Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng

10:12, 04/12/2019

Từ ngày 1-1-2019, Đồng Nai thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc bãi bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020. Do đó, trong năm 2019 đã có thêm nhiều văn phòng công chứng (VPCC) mới được thành lập (không còn bị giới hạn về số lượng VPCC theo quy hoạch như trước đây).

Từ ngày 1-1-2019, Đồng Nai thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc bãi bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020. Do đó, trong năm 2019 đã có thêm nhiều văn phòng công chứng (VPCC) mới được thành lập (không còn bị giới hạn về số lượng VPCC theo quy hoạch như trước đây).

Công chứng viên Văn phòng công chứng Thạnh Phú  (huyện Vĩnh Cửu) kiểm tra hồ sơ, giấy tờ của khách hàng trước khi công chứng, chứng thực. Ảnh: Đoàn Phú
Công chứng viên Văn phòng công chứng Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) kiểm tra hồ sơ, giấy tờ của khách hàng trước khi công chứng, chứng thực. Ảnh: Đoàn Phú

Nhiều ý kiến bạn đọc Báo Đồng Nai cho rằng, hoạt động công chứng hiện vẫn còn những hạn chế, bất cập, cần tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, tránh để phát triển tràn lan.

* Còn nhiều bất cập

Theo Sở Tư pháp, từ đầu năm 2019 đến nay, UBND tỉnh cấp phép thành lập 24 VPCC mới, nâng tổng số tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh lên 44 tổ chức. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong giao dịch, công chứng các hợp đồng. Tuy nhiên, cũng theo Sở Tư pháp, việc phát triển các VPCC hiện vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm.

Hiện nay, các tổ chức hành nghề công chứng chủ yếu tập trung ở các khu vực đông dân cư, khu vực đô thị như: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom. Các địa phương còn lại chưa có nhiều tổ chức hành nghề công chứng, gây bất tiện cho người dân những địa phương này khi cần giao dịch phải đi lại xa xôi.

Ngoài ra, qua công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đánh giá vẫn còn đơn vị thực hiện chưa đúng quy định về lập sổ sách, lưu trữ hồ sơ, thực hiện chế độ báo cáo, chứng từ kế toán, thù lao công chứng, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chứng viên, nghiệp vụ công chứng... Thậm chí vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa một số VPCC như: thực hiện công chứng ngoài trụ sở, lập các chi nhánh hay văn phòng giao dịch không đúng quy định...

Cũng theo Sở Tư pháp,  hiện nay cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn chưa hoàn thiện nên việc cập nhật các thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của các tài sản và biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến giao dịch, hợp đồng đã được công chứng… còn khó khăn. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chứng viên của các tổ chức hành nghề công chứng hằng năm đều triển khai nhưng chưa đáp ứng yêu cầu...

Do đó, qua công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Tư pháp cho thấy, một số VPCC vẫn còn sai sót về nghiệp vụ như: trong phiếu yêu cầu công chứng không ghi thời điểm tiếp nhận hồ sơ; người nhận hồ sơ ký tên nhưng không ghi rõ họ, tên; hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất không ghi thông tin giấy tùy thân của người đại diện tổ chức ký hợp đồng giao dịch; công chứng hợp đồng giao dịch thiếu chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu công chứng vào từng trang của hợp đồng, giao dịch...

* Quản lý chặt chẽ để tránh phát triển tràn lan

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho biết, để đảm bảo chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn; giá trị pháp lý các hợp đồng, giao dịch được công chứng; quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, tổ chức..., trong thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục quan tâm đến công tác hướng dẫn nghiệp vụ, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh với các cơ quan có liên quan.

“Mục đích của việc xây dựng quy chế phối hợp là nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, tổ chức, địa phương có liên quan để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả quản lý nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, tổ chức trong các giao dịch, hợp đồng công chứng” - Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào nói.

Để đảm bảo chất lượng hoạt động của các VPCC, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh quy định về tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập VPCC trên địa bàn tỉnh. 7 tiêu chí chấm điểm gồm: tổ chức nhân sự của VPCC, trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, khả năng quản trị của trưởng VPCC, quy trình nghiệp vụ và lưu trữ, điều kiện thực hiện các quy định về phòng, chống cháy nổ, tính khả thi của đề án thành lập VPCC.

Ông Phạm Văn Hùng, Phó chủ tịch Hội Công chứng tỉnh, Trưởng VPCC Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) bày tỏ, việc xóa bỏ quy hoạch công chứng đồng nghĩa với việc xóa bỏ rào cản việc thành lập mới các tổ chức công chứng và sự phân biệt công chứng công (phòng công chứng) với công chứng tư (VPCC).

“Để hoạt động công chứng đi vào nề nếp, hiệu quả, đúng luật, tránh những “con sâu làm sầu nồi canh” thì các tổ chức hành nghề công chứng cần phải biết bảo vệ uy tín của tổ chức, nghề nghiệp. Đó là tuân thủ đúng quy định pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao tinh thần phục vụ, đừng quá đặt nặng lợi ích kinh tế và cần phải tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong giao dịch, công chứng các hợp đồng” - ông Phạm Văn Hùng bày tỏ.

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào nhấn mạnh, việc xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập VPCC trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, đúng quy định pháp luật, đảm bảo 7 tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập VPCC trên địa bàn tỉnh.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Công ty Dịch Thuật Tốt Hà Nội