Thời gian gần đây, một số người trẻ tự quay clip về những hành động gây sốc, kém văn minh rồi tung lên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram...) với mục đích "câu like" gây "phẫn nộ" trong cộng đồng mạng.
Thời gian gần đây, một số người trẻ tự quay clip về những hành động gây sốc, kém văn minh rồi tung lên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram...) với mục đích “câu like” gây “phẫn nộ” trong cộng đồng mạng.
Học sinh Trường THPT Long Thành (H.Long Thành) tự nguyện thu dọn rác thải ở khu vực công viên Vườn Dầu (TT.Long Thành). Ảnh: Đăng Tùng |
* Những hành vi gây sốc để “câu like”
Tối 19-7, trên mạng xã hội (MXH) lan truyền clip một nhóm bạn trẻ cố tình rải bánh làm dơ phòng một khách sạn tại TP.Vùng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), đồng thời còn văng tục, chửi thề rồi quay clip đăng tải lên MXH. Đây không phải lần đầu tiên những clip có nội dung như trên xuất hiện trên MXH. Trước đó, tháng 7-2019, nhiều tài khoản MXH đã chia sẻ clip khoảng 10 bạn trẻ xả rác trong phòng, gói thức ăn dư vào mền và ném ra ban công khi trả phòng tại một khách sạn tại TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).
Không những đăng clip chia sẻ những hành động không đẹp để “câu like” có bạn trẻ còn “gây sốc” bằng việc chia sẻ lên MXH những hành động bị pháp luật nghiêm cấm. Cụ thể như, vào cuối tháng 2-2019, một cô gái đã đăng hình ảnh mua và ăn trứng vích (một loại rùa biển nằm trong Sách đỏ Việt Nam) trong chuyến đi du lịch Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trên trang Instagram cá nhân. Vụ việc đã khiến nhiều cư dân mạng bày tỏ phẫn nộ trước hành động này và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý hành vi tiêu thụ trứng rùa biển của cô gái cũng như người đã cung cấp trứng rùa biển.
Anh Nguyễn Bảo Vĩnh (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) kiến nghị, các ngành chức năng cần xử lý nghiêm việc đăng tải những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm lên MXH để “câu like” mới hạn chế được tình trạng đăng thông tin tùy tiện như trên.
Thầy và trò Trường THPT Long Thành giúp cán bộ TT.Long Thành cắm bảng cấm xả rác trên vỉa hè |
Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ trên MXH mà ngay cả trong cuộc sống đời thường vẫn xuất hiện một số bạn trẻ có thói quen xấu như văng tục, chửi bậy, khạc nhổ, vứt bỏ rác bừa bãi, viết, vẽ bậy ở những nơi công cộng; không nhường chỗ ngồi trên xe buýt cho những người được ưu tiên (người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai...); chen ngang trong khi mọi người xếp hàng mua vé xem phim...
“Không ít người biết rằng, những hành động nêu trên là không đúng, là chưa đẹp nhưng vẫn làm vì cho rằng đó chỉ là những lỗi nhỏ, không có gì đáng kể. Điều đó rất nguy hiểm vì lâu ngày sẽ tạo thành một thói quen không tốt, ảnh hưởng đến cách hành xử, lối sống lệch lạc sau này” - anh Nguyễn Bảo Vĩnh bày tỏ lo lắng.
* Cần rèn luyện lối sống đẹp
Bên cạnh những hành vi không chuẩn mực, thiếu văn minh trên MXH của một số bạn trẻ thì vẫn còn rất nhiều hành động đẹp, lối sống đẹp của những người trẻ được lan tỏa trên MXH và cuộc sống đời thường. Gần nhất, vào chiều 16-6, trên đường đội mưa đi học về, em Phạm Trọng Đạt (học sinh lớp 6, Trường THCS Long An, H.Long Thành) dùng tay móc rác, khơi thông miệng cống cho nước thoát. Sau đó Đạt đã được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng. Hay ngày 27-3, 2 em Thanh Phong và Như Ý (cùng ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) đã cùng người nhà đến Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ủng hộ 1,4 triệu đồng tiền tiết kiệm để hưởng ứng lời kêu gọi Toàn dân ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19...
TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (TP.HCM) cho rằng, để hình thành được lối sống đẹp phải liên tục rèn luyện mỗi ngày từ những việc làm nhỏ nhất. Ngay từ nhỏ, trẻ được sống trong môi trường giáo dục tốt từ gia đình đến nhà trường. Ở đó cha mẹ và thầy cô luôn là tấm gương sáng về nhân cách. Vì khi người lớn xung quanh có cách sống tốt, quy củ, sẽ tạo cho trẻ nếp sống tốt, lối sống đẹp ngay từ nhỏ, và qua thời gian, việc “sống đẹp” sẽ dần thấm sâu vào tiềm thức, trở thành phản xạ tự nhiên của các bạn trẻ khi trưởng thành; giúp người trẻ tự điều chỉnh hành vi theo lối sống đẹp, sống có ích. |
Ông Nguyễn Tiến Sâm (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho rằng: “Những hành động đẹp của người trẻ nên được giới thiệu nhiều hơn trên MXH, các cơ quan báo, đài để góp phần lan tỏa hành động đẹp, lối sống đẹp trong cộng đồng, nhất là trong giới trẻ. Đặc biệt, những người thầy, người thủ lĩnh Đoàn Thanh niên tại cơ sở cũng nên cập nhật những tấm gương này đến học sinh, đoàn viên trẻ bằng những hình thức hấp dẫn, tạo phong trào cho các bạn trẻ khác noi theo”.
Thực tế, thời gian qua, nhiều hoạt động xây dựng lối sống đẹp, tôn vinh các điển hình tuổi trẻ đã được các cơ quan, đoàn thể, trường lớp, các nhóm bạn trẻ tự tổ chức và thực hiện sôi nổi. Cụ thể như vào năm 2019, phong trào Challenge for Change (Thử thách thay đổi hay còn gọi là Thử thách dọn rác nơi công cộng) trên MXH đã được nhiều nhóm bạn trẻ, chi đoàn một số lớp (tại TP.Biên Hòa, H.Long Thành, TP.Long Khánh...) tự tổ chức, góp phần xây dựng thói quen không xả rác nơi công cộng, sống “xanh” với môi trường.
Góp phần vào việc giới thiệu, tôn vinh những thanh niên sống đẹp, có đóng góp cho địa phương, những năm qua, Tỉnh đoàn Đồng Nai đã thành lập và duy trì trang Facebook Tỉnh đoàn Đồng Nai, thường xuyên đăng tải, cập nhật các gương sáng, điển hình “sống đẹp” của tuổi trẻ, thanh niên địa phương. Đồng thời, việc tổ chức bình chọn, trao danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Đồng Nai, đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp (5 năm/lần)... cũng là hình thức lan tỏa phong trào, hướng các bạn trẻ đến lối sống có ích, sống đẹp.
Đăng Tùng