Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2020, dù đang vào cao điểm hút khách. nhưng cả tuần nay, lượng khách đến các nhà hàng, quán nhậu ở TP.Biên Hòa đã giảm hẳn...
Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2020, dù đang vào cao điểm hút khách nhưng cả tuần nay, lượng khách đến các nhà hàng, quán nhậu ở TP.Biên Hòa giảm hẳn. Nguyên nhân được xác định là do lực lượng chức năng tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông để thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Một số nhà hàng, quán nhậu ở TP.Biên Hòa vắng khách. Ảnh: K.Liễu |
Mặc dù nhiều nhà hàng, quán nhậu tìm đủ cách để thu hút, giữ khách như: khuyến mãi giảm giá 10% trên hóa đơn, có dịch vụ đưa đón khách về tận nhà sau cuộc nhậu, phối hợp với các hãng bia tổ chức chương trình bốc thăm tặng quà... nhưng tình hình vắng khách cũng không được cải thiện.
* Nhiều nơi lượng khách giảm đến 60%
Chiều tối 10-1, đúng vào dịp đội tuyển Việt Nam thi đấu với đội UAE tại vòng chung kết U.23 châu Á 2020, nhiều nhà hàng, quán nhậu tổ chức xem truyền hình trực tiếp trận bóng đá thông qua màn ảnh rộng nhưng lượng khách đến ăn uống, cổ vũ cho đội tuyển khá vắng.
Anh Q., chủ một quán nhậu trên đường Nguyễn Ái Quốc (phường Tân Hiệp) cho biết, trước đây vào dịp có các trận bóng do đội tuyển Việt Nam thi đấu quán chật kín khách. Để có chỗ ngồi gần màn hình, khách phải điện thoại đặt bàn trước còn lần này không khí hoàn toàn trái ngược.
“Bình thường mỗi dịp bóng đá, doanh thu của quán có khi tăng gần gấp đôi, gấp ba, chủ yếu là bán bia. Hôm nay U.23 Việt Nam thi đấu mà quán im ắng quá, khách đến chủ yếu kêu nước ngọt là chính” - anh Q. chia sẻ.
Tương tự, tại một nhà hàng lớn trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường Quyết Thắng) không khí “ăn nhậu” cũng khá trầm lắng. Để kéo khách đến quán xem bóng đá, quản lý nhà hàng này đã gửi tin nhắn cho nhiều khách hàng thân thiết thông báo nhà hàng có phối hợp với một hãng bia tổ chức chương trình khuyến mãi, phần thưởng lên đến hàng chục triệu đồng nhưng lượng khách đến vẫn lưa thưa.
Còn tại “phố ăn nhậu” trên đường Võ Thị Sáu hoặc khu vực xung quanh Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục - thể thao Đồng Nai (thuộc KP.3, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa), tình trạng các nhà hàng, quán nhậu cũng không khá hơn là bao. Qua khảo sát của phóng viên Báo Đồng Nai vào tối 10-1, dù chưa đến 22 giờ mà nhiều quán đã “rục rịch” đóng cửa. Trong khi việc này trước đây thường diễn ra sau 23 giờ.
Anh T., quản lý một nhà hàng trên đường Võ Thị Sáu cho biết, sau khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 100) ngày 30-12-2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, lượng khách đến quán bắt đầu giảm dần.
“Bình thường thời điểm này, nhà hàng vào mùa đông khách vì các nơi tổ chức tổng kết tiệc liên hoan, tất niên… Hơn 1 tuần nay, lực lượng chức năng xử phạt vi phạm nồng độ cồn nghiêm quá nên lượng khách giảm hơn 60% so với trước đây” - anh T. cho biết.
* “Dân nhậu” sợ bị phạt
Theo thống kê của lực lượng chức năng, trong tuần đầu ra quân kiểm tra, xử lý các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn, lực lượng cảnh sát giao thông trong toàn tỉnh đã lập biên bản xử lý 99 trường hợp vi phạm.
