Báo Đồng Nai điện tử
En

Cận Tết lại lo 'quá tải' ATM

10:01, 14/01/2020

Nhiều ngân hàng đã nỗ lực cao nhất trong việc chủ động tiền mặt, bảo đảm giao dịch ATM thông suốt, an toàn trong dịp Tết Nguyên đán 2020, song trên thực tế, việc "quá tải" vẫn còn xảy ra...

Nhiều ngân hàng cho biết đã nỗ lực cao nhất trong việc chủ động tiền mặt, bảo đảm giao dịch ATM thông suốt, an toàn trong dịp Tết Nguyên đán 2020. Tuy nhiên trên thực tế, vào những ngày gần Tết, việc “quá tải” ở nhiều trụ ATM vẫn còn xảy ra do các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị chi trả lương thưởng, nhu cầu rút tiền tăng đột biến...

Nhiều người chờ rút tiền qua ATM đặt tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu
Nhiều người chờ rút tiền qua ATM đặt tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu

Từ ngày 10-1 đến nay, vào các giờ cao điểm, tình trạng phải chờ đợi, xếp hàng rút tiền tại các trụ ATM diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ở một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

* Giao dịch tại ATM bắt đầu tăng cao

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai tại các trụ ATM gần hoặc trong các khu công nghiệp ở TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Trảng Bom… trong những ngày gần đây, lượng người đến giao dịch đã bắt đầu tăng do một số doanh nghiệp chi lương, thưởng Tết sớm. Tuy nhiên các lỗi kỹ thuật như: máy hết tiền, thiết bị ATM “không chịu nhả tiền” khi khách giao dịch… vẫn còn xảy ra.

Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, các ngân hàng sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng nếu các ATM ngừng hoạt động quá 24 tiếng mà không báo cáo với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thuộc địa bàn và thông báo rộng rãi cho khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Thanh (ngụ xã Lộc An, huyện Long Thành) cho biết, công ty trả lương cho công nhân vào ngày 10 hằng tháng. Do ngại chờ rút tiền nên đến trưa 11-1, chị tranh thủ ra trụ ATM bên ngoài Công ty TNHH Changsin Việt Nam (xã Lộc An, huyện Long Thành) để rút tiền nhưng ATM lại báo không giao dịch được. Chờ đến giờ tan ca chiều, chị phải xếp hàng chờ tới lượt hơn 20 phút mới rút được tiền lương.

“Ngày 16-1 tới đây, công ty sẽ trả thưởng không biết “điệp khúc chờ” có lặp lại không, chứ như Tết năm ngoái thì khổ lắm. Tôi chờ gần cả tiếng mới tới lượt nhưng máy ATM bị treo không rút được tiền, phải đến các ATM của ngân hàng khác rút và trả phí giao dịch gấp 3 lần so với việc rút cùng hệ thống máy của ngân hàng phát hành thẻ, tôi thấy rất phiền phức, tốn kém” - chị Thanh phản ảnh.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai vào lúc 18 giờ ngày 13-1, tại các trụ ATM ở Khu công nghiệp Amata (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) lượng người chờ rút tiền vẫn còn khá đông. Một điểm giao dịch ATM đặt ngay đầu cổng khu công nghiệp có 6 trụ nhưng chỉ có 5 trụ hoạt động, trụ còn lại nhận thẻ nhưng “không chịu nhả tiền” cho khách. Nhiều người không đủ kiên nhẫn chờ đợi nên đã bỏ đi nơi khác để rút.

Chị Nguyễn Thị Hồng, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Amata chia sẻ, hôm nay công ty đã trả lương nên chị tranh thủ đi rút tiền sớm để tránh tình trạng dồn ứ vào những ngày giáp Tết. Chị Hồng cho biết mấy ngày nay đi rút tiền đã phải chờ đợi lâu, nếu đến cận Tết, các công ty đồng loạt chi trả tiền thưởng thì lo ATM sẽ lại “quá tải” vừa chờ đợi lâu mà cũng dễ xảy ra sự cố treo máy hoặc ATM hết tiền như những năm trước.

