Từ hôm nay 15-7-2020, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc sẽ được điều chỉnh theo Nghị định 58/2020/NĐ-CP ngày 27-5-2020 của Chính phủ quy định về mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp.
Từ hôm nay 15-7-2020, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc sẽ được điều chỉnh theo Nghị định 58/2020/NĐ-CP ngày 27-5-2020 của Chính phủ quy định về mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp. Việc điều chỉnh mức đóng BHXH nhằm mục đích tăng mức hưởng cho người lao động sau khi hết tuổi lao động.
Nhân viên Bảo hiểm xã hội tỉnh đang hướng dẫn người lao động làm các thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: P.Liễu |
Theo Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành, năm 2020 có sự thay đổi khá căn cơ về các chính sách và chế độ BHXH, trong đó thay đổi mức đóng BHXH là vấn đề được nhiều lao động và chủ sử dụng lao động quan tâm.
* Nhiều điểm mới
Theo BHXH tỉnh, hiện mức đóng BHXH của người lao động được xác định theo công thức: mức đóng BHXH = tỷ lệ đóng x mức tiền lương tháng đóng BHXH. Trong đó, mức đóng BHXH phụ thuộc vào 2 hệ số là tỷ lệ đóng và mức tiền lương tháng đóng BHXH. Nhiều năm qua, tỷ lệ đóng gần như không có sự thay đổi, vì thế việc thay đổi mức tiền lương đóng BHXH sẽ tạo ảnh hưởng lớn đến mức đóng BHXH.
Hiện nay, tỷ lệ đóng BHXH được chia ra thành nhiều loại và căn cứ vào từng đối tượng tham gia BHXH cụ thể mà có mức đóng khác nhau. Theo đó, tỷ lệ đóng bảo hiểm hiện nay là 32% bao gồm BHXH 25%, BHYT 4,5%, bảo hiểm thất nghiệp 2% và bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp là 0,5%. Trong đó trích đóng từ người lao động là 10,5%, còn chủ sử dụng lao động đóng 21,5%.
Theo quy định mới, từ ngày 1-1-2020 đến 30-6-2020, mức lương tháng đóng BHXH của người lao động buộc phải lớn hơn hoặc bằng mức lương tối thiểu vùng và tùy thuộc vào từng loại đối tượng: lao động phổ thông, lao động qua đào tạo, lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm. Được biết, mức lương tháng đóng BHXH tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở, từ ngày 1-1-2020 mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng.
Một điểm mới khác, nhằm động viên và ưu đãi cho các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong 3 năm liên tục, tần suất tai nạn lao động 3 năm liên tục giảm từ 15% hoặc không để xảy ra tai nạn lao động cũng như thực hiện việc đóng BHXH đủ, đúng quy định sẽ được áp dụng mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương, thay vì phải đóng 0,5% cho quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
* Nâng mức đóng để tăng mức hưởng
Ông Phạm Minh Thành cho biết thêm, mức đóng BHXH tối thiểu năm 2020 tăng 7% đối với lao động đã qua học nghề hoặc làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và tăng 5% đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trên mức lương tối thiểu vùng năm 2020. Cụ thể, tăng hơn 240 ngàn đồng so với năm 2019 với lao động vùng I; tăng 210 ngàn đồng với lao động vùng II; 180 ngàn đồng và 150 ngàn đồng với lao động vùng III và IV.
Riêng mức đóng bảo hiểm tối đa không quá 20 lần mức lương cơ sở, cụ thể mốc 1-1-2020 mức đóng bảo hiểm tối đa là 29,8 triệu đồng/tháng; dự kiến thời gian tới khi mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 1,6 triệu đồng thì mức này sẽ được tăng lên 32 triệu đồng/tháng. Người lao động đóng BHXH ở mức càng cao thì lợi ích được hưởng từ BHXH sẽ càng lớn. Khi đóng BHXH ở mức tối đa thì quyền lợi của người lao động được hưởng từ BHXH là cao nhất.
Thời gian tới, khi mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên 1,6 triệu đồng thì mức trợ cấp cho người lao động cũng được điều chỉnh tăng. Cụ thể như hiện nay mức trợ cấp một lần khi sinh con là 2,98 triệu đồng, khi mức lương cơ sở điều chỉnh tăng thì mức trợ cấp này sẽ là 3,2 triệu đồng (sẽ tăng 220 ngàn đồng); mức trợ cấp dưỡng sức ốm đau, thai sản sẽ tăng từ 447 ngàn đồng lên 480 ngàn đồng/ngày (tăng được 33 ngàn đồng/ngày). Tương tự mức trợ cấp mai táng cũng sẽ được tăng hơn 1,1 triệu đồng so với trước khi mức lương cơ sở điều chỉnh tăng.
Riêng đối với hưởng trợ cấp một lần và lương hưu, một số điều, khoản của Luật BHXH năm 2014 cũng được điều chỉnh theo hướng có lợi cho người lao động, đó là từ ngày 1-1-2020 đến ngày 31-12-2024, lương hưu sẽ căn cứ vào mức lương trung bình tháng của 20 năm gần nhất trước khi về hưu, điều này giúp người lao động được hưởng quyền lợi cao hơn khi nghỉ hưu. Hoặc điều kiện và mức tính hưởng lương hưu đối với lao động nam cũng được thay đổi, trong năm 2020, lao động nam sẽ được hưởng lương hưu nếu đã từng có 18 năm tham gia BHXH thay vì 20 năm như trước đây. Mức tính hưởng lương hưu được tính bằng 45% tiền lương tham gia bảo hiểm trung bình tháng.
Tuy nhiên, cũng trong năm 2020, lao động nam 55 tuổi và lao động nữ 50 tuổi bị suy giảm 61% khả năng lao động thì mới được hưởng lương hưu so với quy định hiện hành là nam 54 tuổi và nữ 49 tuổi, nghĩa là quy định về độ tuổi hưởng chế độ hưu trí đã tăng thêm 1 tuổi so với hiện tại.
Cũng theo ông Phạm Minh Thành, BHXH là chính sách an sinh xã hội cho người lao động. Theo quy định hiện nay, 2/3 mức đóng BHXH của người lao động là do chủ sử dụng lao động có trách nhiệm đóng, cho nên việc nâng mức đóng BHXH đồng nghĩa với việc tăng mức hưởng của người lao động như khi bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp hay tử vong, cũng như tăng mức hưởng lương hưu khi người lao động hết thời gian lao động. Đây là một trong những thay đổi căn cơ theo hướng có lợi cho người lao động rất nhiều.
Anh Phạm Quốc Vinh, nhân viên Công ty TNHH NOK (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) cho biết, việc điều chỉnh các chính sách bảo hiểm theo hướng có lợi cho người lao động là rất cần thiết. Đặc biệt lần này, những lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được tăng mức đóng bảo hiểm TNLĐ và bệnh nghề nghiệp để sau này được hưởng trợ cấp cũng như hưu trí cao hơn, điều đó rất nhân văn. Bởi không ít người lao động khi bị TNLĐ và bệnh nghề nghiệp khi về hưu rất chật vật với khoản lương hưu khiêm tốn do mức đóng bảo hiểm trước đó thấp. |
Phương Liễu