Báo Đồng Nai điện tử
En

Tự bảo vệ trên môi trường mạng

10:07, 10/07/2020

Hiện nay, việc tham gia các mạng xã hội (MXH) như: Facebook, Zalo, Twitter, Instagram, Telegram... khá phổ biến. Thậm chí, có người còn tham gia một hoặc vài MXH khác nhau và thường xuyên cập nhật, chia sẻ nhiều thông tin cá nhân, hình ảnh riêng tư lên MXH.

Hiện nay, việc tham gia các mạng xã hội (MXH) như: Facebook, Zalo, Twitter, Instagram, Telegram... khá phổ biến. Thậm chí, có người còn tham gia một hoặc vài MXH khác nhau và thường xuyên cập nhật, chia sẻ nhiều thông tin cá nhân, hình ảnh riêng tư lên MXH. Không ít trường hợp đã bị kẻ xấu sử dụng các thông tin này vào mục đích lừa đảo, mạo danh, bôi nhọ hoặc vu khống, tiếp tay phát tán thông tin giả...

Giả mạo người khác để lừa đảo, yêu cầu chuyển khoản là hành vi thường gặp. Trong ảnh: Một trường hợp giả mạo Facebook của người khác yêu cầu chuyển tiền. Ảnh minh họa: Đăng Tùng
Giả mạo người khác để lừa đảo, yêu cầu chuyển khoản là hành vi thường gặp. Trong ảnh: Một trường hợp giả mạo Facebook của người khác yêu cầu chuyển tiền. Ảnh minh họa: Đăng Tùng

Thời gian qua, trên cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đã xảy ra những vụ cố tình sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân của người khác trên các MXH vào mục đích xấu. Thường gặp 2 hình thức là dùng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác rồi tạo một tài khoản mạo danh để lừa đảo, bôi nhọ danh dự người đó hoặc đột nhập, chiếm dụng tài khoản cá nhân của người khác rồi lừa đảo, tiết lộ những tin nhắn, hình ảnh riêng tư của người khác...

* Cảnh giác mạo danh người khác

Trên thực tế đã xảy ra các vụ giả mạo Facebook cá nhân của người khác để đăng tải thông tin sai sự thật. Cụ thể như do mâu thuẫn trên MXH Facebook với anh H.H.D. (TP.Đà Lạt), một đối tượng đã đổi tên tài khoản Facebook của mình sang tên “H.H.D.” để giả mạo, nhằm gây mâu thuẫn giữa anh D. với bạn bè. Đáng chú ý, đối tượng này còn dùng tài khoản Facebook H.H.D. (giả mạo), đăng tải nhiều thông tin sai sự thật, trong đó ngày 1-4, đối tượng này có thông tin giả về tình hình dịch Covid-19 tại TP.Đà Lạt khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.

Bộ Công an khuyến cáo, khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng, người dân cần tỉnh táo sàng lọc thông tin; tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Tập thói quen kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để kiểm tra.

Ngay tại Đồng Nai, ngày 4-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa đã bắt khẩn cấp đối với Vòng Thiên Hương (ngụ H.Định Quán) và Nguyễn Tấn Tài (ngụ tỉnh Bình Thuận) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, 2 đối tượng trên đã lập tài khoản Facebook mạo danh chủ quán trà sữa (nơi Hương đang làm việc) rồi yêu cầu nhân viên của quán chuyển tiền vào một tài khoản mà các đối tượng quản lý, tổng số tiền bị lừa chuyển là hơn 14 triệu đồng.

Anh N.H.T.H. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa), nhân viên một công ty chuyên về an ninh mạng tại TP.HCM cho biết, việc mạo danh tài khoản MXH của một người khác (thường là Facebook) khá đơn giản, chỉ cần sao chép toàn bộ giao diện, các bài đăng, hình ảnh gần đây của chủ tài khoản sang một tài khoản khác. Sau đó lừa đảo bạn bè, người thân của chủ tài khoản bằng việc yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản, nạp tiền điện thoại...

Ngoài ra, theo anh H., việc đột nhập, chiếm quyền sử dụng tài khoản MXH của người khác cũng không quá phức tạp. Hiện nay, các đối tượng xấu có thể dùng một cách đơn giản là gửi email, tin nhắn qua MXH, trong đó có cài mã độc, chỉ cần chủ tài khoản nhấp vào, ngay lập tức, mã độc xâm nhập vào máy tính, điện thoại thông minh đánh cắp mật khẩu các tài khoản email, MXH của nạn nhân cũng như nắm hết các bí mật đời tư của nạn nhân thông qua các tin nhắn, hình ảnh trên MXH...

* Chủ động bảo vệ là giải pháp chính

Luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Hội Luật gia tỉnh cho biết, tại Khoản 1, Điều 21, Hiến pháp năm 2013 quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Do đó, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Hiện nay, các quy định pháp luật đã có để bảo vệ quyền bí mật thông tin cho cá nhân, tổ chức trên không gian mạng. Cụ thể như tại Điều 80, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện tử, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo đó, tùy vào thiệt hại hoặc hành vi phát sinh mà người sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người khác có thể bị xử lý hành chính từ 10-50 triệu đồng, thậm chí còn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, theo luật sư Định, mỗi cá nhân cần tự bảo vệ mình trên môi trường MXH bằng nhiều biện pháp bảo mật, tự kiểm tra. Cụ thể như: thường xuyên thay đổi mật khẩu, hạn chế nhấp vào các email, link từ tài khoản lạ... Đặc biệt khi nhận được yêu cầu chuyển khoản, nạp tiền, nhận hàng giùm từ người quen bằng tin nhắn của các ứng dụng MXH, nên gọi điện thoại trực tiếp để xác minh. Bên cạnh đó, nên thường xuyên kiểm tra những thông tin đã đăng tải trên tài khoản MXH, ẩn hoặc xóa những thông tin không cần thiết, hạn chế việc người khác lợi dụng để gây hại cho chủ tài khoản.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều