Báo Đồng Nai điện tử
En

Bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng: Người dân đồng thuận

09:03, 17/03/2020

Từ 16-3, người dân phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng có tập trung đông người. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Từ ngày 16-3, người dân phải đeo khẩu trang khi đến các nơi công cộng có tập trung đông người. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Công chức và người dân đến làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND TP.Biên Hòa đều đeo khẩu trang. Ảnh: P.Liễu
Công chức và người dân đến làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND TP.Biên Hòa đều đeo khẩu trang. Ảnh: P.Liễu

Ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai trong 2 ngày đầu tiên thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, nhiều người dân đã mang khẩu trang khi đến các nơi tập trung đông người như: các cơ quan hành chính, siêu thị, chợ, nhà ga, bến xe...

* Thực hiện nghiêm

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND TP.Biên Hòa mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm lượt công dân đến làm các loại giấy tờ hành chính. Ngày 16-3, ở đây hầu như ai cũng đeo khẩu trang, từ nhân viên công vụ đến người dân.

Ông Nguyễn Hữu Có (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) đang làm giấy tờ nhà đất tại đây cho biết: “Tôi cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất kịp thời, thể hiện sự quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lan rộng. Để bảo vệ sức khỏe, mỗi người dân và cả cộng đồng cần phải chấp hành nghiêm túc”.

Còn tại Ga Biên Hòa, hầu hết các nhân viên của nhà ga, hành khách đi, đến và ngồi đợi tàu cũng chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang. Chị Nguyễn Thị Phương (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện nay, hầu như ngày nào Bộ Y tế cũng nhắn tin yêu cầu người dân chủ động phòng chống dịch, trong đó có việc phải đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người. Tuy nhiên, vẫn còn một số người chủ quan không đeo khẩu trang, gây nguy cơ lây nhiễm bệnh cho mình và cho người khác. Nay có quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bắt buộc mọi người phải chấp hành.

Trong khi đó, tại Bến xe Biên Hòa, các tài xế, phụ xe cũng như hành khách phần lớn có đeo khẩu trang, nhưng vẫn có một số hành khách không đeo. Ông Phạm Minh Tuấn, một tài xế xe buýt cho biết, tháng trước khi nguồn khẩu trang còn dồi dào, hành khách lên xe không đeo khẩu trang, nhà xe chủ động phát cho khách. Nhưng giờ khẩu trang khó kiếm và đắt đỏ nên nhà xe không phát nữa.

Hiện tại, Bến xe Biên Hòa quản lý rất nghiêm việc đeo khẩu trang. Tài xế, phụ lái, nhân viên bến xe không đeo khẩu trang sẽ bị nhắc nhở. Nhà xe nào có khách trên xe không đeo khẩu trang sẽ không cho xuất bến.

“Tôi nghĩ, mỗi người phải ý thức cùng cộng đồng mới đẩy lùi được dịch bệnh. Bởi nếu trên xe đông người, chỉ cần một người bị bệnh mà không đeo khẩu trang sẽ lây cho cả xe, rất nguy hiểm” - ông Tuấn nói.

* Chủ động phòng dịch bệnh

Không chờ đến khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại Đồng Nai, nhiều tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, cơ sở tôn giáo đã chủ động triển khai đeo khẩu trang khi đến các nơi công cộng, các nơi đông người nhằm bảo vệ bản thân và cộng đồng trong đợt dịch bệnh.

Hiện nhiều giáo xứ ở TP.Biên Hòa đã tổ chức khử khuẩn nhà thờ, chủ động cung cấp nguồn khẩu trang, nước sát khuẩn tay cho giáo dân trước khi tham dự thánh lễ. 

Ông Ninh Đình Châu, Trưởng ban hành giáo Giáo xứ Tân Mai (P.Tân Mai) cho biết, bắt đầu từ chiều 10-3, giáo xứ tiến hành khử khuẩn nhà thờ và khu nhà mục vụ, đồng thời phát khẩu trang và mua nước rửa tay sát khuẩn đặt tại các cửa ra vào, yêu cầu giáo dân đeo khẩu trang và khử khuẩn tay trước khi vào nhà thờ. Nguồn khẩu trang này do Ban bác ái của giáo xứ mua vải kháng khuẩn về tự cắt may, phát cho giáo dân.