Một quán nhậu tổ chức xem trực tiếp trận bóng U.23 Việt Nam thi đấu ngày 10-1 nhưng chỉ có vài khách đến và khách chỉ uống nước ngọt chứ không uống bia. Ảnh: K.Liễu |
Mức phạt của Nghị định 100 khá cao, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn. Cụ thể như, mức xử phạt cao nhất đối với người lái ô tô vi phạm từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22-24 tháng. Đối với người lái mô tô, xe máy, mức phạt cao nhất từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22-24 tháng; thậm chí xử phạt cả người đi xe đạp, xe đạp điện có sử dụng rượu, bia.
Ông N.T.T. (ngụ KP.7, phường Thống Nhất) cho biết, khu vực nhà ông ở có nhiều quán nhậu nằm xen kẽ trong khu dân cư, từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, các quán giảm khách, cả khu vực yên ắng hẳn. Không còn phải nghe nhạc xập xình cả đêm, cảnh đậu xe chiếm lòng đường, lái xe loạng choạng vì say cũng giảm hẳn nên bà con trong khu dân cư này rất phấn khởi.
“Mức xử phạt nặng kèm theo chế tài, giữ bằng lái xe có thể lên đến 2 năm nên nhiều người ngại lái xe đi nhậu. Khi bằng lái bị tạm giữ thì coi như “bó tay”, ảnh hưởng đến việc đi lại, làm ăn, nên buộc mọi người phải tuân thủ quy định đã “cầm ly thì không cầm lái” cho chắc ăn” - ông N.T.T. nhận định.
Tương tự anh N.T.L. (ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, làm việc tại TP.Biên Hòa) cho hay, cả tuần nay anh được vợ khen vì về nhà đúng giờ. Trước đây sau giờ tan sở, anh và bạn bè thường rủ nhau “làm vài chai cho vui”, xong lái xe về nhà, giờ thì không dám duy trì thói quen này nữa vì sợ bị phạt.
Nhiều người cho biết, nhờ lực lượng công an ra quân thực hiện nghiêm Nghị định 100 nên nhiều người có lý do chính đáng để từ chối các cuộc nhậu. Anh Nguyễn Thanh Hải (phường Bửu Long) chia sẻ: “Sau khi nhậu xong, tôi đón Grab hay taxi về cũng được nhưng sau đó sẽ gặp nhiều bất tiện khác như hôm sau phải đón Grab đưa đón con đi học, rồi phải quay lại quán lấy xe, lúc đó cũng ngại với nhân viên của quán. Từ khi có Nghị định 100, ai rủ nhậu mình có lý do để từ chối luôn, đỡ phải áy náy như trước đây”.
Thời gian gần đây, tại nhiều buổi tiệc cưới ở TP.Biên Hòa, những khách tự lái xe đến dự tiệc thường chỉ dùng nước suối hoặc nước ngọt, nhiều bữa tiệc khách đến dự chủ yếu là nữ. Một số người cho biết, do các ông chồng ngại nhậu sẽ bị phạt khi lái xe nên để vợ đi thay.
Điều này cho thấy Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đang dần đi vào cuộc sống góp phần thay đổi dần thói quen “khi vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu” của nhiều người. Nhiều ý kiến mong muốn lực lượng chức năng tiếp tục duy trì nghiêm việc kiểm tra, xử phạt nồng độ cồn đối với các phương tiện khi tham gia giao thông để hạn chế, ngăn chặn những tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia gây ra.
Giảm số ca cấp cứu do rượu, bia Bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, từ đầu tháng 1-2020 đến nay, mỗi ngày các ca bệnh nhập viện cấp cứu do rượu, bia (chủ yếu là tai nạn giao thông, tai nạn thương tích) giảm rõ, giảm từ 20-30% so với trước đây. Trước đây, vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, các ca cấp cứu vì tai nạn giao thông, tai nạn thương tích do rượu, bia vào liên tục với tình trạng thương tích rất nặng nề nhưng hiện nay, thỉnh thoảng mới có một vài ca thương tích nhẹ. Qua đó cho thấy, dù Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mới có hiệu lực nhưng nhờ công tác tuyên truyền rất tốt, việc xử lý nghiêm nên bước đầu đã có thay đổi theo chiều hướng tích cực. An An (ghi) |
Kim Liễu