Tương tự, tại các trụ ATM của các ngân hàng đặt tại khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) tình trạng xếp hàng chờ đợi tới lượt rút tiền cũng xảy ra. Bảo vệ một điểm ATM tại khu vực này cho biết, lượng người  đến rút tiền tại ATM đã tăng trong mấy ngày gần đây, dự kiến trong những ngày tới sẽ còn tăng cao.

* Để giao dịch thông suốt

Bà Huỳnh Thị Khách Lộc, Phó giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Đồng Nai cho biết, ngân hàng đã đề nghị các doanh nghiệp lớn cung cấp trước thông tin thời điểm chi trả lương, thưởng Tết để ngân hàng chủ động phục vụ. Hiện tại Vietcombank chi nhánh Đồng Nai đang thực hiện chi lương qua ATM cho trên 426 ngàn thẻ ATM. Số lượng khách hàng rút tiền tập trung cao trong thời gian chi lương chủ yếu từ ngày 5-15 hằng tháng. Ngân hàng đã chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết như: bố trí nhân viên trực 24/24, sẵn sàng xử lý sự cố phát sinh, không để thiếu tiền và bảo đảm cho hệ thống ATM thông suốt.

Theo bà Lộc, để giảm tải cho các ATM tránh tình trạng phải chờ đợi lâu, khách hàng nên chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch như sử dụng thẻ ATM để thanh toán qua POS, sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến… Ngoài ra có thể rút tiền tại các điểm giao dịch của ngân hàng, nhất là những trường hợp rút số tiền lớn để tránh tình trạng người sau phải chờ đợi.

Nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương chi nhánh Đồng Nai hướng dẫn khách hàng chuyển tiền qua ATM, hạn chế rút tiền mặt
Nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương chi nhánh Đồng Nai hướng dẫn khách hàng chuyển tiền qua ATM, hạn chế rút tiền mặt

Tương tự, các Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu ACB đã triển khai nhiều phương án phục vụ ATM dịp Tết như: bảo trì và thay thế thiết bị cho các ATM trước đợt chi lương, thưởng Tết; trang bị phần mềm giám sát an ninh giao dịch trên ATM nhằm phát hiện kịp thời những giao dịch bất thường; tăng cường tiếp quỹ đến các máy ATM thường xuyên hơn nhất là tại trụ ATM đặt ở các khu công nghiệp với lượng người lao động đông.

Trao đổi về việc bảo đảm chất lượng, an toàn hoạt động ATM dịp cuối năm, ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thường xuyên giám sát hoạt động của hệ thống ATM, giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ (đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền lớn), phát hiện xử lý kịp thời các sự cố không để gián đoạn trong hoạt động ATM. Đồng thời phải bảo đảm đủ tiền mặt, tiếp quỹ, bảo dưỡng thường xuyên cho các máy ATM hoạt động hiệu quả và thông suốt.

Ông Phạm Quốc Bảo cho biết thêm, để phòng ngừa các sự cố, bất tiện trong giao dịch ở trụ ATM, các ngân hàng phải chủ động có các biện pháp phù hợp nhằm giảm tải cho máy ATM như: tăng cường máy ATM lưu động, chủ động phối hợp với doanh nghiệp để điều chỉnh thời gian trả lương phù hợp, dự phòng phương án chi trả lương, thưởng Tết bằng tiền mặt…, đồng thời phải bảo đảm sự an toàn tại các máy ATM để phục vụ người dân tốt nhất.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, thời gian qua mạng lưới ATM trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn, thông suốt và đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân. Hiện tại toàn tỉnh có hơn 680 máy ATM thuộc 45 chi nhánh ngân hàng lắp đặt. Phần lớn các máy ATM tập trung tại TP.Biên Hòa và các địa phương có nhiều khu công nghiệp, cụ thể: TP.Biên Hòa có khoảng 360 máy, huyện Nhơn Trạch 80 máy, các huyện Long Thành, Trảng Bom đều có hơn 60 máy...

Kim Liễu

Tin xem nhiều
Grand Cru cung cấp hộp quà tết công ty chuyên nghiệpCông ty Văn phòng phẩm Ba nhất