Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua có hàng loạt quy định mới, quan trọng đối với người lao động. Trong đó có quy định về thưởng Tết cho người lao động có thể bằng hiện vật đang được nhiều người lao động quan tâm.
Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua có hàng loạt quy định mới, quan trọng đối với người lao động. Trong đó có quy định về thưởng Tết cho người lao động có thể bằng hiện vật đang được nhiều người lao động quan tâm.
Nhiều người lao động mong muốn nhận thưởng Tết bằng tiền hơn là chỉ nhận quà. Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại một công ty sản xuất giày tại huyện Long Thành. Ảnh: K. Liễu |
Bộ luật Lao động mới đã mở rộng khái niệm tiền thưởng - không chỉ là tiền mà còn bằng các hình thức khác. Theo đó, từ ngày 1-1-2021, doanh nghiệp có thể thưởng (bao gồm cả thưởng Tết) cho người lao động bằng hiện vật chứ không chỉ là tiền thưởng như quy định hiện nay.
* Thưởng bằng tiền thiết thực hơn
Tại Điều 104, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy định này khiến nhiều người lao động băn khoăn, lo lắng.
Những ngày qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định này. Nhiều người cho rằng, quy định đa dạng hình thức thưởng là tốt, tuy nhiên nếu người sử dụng lao động chỉ thưởng bằng hiện vật mà không thưởng tiền thì rất khó cho người lao động, nhất là vào dịp Tết.
Chị Trần Thị Ngọc Bích (ngụ xã Lộc An, huyện Long Thành) bày tỏ lo lắng, hơn 10 năm nay, chị làm công nhân cho công ty sản xuất giày xuất khẩu. Cuối năm mỗi công nhân đều được công ty thưởng lương tháng 13. Với số tiền này, công nhân có điều kiện để mua sắm, chi tiêu trong những ngày Tết. Theo quy định mới, nếu sang năm công ty đổi sang thưởng bằng sản phẩm, không tặng tiền thì chị và nhiều công nhân khác không biết lấy gì sắm Tết.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thương, công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) bày tỏ: “Làm việc cả năm, ai cũng mong tiền thưởng để mua sắm Tết, gửi tiết kiệm, biếu cha mẹ… Nếu dựa vào quy định này, các doanh nghiệp quy đổi tiền thưởng bằng sản phẩm, dịch vụ không phù hợp với nhu cầu, không có giá trị tương xứng với mức tiền thưởng thì người lao động phải làm sao?”.
Nhiều ý kiến từ người lao động cho rằng, quy định trên là chưa phù hợp, việc quy đổi tiền thưởng bằng hiện vật có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý người lao động bởi nó không thiết thực. “Theo tôi, thưởng Tết nên dùng tiền mặt là thiết thực nhất vì mức lương hiện nay chưa đủ đáp ứng nhu cầu sống của người lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh. Đi làm cả năm mà Tết về không có dư để mua sắm, biếu tiền cha mẹ lo Tết quả thật sẽ rất buồn” - anh Vũ Quang Trung (quê tỉnh Nam Định, tạm trú phường Phước Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ.
* Tránh lo lắng không cần thiết
Mới đây, khi trả lời các cơ quan truyền thông về vấn đề này, ông Doãn Mậu Diệp, Phó trưởng ban Soạn thảo Bộ luật Lao động năm 2019, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho rằng, việc quy định nhiều hình thức thưởng thay vì chỉ thưởng bằng tiền nhằm mở rộng phạm vi, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn cuộc sống vì hiện nay nhiều đơn vị sử dụng lao động áp dụng nhiều hình thức khuyến khích người lao động thông qua thưởng Tết bằng các chuyến tham quan du lịch, vé tàu, xe để về quê, những hiện vật có giá trị như: đồ gia dụng, xe máy…
Ông Doãn Mậu Diệp cho rằng, người lao động không cần phải quá lo lắng, bởi bên cạnh quy định đa dạng hình thức thưởng, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Về vấn đề này, luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) cũng cho rằng, người lao động không nên quá lo lắng về quy định này. Bởi hiện tại quy định chưa có hiệu lực thực thi, đến cuối năm 2021 mới áp dụng. Khi đó, Chính phủ sẽ ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện trên cơ sở để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.
Luật sư Vũ Ngọc Hà lưu ý, để đảm bảo quyền lợi, người lao động nên xem kỹ những điều khoản, tiền thưởng và phúc lợi ngay khi ký hợp đồng với đơn vị sử dụng lao động. Khi chủ sử dụng lao động xây dựng và ban hành quy chế thưởng, người lao động có thể kiến nghị khi cho rằng không hợp lý.
Kim Liễu