Cũng theo ông Châu, Linh mục Nguyễn Mạnh Cường, Chánh xứ Giáo xứ Tân Mai cũng “đặc cách” cho những người già yếu, bệnh tật không cần phải đến nhà thờ, ở nhà dự thánh lễ online trên website của giáo phận; đồng thời hoãn tất cả các hoạt động có tính chất tập hợp đông người.

Tại TP.Biên Hòa, UBND thành phố cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19.  Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho hay, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố đã yêu cầu chủ tịch UBND các phường, xã phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu chủ động phòng ngừa, phát hiện nhanh, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh xảy ra.

Hiện TP.Biên Hòa đã lập đội phản ứng nhanh từ thành phố đến các phường, xã để sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị khi cần thiết. Đặc biệt, trong các hoạt động tiếp dân, yêu cầu nhân viên công vụ phải ý thức đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, đồng thời yêu cầu người dân cùng thực hiện, nhằm chung tay cùng cộng đồng hạn chế dịch bệnh.

Phương Liễu


Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ: 5 lợi ích của việc đeo khẩu trang

Khẩu trang (khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải) tuy chỉ là một trong 3 biện pháp phòng lây nhiễm virus ra môi trường, nhưng trong đợt dịch bệnh  Covid-19 này, khẩu trang nên là vật bất ly thân với mỗi người dân.

Đeo khẩu trang đúng chuẩn, đúng cách sẽ đem lại 5 lợi ích: đó là giúp ngăn cản sự lây nhiễm của dịch Covid-19; giúp tránh các bệnh về đường hô hấp khác như cúm, lao; giúp ngăn chặn bụi bặm trên đường; giảm tình trạng hít phải khí thải, khói và mùi xăng xe; là dụng cụ chống nắng, giúp tránh được tác nhân gây tổn hại cho da.

Chủ tịch UBND P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) Phạm Thanh Long: Cần có hướng dẫn cụ thể trong xử lý những người không đeo khẩu trang nơi công cộng

Yêu cầu đeo khẩu trang tại nơi công cộng là chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong tình trạng dịch bệnh khẩn cấp để người dân tự bảo vệ bản thân. Ngay tại trụ sở làm việc, chúng tôi có cử lực lượng dân quân đo nhiệt độ, nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang và rửa tay tại nơi chúng tôi bố trí sẵn, trước khi vào phường liên hệ công việc.

Hiện tại toàn thể cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại phường và người dân đến UBND phường đều chấp hành tốt quy định này. Tuy nhiên đối với các điểm công cộng khác trên địa bàn như: chợ, các điểm kinh doanh dịch vụ giải trí, nơi đông người… hiện nay vẫn còn có tình trạng người dân chưa tự giác đeo khẩu trang. Dù trước đó địa phương có tổ chức tuyên truyền bằng hình thức vận động các chủ cơ sở khuyến cáo người dân, dán các áp phích để tuyên truyền…

Theo quy định, đeo khẩu trang được xem là hành vi bắt buộc ở những nơi công cộng, nhưng đối với những người không chấp hành quy định này cũng chưa bị cơ quan chức năng nào xử lý. Đây có thể là nguyên nhân khiến vẫn còn có người lơ là không thực hiện. Do vậy theo tôi cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể trong xử lý những người không chấp hành để địa phương vận dụng thực hiện.

Luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh: Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm là vi phạm pháp luật

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì bệnh Covid-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A. Những người không đeo khẩu trang nơi công cộng có dấu hiệu vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 7, Điều 8 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Điều khoản này nghiêm cấm hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo Điều 11 của nghị định này: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng đối với một trong các hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Ngoài ra, nếu người bị dịch bệnh không đeo khẩu trang mà làm lây lan virus Covid-19 cho người khác còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về “tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

An Nhiên - Kim Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích