Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải có giấy phép lái xe mới được điều khiển xe đạp điện

10:06, 19/06/2020

So với luật hiện hành, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có nhiều quy định mới. Trong đó, bổ sung quy định người điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc phương tiện có công suất động cơ điện không vượt quá 4kW bắt buộc phải có giấy phép lái xe (GPLX) hạng A0.

So với luật hiện hành, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có nhiều quy định mới. Trong đó, bổ sung quy định người điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc phương tiện có công suất động cơ điện không vượt quá 4kW bắt buộc phải có giấy phép lái xe (GPLX) hạng A0.

Học sinh đi xe đạp điện trên các tuyến đường ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Lệ Bình
Học sinh đi xe đạp điện trên các tuyến đường ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Lệ Bình

Quy định này hiện đang nhận được sự quan tâm của nhiều người dân, nhất là phụ huynh học sinh và ngành chức năng.

* Thiếu kỹ năng lái xe an toàn

Hiện nay, việc phụ huynh cho con là học sinh bậc THPT, THCS sử dụng xe đạp điện rất phổ biến. Trên thực tế không ít trường hợp các em học sinh thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện khi lưu thông dẫn đến nguy cơ mất an toàn, tai nạn giao thông xảy ra.

Chị Bùi Thị Tuyết Ngân (ngụ xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) cho hay, do vợ chồng chị làm công nhân, không có thời gian đưa con đi học nên khi con trai lên lớp 7 đã mua cho con xe đạp điện nhằm chủ động trong việc di chuyển. Qua quan sát con đến trường và từ trường về nhà, chị nhận thấy khi tham gia giao thông con chưa chú ý đến quy định của Luật Giao thông đường bộ. Gia đình mua mũ bảo hiểm nhưng hiếm khi thấy con đội, qua những chỗ cua, ngã ba, ngã tư không hề giảm tốc độ, thậm chí còn chạy hàng 2, hàng 3 với nhóm bạn nên chị rất lo lắng.

Tương tự, anh Đỗ Trung Tuân (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện nay học sinh chạy xe đạp điện rất nhiều. Gọi là xe điện nhưng chạy không khác gì xe máy bởi vận tốc khá cao có lúc lên đến 40-50km/giờ. Chưa kể, trong quá trình di chuyển, loại phương tiện này ít phát ra tiếng ồn nên người đi trước không nhận biết để chủ động phòng tránh va chạm. Nếu trên đường xảy ra sự cố bất ngờ, các em lại thiếu kỹ năng xử lý sẽ dễ dẫn đến tai nạn.

Theo anh Tuấn, quy định cấp GPLX hạng A0 cho người điều khiển xe đạp điện sẽ phần nào ngăn chặn tình trạng nêu trên. Dù thực tế, quy định này sẽ ảnh hưởng nhiều đến các em học sinh. Nhưng đó là ảnh hưởng tích cực bởi các em cần được rèn luyện thêm các kỹ năng sống, từ đó tự chủ và có ý thức trách nhiệm với hành vi của mình.

Hiệu trưởng Trường THPT Long Thành (H.Long Thành) Từ Ngọc Long cho biết, học sinh hiện nay được phụ huynh trang bị xe đạp điện làm phương tiện đi lại rất phổ biến, không chỉ ở các đô thị mà còn ở vùng quê. Để nâng cao nhận thức cho các em học sinh, quy định cấp GPLX cho người điều khiển xe đạp điện là cần thiết. GPLX là chứng chỉ xác nhận người lái xe có đủ kỹ năng lái xe, nhưng quan trọng hơn là người lái xe đã học tương đối đủ về các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Nhờ đó người lái tham gia giao thông vững vàng hơn, hạn chế được tai nạn xảy ra.

* Cần có lộ trình thực hiện

Đa số ý kiến của phụ huynh đều ủng hộ quy định này. Tuy vậy, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn đơn vị nào sẽ tổ chức thực hiện việc học, giám sát, sát hạch GPLX; việc triển khai cần được tính toán cụ thể, theo lộ trình để hạn chế ảnh hưởng đến các bậc phụ huynh và bản thân các em.

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, 90% số vụ tai nạn giao thông đối với học sinh trong những năm gần đây rơi vào nhóm từ 16-18 tuổi. Đối tượng chủ yếu đang sử dụng xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3, xe đạp điện. Vì vậy, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã bổ sung các quy định học sinh dưới 16 tuổi khi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc phương tiện có công suất động cơ điện không vượt quá 4kW phải có GPLX hạng A0.

Chị Lê Quỳnh Như (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bộc bạch, con gái chị chuẩn bị vào THPT nên gia đình muốn mua xe đạp điện cho con. Nhưng lâu nay con chưa sử dụng loại phương tiện này nên khá lo lắng về kỹ năng thực hành lái xe, xử lý các sự cố trên đường cũng như nắm bắt các quy định của pháp luật về giao thông. Do đó, chị Như mong muốn trước khi quy định được áp dụng cần thời gian thực hiện, hướng dẫn cụ thể từ các ngành chức năng.

Trong khi đó, anh Trần Văn Quân (ngụ xã Long Đức, H.Long Thành) kiến nghị, Bộ GT-VT và Bộ GD-ĐT nên đưa chương trình học bằng lái xe vào học như một môn học giáo dục công dân và học từ THPT. Học sinh vừa được học lý thuyết, vừa được thực hành từ sớm sẽ dễ tiếp thu hơn. Từ đó, nhà trường cũng có thể kết hợp với trung tâm đào tạo lái xe để tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ cho các em ngay tại trường.

“Thay vì học sinh vi phạm bị lập biên bản xử phạt thì các ngành chức năng nên gửi biên bản về trường để cho học lại, thi lại. Một phần phổ biến, phổ cập những quy định về an toàn giao thông, mặt khác việc học sinh có bằng lái xe hạng A0 để tiện cho việc học và thi GPLX xe máy sau này” - anh Quân cho biết thêm.

Liên quan đến quy định này, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu dự thảo được thông qua, đề nghị các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát GPLX của người điều khiển mọi loại phương tiện, đặc biệt đối với đối tượng là học sinh. Từ đó, góp phần tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông trong học đường, không để xảy ra các vụ tai nạn đau lòng liên quan đến trẻ em.         

            Lệ Bình

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích