Báo Đồng Nai điện tử
En

Hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào khu dân cư

10:07, 13/07/2020

Mới đây, tại kỳ họp HĐND TP.HCM, có đại biểu đã đề nghị UBND các cấp xử lý triệt để thực trạng hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào. Thực trạng hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào, phiền hà trong khu dân cư không chỉ xảy ra ở TP.HCM mà cũng diễn ra rất phổ biến tại Đồng Nai. 

Mới đây, tại kỳ họp HĐND TP.HCM, có đại biểu đã đề nghị UBND các cấp xử lý triệt để thực trạng hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào. Thực trạng hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào, phiền hà trong khu dân cư không chỉ xảy ra ở TP.HCM mà cũng diễn ra rất phổ biến tại Đồng Nai. 

Một người bán hàng rong hát karaoke bằng loa kéo ngay tại giao lộ Phạm Văn Thuận - Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đăng Tùng
Một người bán hàng rong hát karaoke bằng loa kéo ngay tại giao lộ Phạm Văn Thuận - Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đăng Tùng

Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến bạn đọc Báo Đồng Nai cho rằng, cần có giải pháp để chấn chỉnh, không để tình trạng hát karaoke bằng loa kéo tiếp tục làm ảnh hưởng đến nhiều người dân.

* Hát karaoke bằng loa kéo ngày càng phổ biến

Theo phản ảnh của nhiều bạn đọc ở TP.Biên Hòa, ngày nào cũng vậy, cứ từ 18 giờ trở đi, khi các quán nhậu, quán ăn gia đình ở các phường: Thống Nhất, Trảng Dài, Tân Tiến, Long Bình, Long Bình Tân... hoạt động đông đúc, cũng là thời điểm họ bị “tra tấn” bởi tiếng karaoke loa kéo từ những người bán hàng rong hoặc từ những quán nhậu có đầu tư dàn karaoke loa kéo có công suất âm thanh lớn gây ồn ào, ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của các hộ dân ở xung quanh.

Ông V.H.H. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bức xúc: “Đúng là hiện nay, việc tổ chức hát karaoke bằng loa kéo quá phổ biến ở các quán ăn, quán nhậu và trong bữa tiệc của các gia đình. Tôi cho rằng, việc hát karaoke là quyền của mỗi người nhưng cần tổ chức có giờ giấc, mở âm thanh vừa đủ nghe để không làm ảnh hưởng đến bà con chòm xóm. Đã có trường hợp hàng xóm cự cãi, gây nhau vì tiếng ồn do hát karaoke”.

Tương tự, bà T.T.N. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) phản ảnh, hiện nay, trong các bữa tiệc gia đình, nhiều người thuê loa kéo, màn hình lớn để khách hát karaoke vui vẻ. Tuy nhiên, việc hát hò kéo dài đến sau 22 giờ, ảnh hưởng giấc ngủ người khác, nhất là người cao tuổi, trẻ em. Nếu báo lên khu phố hoặc chính quyền địa phương thì những người tổ chức hát karaoke này cũng chỉ bị nhắc nhở nên không đủ sức răn đe.

Lý giải cho nguyên nhân tình trạng hát karaoke bằng loa kéo ngày càng phổ biến trong các quán nhậu, anh V.T. (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) - một người bán hạt dẻ cho biết, do nắm được tâm lý khách nhậu thường thích hát hò nên nhiều người bán hàng rong đã đầu tư hẳn một chiếc loa kéo để vừa hát cho khách nghe vừa cho khách mượn micro để hát. Có như vậy họ mới bán được nhiều hàng và có thêm khoản tiền khách “bo”. Nhờ đó, thu nhập cũng kha khá nên nhiều người đua nhau sắm loa kéo để làm ăn. Về phía quán nhậu cũng có lợi, khách hát vui thì ngồi lại lâu, gọi thêm món, thêm bia, quán có thêm lợi nhuận.

* Chẳng lẽ bó tay?

Theo UBND một số phường tại TP.Biên Hòa, trong trường hợp người dân phản ảnh tình trạng hát karaoke gây ồn ào sau 22 giờ thì các trưởng khu phố, cảnh sát khu vực sẽ nhanh chóng có mặt và khuyến cáo giải tán, trả lại sự yên tĩnh cho người xung quanh. Tuy nhiên, nếu là ban ngày thì gần như không thể xử lý được, thậm chí trước 22 giờ cũng không có cơ sở xử lý hành chính mà chỉ vận động, hòa giải.

Bởi lẽ, dù Điều 17, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có xử phạt vi phạm các quy định về tiếng ồn, nhưng để đo độ ồn âm thanh (đơn vị đo là dBA) thì hiện các địa phương không có thiết bị nên không có cơ sở để xử phạt cho hợp tình hợp lý, nếu không khéo sẽ bị khiếu kiện ngược lại.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến bạn đọc Báo Đồng Nai cho rằng, cần sửa đổi các quy định liên quan đến việc hát karaoke gây tiếng ồn trong khu dân cư, không cần thiết phải đo độ ồn âm thanh như quy định hiện tại mà nên bổ sung quy định cấm hành vi hát karaoke gây ồn.

Ông N.D.A. (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Nên xem xét hành vi hát karaoke, kể cả trong khu dân cư hay quán ăn, hễ hát ngoài phòng cách âm mà dùng loa thì phải cấm và có khung xử phạt cụ thể. Từ đó, người dân có thể dùng các clip trên điện thoại để tố giác hành vi này, cơ quan chức năng sẽ kịp thời can thiệp”.

Về vấn đề này, chị T.H.A. (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) hiến kế: “Nếu các quy định pháp luật chưa cấm hành vi liên quan đến hát karaoke gây ồn thì nên hạn chế việc sử dụng các loại loa kéo bằng quy định, ai muốn tổ chức hát karaoke bằng loa kéo trong khu dân cư thì phải đăng ký với UBND phường về thời gian tổ chức, cam kết không tổ chức hát karaoke trong khu dân cư sau 22 giờ. Từ đó làm cơ sở để chính quyền địa phương xử lý hành chính khi cá nhân, hộ gia đình nào có vi phạm. Song song đó, cần đưa nội dung không tổ chức hát karaoke gây ồn trong khu dân cư vào hương ước, quy ước của khu phố, ấp để nhắc nhở người dân thực hiện tốt lối sống văn minh, lịch sự”.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều