xã hội rao bán các điện thoại, máy tính bảng cũ với mức giá hấp dẫn. Ảnh: Minh Thành
Nhiều tài khoản mạng xã hội rao bán các điện thoại, máy tính bảng cũ với mức giá hấp dẫn. Ảnh: Minh Thành

Đa phần những khách hàng đi “săn” đồ điện tử cũ tại các cửa hàng hoặc trên Facebook đều có mong muốn tìm được mặt hàng có giá “mềm”, phù hợp túi tiền.  

* Mua hàng vì... rẻ

Như mọi năm, cứ vào khoảng tháng 12 là anh C.N.T. (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) lại tìm mua điện thoại cũ trên các trang mạng xã hội, website các cửa hàng kinh doanh điện thoại để về sử dụng. Theo anh T., hiện nay mẫu mã điện thoại thay đổi liên tục. Nhiều thương hiệu ra mắt mẫu sản phẩm mới từ đầu năm, đến cuối năm sẽ hạ giá mẫu sản phẩm cũ của các năm trước về mức hợp túi tiền hơn. Mặt khác, nhiều người sành điệu vào cuối năm cũng thường đổi điện thoại. Do đó, vào thời điểm này dễ mua được máy cũ nhưng chất lượng vẫn còn tốt, trong khi giá tiền chỉ bằng 30-50% giá sản phẩm mới (tùy thời gian đã sử dụng).

Theo một số nhân viên cửa hàng kinh doanh điện thoại tại TP.Biên Hòa, lượng khách tìm đến mua hàng đã qua sử dụng đông không kém khách đến mua hàng mới. Do muốn tăng doanh số bán hàng, “xả” bớt hàng trong kho để nhập về hàng mới nên thời điểm cuối năm này, nhiều cửa hàng áp dụng các đợt khuyến mãi lớn như giảm giá, thu đổi máy cũ cho khách... Đặc biệt từ giữa tháng 12-2019 đến nay, các mẫu điện thoại, máy tính bảng cũ đều liên tục được giảm giá, so với mức giá từ tháng 11 đã giảm từ 1-2 triệu đồng/sản phẩm (tùy mẫu sản phẩm).

Anh N.P.H. (nhân viên một cửa hàng điện thoại, máy tính bảng trên đường 30-4, TP.Biên Hòa) cho hay, khoảng 2-3 năm trở lại đây, do được một số công ty tài chính hỗ trợ trả góp khi mua sản phẩm cũ nên xu hướng người mua dịp cuối năm tăng cao và phần lớn là mua máy cũ với ngoại hình đẹp. Anh H. nói thêm: “Những sản phẩm đầu bảng có giá cao tới 30 triệu đồng khi vừa ra mắt vào quý II, quý III năm ngoái thì năm nay giá sản phẩm cũ với chất lượng tốt chỉ còn khoảng 15 triệu đồng. Nếu là sản phẩm từ năm 2017, 2016 hoặc thậm chí năm 2015, giá sẽ còn thấp hơn nữa”.

* “Cuộc chơi” may rủi

Trên thực tế, mức giá cho các sản phẩm điện tử cũ rất hấp dẫn nhưng kèm theo đó là không ít rủi ro mà ít người lường trước được, trừ người có kinh nghiệm hoặc làm trong lĩnh vực mua bán, sửa chữa thiết bị điện tử. Do là hàng cũ, lại là hàng “xách tay” mua qua các tài khoản mạng xã hội, các cửa hàng nhỏ nên gần như người mua sẽ không nhận được đầy đủ phụ kiện đi kèm. Bên cạnh đó, dù được người bán, cửa hàng cam kết “mới 99%”, “phát hiện giả đền gấp đôi”... nhưng sản phẩm đã bị sửa chữa, “bung máy” hay chưa, không phải ai nhìn vào cũng biết.

Chị H.T.T. (ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) kể: “Năm 2018, tôi mua một chiếc điện thoại cũ về xài, lúc mua chỉ thấy hình thức đẹp, giá rẻ, lướt màn hình cũng “mượt” nên không để ý nhiều. Mấy ngày sau thấy pin tụt nhanh quá, màn hình lại có cảm giác không sắc nét, nhờ một người khác kiểm tra mới biết là máy đã từng bị thay màn hình và có sửa chữa một số thứ bên trong rồi”.

Theo nhiều người có kinh nghiệm mua, sử dụng đồ điện tử cũ, không chỉ pin, màn hình... mà bất kỳ linh kiện nào trên các đồ điện tử cũ đều có nguy cơ bị thay thế. Để mua được một sản phẩm đã qua sử dụng còn tốt, người mua đừng ngại ngồi lâu trong cửa hàng để kiểm tra máy. Tốt nhất nên thử tải về các ứng dụng tương đối nặng để thử độ hao pin, màn hình, âm thanh, quá trình hoạt động có “mượt” không. Hoặc nên tìm một người bạn có kinh nghiệm trong lĩnh vực này đi cùng khi mua để có sự đánh giá khách quan hơn.

Ông Huỳnh Kim Hóa, Quyền Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Cục Quản lý thị trường Đồng Nai khuyến cáo: “Các sản phẩm điện tử được bán trên thị trường phải được dán tem, giấy tờ in tên, chức năng, mẫu mã bằng tiếng Việt. Nếu mua các sản phẩm “trôi nổi”, không rõ nguồn gốc xuất xứ, người mua có thể mua nhầm các loại hàng kém chất lượng, hàng giả. Lúc đó mua hàng rẻ lại thành ra mua đắt vì mất tiền mà không sử dụng được”.

Minh Thành

Tin xem nhiều